Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc “sến”... hồi sinh?

07:08, 22/08/2011

Trước năm 1975, tại miền Nam, một thời  nhạc “sến” bị xếp vào loại nhạc “thiếu chất nghệ thuật”, thậm chí các ca sĩ chuyên hát nhạc này cũng bị xem là “sến”! Thế mà giờ đây, nhạc “sến” lại được nhiều người ưa thích…

 

Trước năm 1975, tại miền Nam, một thời  nhạc “sến” bị xếp vào loại nhạc “thiếu chất nghệ thuật”, thậm chí các ca sĩ chuyên hát nhạc này cũng bị xem là “sến”! Thế mà giờ đây, nhạc “sến” lại được nhiều người ưa thích…

Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, từ “sến” gần như là một tiếng lóng nhằm biểu thị cho một hành động hay lời nói, lời ca, điệu nhạc “ẻo lả”, lê thê. Về âm nhạc, các bài hát bị cho là “sến” thường có nội dung nói về tình yêu đôi lứa hay lời tình tự của kẻ lỡ bước sang ngang, thất tình, phụ tình, bạc tình được “kể lể” bằng các ca từ nôm na, dung dị, khi hát lên là biết liền! Giai điệu của loại nhạc này thì chậm rãi, ướt át, đa phần thuộc giai điệu Boléro, Habanera... Người hát thì rên rỉ, tỉ tê và người nghe đa số thuộc giới bình dân cùng tâm trạng, dễ tính.

 * Nhạc “sến”... trỗi dậy

Đó chẳng qua là từ định kiến của một số người trong giới nghe nhạc khó tính, tự cho là có “đẳng cấp”,  thường chỉ dựa vào ca từ để chê, để gán ép. Thực ra, suy cho cùng nhạc “sến” hay không “sến” là tùy theo sự “cảm thụ” âm nhạc của người nghe.

Lệ Quyên, một trong những ca sĩ thể hiện thành công dòng nhạc “sến”.
Lệ Quyên, một trong những ca sĩ thể hiện thành công dòng nhạc “sến”.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều bản nhạc trong miền Nam ra đời cách đây gần nửa thế kỷ, một thời bị chê là “sến”, đã “tái sinh” tại các sô diễn ca nhạc từ Nam chí Bắc, như các bài hát: Đừng nói xa nhau, Nhớ người yêu, Căn nhà màu tím, Căn nhà ngoại ô, Con đường xưa em đi, Hoa sứ nhà nàng… Và dòng nhạc này được thể hiện khá ướt át, qua giọng ca của các ca sĩ “hậu bối” trong nước và hải ngoại, như: Mai Quốc Huy, Thanh Thảo, Lệ Quyên, Băng Tâm, Thế Luân… Các ca khúc này được khán, thính giả, kể cả giới trẻ thích. Rồi trên thị trường, đĩa hình, đĩa nhạc “sến” được chào bán dạo. Trong các cửa hàng văn hóa phẩm hay trên vỉa hè, nhạc “sến” cũng được bày bán chiếm tỷ lệ đáng kể so với các loại nhạc khác. Nhạc “sến” được hát trên sân khấu, hát trong đám cưới, tải về từ mạng… Theo ông Duy Thái, giảng viên khoa thanh nhạc Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai, thì: “Âm nhạc vốn là âm thanh dùng để diễn tả tình cảm của con người. Do vậy, với các ca khúc có tiết tấu, giai điệu tác động tốt đến đôi tai của công chúng và ca từ phù hợp với nỗi niềm, tâm tư, tình cảm của họ thì nó dễ… thấm vào lòng người”.

Hiện nay, việc nhạc “sến” sống lại và có vẻ sống khỏe, ít nhiều cũng tác động đến nhiều “cụ ông, cụ bà” có máu văn nghệ, vốn một thời chẳng ưa gì nhạc “sến”. Trước trào lưu nhạc “sến” quay lại, không ít đối tượng “đầu hai thứ tóc” đã có thay đổi ít nhiều về suy nghĩ của họ. Ông Tám Đáng, 70 tuổi, tâm sự: “Không biết có phải tôi mâu thuẫn với mình hay không, thuở xưa, khi mở radio hay coi truyền hình, khi nghe nhạc “sến” tôi thường lắc đầu cười ruồi. Bây giờ, khi chợt nghe các bản nhạc đó tôi lại nhớ đến thời trai trẻ. Nghĩ lại, ít ra nhạc “sến” cũng có cái hay của nó. Chỉ có điều, các ca sĩ trẻ bây giờ thể hiện dòng nhạc này không được sâu lắng như các ca sĩ thuở xưa”.

 * Thị hiếu vẫn là… thị hiếu!

Nếu tổ chức một sô nhạc giao hưởng và một sô nhạc “sến”, chắc chắn sô nhạc “sến” có khi khán giả phải mua vé chợ đen! Nghệ thuật là món ăn tinh thần, mà đã là món ăn, khi ăn hoài sẽ… ngấy. Để khỏi ngấy thì phải đổi món. Và âm nhạc cũng không ngoại lệ. Do vậy, hiện nay, nhạc “sến” cũng là hình thức “đổi món” trong giới ưa thích ca hát, kể cả nhiều ca sĩ chuyên nghiệp cũng đang dần chuyển sang… hệ “sến”.

Trước sự “lạm phát” của giòng nhạc “sôi động, nhún nhảy, phá cách”, họ muốn quay về dòng nhạc “êm dịu, du dương, trầm lắng”, dễ hát, dễ đàn và dễ nhớ. Và, nhất là các ca khúc có nội dung phù hợp, gần gũi với tâm trạng của công chúng mà chẳng cần quan tâm lắm đến giá trị nghệ thuật. Nhưng có điều, phải thừa nhận rằng, không hẳn bài hát “sến” nào cũng đều “sống lại” cả. Các bài hát “sến” sở dĩ được “tái sinh”, được nhiều người ưa thích, chẳng qua là một phần cũng nhờ ngoài nền nhạc, còn có ca từ. Ca từ của không ít bài hát “sến” đang phổ biến ít nhiều cũng đạt đến một phần trong “cảnh giới”: “Nhạc trung hữu thi” (trong nhạc có thơ)!

Lê Hoàng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều