Báo Đồng Nai điện tử
En

Biển của ta ơi!

10:10, 28/10/2011

Tạo hóa đã ban tặng cho ta dải đất Việt Nam hai nghìn ki-lô-mét bờ biển. Người Việt Nam ai cũng yêu biển, bởi vì với họ biển cả cũng là quê hương. Và một số tác phẩm văn học đã nói giùm họ tình yêu thiết tha với biển cả.

Tạo hóa đã ban tặng cho ta dải đất Việt Nam hai nghìn ki-lô-mét bờ biển. Người Việt Nam ai cũng yêu biển, bởi vì với họ biển cả cũng là quê hương. Và một số tác phẩm văn học đã nói giùm họ tình yêu thiết tha với biển cả.

Tung chài.      Ảnh: Nguyễn Đức Tường
Tung chài. Ảnh: Nguyễn Đức Tường

Những người sinh ra và lớn lên ở vùng biển đều có một niềm tự hào, hãnh diện về quê hương mình. Ngay từ năm 1939, trong bài thơ đầu tay “Quê hương”, nhà thơ Tế Hanh đã khoe với bạn đọc về cái làng biển của mình:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Cánh buồm trương, to như mảnh hồn lòng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

Làng biển không chỉ có vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên mà còn có vẻ đẹp của những con người - những người mẹ có trái tim yêu nước. Sau 19 năm xa cách, năm 1961 nhà thơ Tố Hữu đã trở về Hanh Cù, Hanh Cát làng ven biển Hậu Lộc (Thanh Hóa), nơi có bà mẹ Tơm đã che giấu cán bộ, những anh em trốn tù về hoạt động thời trước Cách mạng tháng Tám. Mẹ Tơm với trái tim đầy yêu thương đã bao bọc, chở che cho những người con cán bộ:

Thương người cộng sản, căm Tây - Nhật

Buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con

Đêm đêm chó sủa… Làng bên động?

Bóng Mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn.

(Mẹ Tơm)

Mẹ Tơm không còn nữa:

Ôi bóng người xưa đã khuất rồi

Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi

Sống trong cát, chết vùi trong cát

Những trái tim như ngọc sáng ngời

(Mẹ Tơm)

Trái tim người mẹ, một trái tim trong sáng, trọn vẹn, tỏa sáng muôn đời sau. Chúng ta biết ơn những người mẹ nghèo, giàu lòng yêu nước như thế.

Nhà thơ Chế Lan Viên trong chuyến đi thực tế Quảng Ninh đã viết bài thơ “Cành phong lan bể”. Như một nghệ sĩ quay phim đầy say mê, nhà thơ đã lia ống kính để khám phá những điều kỳ diệu dưới đáy biển:

Tôi muốn đến chỗ nước, trời lẫn sắc

Nơi bốn mùa đã hóa thành thu

Nơi đáy bể những rừng san hô vờ thức ngủ

Những rừng rong tóc xõa, lược trăng cài

Nơi những đàn mây trắng xóa cá bay đi

Cá vào hội xòe hoa mang áo đẹp

Đoạn thơ như một lời trầm trồ, kinh ngạc trước vẻ đẹp vượt ngoài sức tưởng tượng phong phú của nhà thơ. Vẻ đẹp của rặng “san hô vờ thức ngủ”, “rừng rong tóc xõa”, đàn cá như “đàn mây trắng xóa” bay lượn trong làn nước trong xanh, vẻ đẹp muôn màu muôn sắc của các loài cá như những loài hoa nở rộ dưới đáy biển.

Nếu nhà thơ Tế Hanh vẽ cho ta cảnh sắc ra khơi mạnh mẽ, hăng hái của những đoàn thuyền đánh cá buổi sớm mai thì nhà thơ Huy Cận lại vẽ nên cảnh những đoàn thuyền đánh cá ra khơi khi màn đêm buông xuống:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi

(Đoàn thuyền đánh cá)

Những đoàn thuyền đánh cá rời bờ trong cảnh đêm bình yên, thầm lặng chỉ vẳng lên tiếng hát đầy say mê, hào hứng của các ngư dân. Như một họa sĩ, nhà thơ Huy Cận đã vẽ nên một bức tranh tài tình với đầy đủ màu sắc:

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở sao lùa nước Hạ Long

Những chuyến ra khơi không chỉ là những cảnh tượng êm đềm, nên thơ và ngọt ngào, nó còn chứa đựng những hiểm nguy, gian khó khôn lường.

Dân biển.       Ảnh: Nguyễn Đức Tường
Dân biển. Ảnh: Nguyễn Đức Tường

Nhà văn Bùi Hiển miêu tả trong bài bút ký “Bám biển” hình ảnh con thuyền trong giông bão mịt mùng: “Trong đêm đen, con thuyền vẫn tiếp tục lao mình tới trước. Bị từng mảng nước lớn đấm vào ngực vào hông nó không ngăn được cái giật nẩy, nhưng vẫn chồm lên, vun vút phóng đi. Sóng sôi sục gầm réo. Nước trong lòng thuyền tát chưa kịp, chao qua chao lại cũng thành tiếng ồn ào. Gió rít đùng đùng, xúi giục biển phải lồng lộn hơn nữa, ném mưa tơi bời té tát, cố tâm chơi ác muốn vặn trái buồm, khiến xương buồm kêu răng rắc. Tất cả cứ tối tăm mù mịt, ầm ầm, hỗn độn cả lên. Thế nhưng thật lạ lùng, giữa lúc như vậy tôi lại có ấn tượng hầu như yên chí  là trong tất cả những sự hỗn độn này vốn chứa ngầm một điều gì đó rất điều hòa, rất nhịp nhàng, trật tự...”. Bài bút ký đã khắc họa một cách chân thật, sinh động, giàu chất thơ hình ảnh những ngư dân dũng cảm, kiên cường, lạc quan trong bão tố để thu về những mẻ tôm cá đầy khoang.

Biển của chúng ta rất đẹp và giàu, người dân miền biển giàu lòng yêu nước, vượt qua mọi khó khăn thử thách để làm ra những mùa tôm cá bội thu. Chúng ta càng yêu biển hơn khi đọc một số tác phẩm văn học viết về biển. Hãy giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các vùng biển đảo của chúng ta.

Bùi Quang Tú

 

 



 

 

 

Tin xem nhiều