Báo Đồng Nai điện tử
En

Lưu Hữu Phước - bậc đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam

10:09, 09/09/2011

Ngày 12-9 tới đây là tròn 90 năm ngày sinh của cố Bộ trưởng, giáo sư, viện sĩ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (12-9-1921 - 12-9-2011). Cả cuộc đời sáng tác của mình, Lưu Hữu Phước đã dành ca ngợi tinh thần yêu nước, ngợi ca lịch sử oai hùng và vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Ngày 12-9 tới đây là tròn 90 năm ngày sinh của cố Bộ trưởng, giáo sư, viện sĩ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (12-9-1921 - 12-9-2011). Cả cuộc đời sáng tác của mình, Lưu Hữu Phước đã dành ca ngợi tinh thần yêu nước, ngợi ca lịch sử oai hùng và vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Những bản nhạc của ông đã trở thành lời hiệu triệu thúc giục hàng vạn thanh niên dấn thân vào con đường cách mạng và đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Âm nhạc của ông là ngọn đuốc thắp sáng lên ngọn lửa yêu nước, thương nòi, tinh thần dân tộc khi “Sơn hà nguy biến”.

Lưu Hữu Phước đã sáng tác rất nhiều những bản nhạc mang tính sử ca, chính ca và những hành khúc nổi tiếng, như: Hành khúc thanh niên Nam kỳ; Người xưa đâu tá; Bạch Đằng Giang; Tiếng gọi thanh niên; Ải Chi lăng; Hồn tử sĩ; Hội nghị Diên Hồng; Lên đàng; Ca ngợi Hồ Chủ tịch; Giải phóng miền Nam v.v… Nhạc của ông đã trở thành lời hiệu triệu truyền ngọn lửa, tinh thần yêu nước cho lớp thanh niên khi ấy: “Toàn dân nghe chăng sơn Hà nguy biến/... Ôi Thăng Long cõi tinh kỳ” (Hội nghị Diên Hồng);  “Đêm khuya âm u/Ai khóc trong gió ngàn... cùng dòng sông/ tấm thân nát không nao/nhìn thấy quân Hán giày xéo sông núi nhà/Dòng châu rơi…” (Hồn tử sĩ) v.v…

Được sống gần Bác Hồ, Lưu Hữu Phước đã viết nhiều ca khúc ca ngợi Bác thật ân tình lắng đọng: Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1947), Tuổi hai mươi (1950), Mong Bác vui khỏe (1950), Nhớ Đảng nhớ Bác (1950), Tình Bác sáng đời ta (1969). Đã có rất nhiều nhạc sĩ viết về Bác Hồ, song những bài hát về Bác của Lưu Hữu Phước đã trở thành mẫu mực về ca ngợi Hồ Chủ tịch. Chỉ cần nghe những giai điệu của lời bài hát cất lên, mỗi người chắc hẳn sẽ bồi hồi xúc động tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của mình.

Nhắc tới Lưu Hữu Phước, có lẽ không thể quên và không thể không nhắc hành khúc nổi tiếng “Giải phóng miền Nam”. Bài hát có sức mạnh hơn những sư đoàn, như hồi kèn xung trận kêu gọi quân dân giải phóng một nửa nước đang còn ngoại xâm. Bài hát mà như lời Trần Bạch Đằng, đó là “một bài hùng ca, một bài tráng ca mà cũng là một bài tình ca”: “...Vùng lên! Nhân dân miền Nam anh hùng!/Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng!/Thề cứu lấy nước nhà!/Thề hy sinh đến cùng!/....Vận nước đã đến rồi,/Bình minh chiếu khắp nơi”. Bản “Tiếng gọi thanh niên” của ông đã được chính quyền Sài Gòn cải lời, làm quốc ca. Còn bản nhạc “Giải phóng miền Nam” mà ông sáng tác năm 1961 với tên tác giả là Huỳnh Minh Siêng đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chọn là bài hát chính thức.

Âm nhạc của Lưu Hữu Phước đã ngự trị trong trái tim của hàng triệu người Việt Nam yêu nước nhiều thế hệ. Lưu Hữu Phước đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng của người trí thức yêu nước chân chính và người nghệ sĩ tài năng đối với nhân dân và đất nước. Lưu Hữu Phước xứng đáng có chỗ đứng khó có người thay thế trong lĩnh vực âm nhạc nước nhà.

Trung Vũ

 

 

 

Tin xem nhiều