UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đề nghị xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 60 hiện vật, gồm 4 hiện vật đơn lẻ và 3 bộ sưu tập (56 hiện vật) thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Đồng Nai.
Tượng Nam thần. |
UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đề nghị xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 60 hiện vật, gồm 4 hiện vật đơn lẻ và 3 bộ sưu tập (56 hiện vật) thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Đồng Nai.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận thì đây sẽ là những bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đồng Nai.
Bộ sưu tập đàn đá Bình Đa gồm: 5 thanh nguyên và 31 mảnh, đoạn bị gãy, vỡ, được phát hiện và khai quật lần 1 năm 1979, lần 2 năm 1993 tại di chỉ khảo cổ học Bình Đa (TP.Biên Hòa). Đàn đá Bình Đa có niên đại cách đây khoảng trên dưới 3.000 năm, điều này nói lên dòng nhạc đàn đá Việt Nam ít ra đã có chiều dài lịch sử. Theo đó, truyền thống chế tạo và sử dụng đàn đá trong cộng đồng các dân tộc ở miền Nam nước ta hẳn đã có cội nguồn từ lâu. Đàn đá Bình Đa là một sản phẩm văn hóa tiêu biểu và độc đáo của cư dân cổ trên đất Đồng Nai.
Bộ sưu tập qua đồng Long Giao gồm 15 tiêu bản, do người dân phát hiện trong khi đào giếng làm rẫy tại một ngọn đồi vốn là miệng núi lửa vào năm 1982 tại ấp Long Giao, xã Xuân Tân, huyện Xuân Lộc (nay là xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ), sau đó tặng Bảo tàng Đồng Nai. “Qua” là tên gọi dùng chỉ một loại vũ khí giáp chiến thuộc hệ bạch khí, trong lịch sử còn được gọi là “binh khí mũi nhọn”. “Qua” làm bằng chất liệu đồng, được xem là loại vũ khí có tính năng sử dụng trong chiến đấu, đồng thời cũng có thể là loại vũ khí biểu trưng cho quyền uy, vị thế của con người quan trọng trong cộng đồng thời bấy giờ.
Phát hiện qua đồng ở Long Giao, lần đầu tiên khảo cổ học Việt Nam biết đến một sưu tập “qua” đồng đồ sộ chưa từng có với kỹ thuật trang trí tinh xảo, sự kỳ lạ về dáng lưỡi, kích thước và trọng lượng. Đây là một biểu tượng hoành tráng của đồ đồng và kỹ nghệ Đông Nam bộ, là một trong những thành tựu tầm cao về văn hóa - nghệ thuật, khoa học kỹ thuật đặc sắc và cổ kính Đồng Nai.
Tượng tê tê (người dân Nam bộ thường gọi là trút). Năm 1985, trong lúc lao động sản xuất tại sườn đồi đất đỏ bazan gần chóp nón một miệng núi lửa ở ấp Long Giao, người dân đào được 2 con tê tê (1 con đực, 1 con cái cái cõng tê tê con trên lưng). Tê tê đực được đem về trưng bày tại Nhà truyền thống Nông trường cao su Cẩm Mỹ, đến năm 1990, nông trường hiến tặng cho Bảo tàng Đồng Nai (riêng con tê tê cái đến nay vẫn chưa tìm lại được).
Tê tê đào được tại Long Giao là tượng thú bằng chất liệu đồng khá nặng (3,4kg), dài 37cm, bụng rộng 9,8cm và dày 6,7cm. Tượng được đánh giá là độc bản và là “sản phẩm đẹp, sinh động đỉnh cao văn hóa tiền sử Đồng Nai nửa sau Thiên niên kỷ I trước Công lịch…”. Tượng đã được tổ chức Asia Society (New York) chọn đưa sang Mỹ trưng bày trong cuộc triển lãm năm 2010.
Tượng tê tê. |
Sưu tập vàng Rạch Đông gồm 5 mảnh vàng còn nguyên vẹn, được khai quật tại di chỉ Rạch Đông thuộc xã Hố Nai 4, huyện Thống Nhất (nay là xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom). Đây là những lá vàng dát mỏng, trọng lượng lá nặng nhất là 3 phân 6, nhẹ nhất là 9 ly, trên bề mặt có trang trí hình bông hoa, hình con rùa, hình con ốc, hình Nam thần. Những di vật vàng được tìm thấy ở di chỉ Rạch Đông ngoài ý nghĩa về tôn giáo còn thể hiện một phong cách nghệ thuật và văn hóa độc đáo trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở Nam bộ, Trung Nam bộ và Đồng Nai.
Mảnh trang sức hình thoi Gò Bường được khai quật tại di chỉ Gò Bường (ấp 2, xã Long Phước, huyện Long Thành) vào năm 1989. Đây là một lá vàng dát mỏng (trọng lượng 8 phân 9), dài 3,5cm, rộng 2,0cm, được dập cắt thành hình thoi, một mặt lõm, mặt lồi. Di vật này thể hiện một phong cách nghệ thuật và văn hóa độc đáo; có thể xem là một vật trang sức hơn là một loại tiền tệ để trao đổi, mua bán trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên.
Tượng thần Vishnu do một công nhân khai thác cát tìm thấy trong lòng sông Đồng Nai (thuộc địa phận xã Hóa An, TP. Biên Hòa) vào năm 1977, sau đó bàn giao cho Bảo tàng Đồng Nai. Đây là pho tượng đẹp nhất còn khá nguyên vẹn, được các nhà nghiên cứu xác định là một tác phẩm nghệ thuật thuộc về Vishnu giáo. Tượng thần Vishnu được tạc bằng sa thạch trong tư thế đứng chính diện, kích thước cao như người thật. Tượng thần Vishnu góp phần khẳng định nghệ thuật điêu khắc tượng tròn vào thế kỷ V - VII sau Công nguyên đã đạt đến đỉnh cao của chuẩn mực hình khối, kích thước và các chi tiết giải phẫu theo khuynh hướng hiện thực, sống động và đầy sáng tạo. Tổ chức Asia Society (New York) đã chọn đưa tượng này sang Mỹ trưng bày trong cuộc triển lãm năm 2010.
Tượng Nam thần sưu tầm vào năm 1988 tại xã Long Hưng, huyện Long Thành (nay là TP.Biên Hòa). Tượng làm bằng đá, cao 114cm (không tính bệ), tạc ở tư thế đứng chính diện, toàn thân có màu xám trắng của sa thạch. Tượng Nam thần sưu tầm được ở Long Hưng cho thấy rõ tính bản địa ngày càng được phát huy, kết hợp với các tạo hình cân đối của tượng Campuchia, mang đậm dấu ấn phong cách Baphuon, giai đoạn Angkor vào thế kỷ XI.
Thúy Nga