Báo Đồng Nai điện tử
En

Hãy trở lại với văn hóa đọc

10:10, 21/10/2011

Giáo viên dạy văn và học sinh ngày nay ít đọc vì nhiều lý do. Trước hết, các phương tiện thông tin nghe nhìn quá phong phú, ồ ạt. Các kênh thông tin chiếm trọn cả 24 giờ của một ngày.

Giáo viên dạy văn và học sinh ngày nay ít đọc vì nhiều lý do. Trước hết, các phương tiện thông tin nghe nhìn quá phong phú, ồ ạt. Các kênh thông tin chiếm trọn cả 24 giờ của một ngày. Nó cuốn hút, thúc đẩy con người đến với các phương tiện nghe nhìn. Sau đó là các công việc dạy và học của giáo viên và học sinh ngày nay quá mệt mỏi và căng thẳng không có thời gian đọc sách. Thêm nữa, sách ở thư viện nghèo nàn, giá sách lại quá cao. Vì vậy, việc đọc sách gần như là công việc xa xỉ, hiếm hoi.

Trường THPT Thống Nhất B (huyện Thống Nhất) vừa được đầu tư Thư viện Đông Du phục vụ cho giáo viên, học sinh trong trường.
Trường THPT Thống Nhất B (huyện Thống Nhất) vừa được đầu tư Thư viện Đông Du phục vụ cho giáo viên, học sinh trong trường.

 

Thỉnh thoảng có một vài cuốn sách phục vụ cho giảng dạy thì giáo viên đọc, có một vài truyện tranh hoặc tác phẩm ăn khách thì học sinh đọc. Điều đặt ra ở đây là nếu dạy văn và học văn mà không đọc thì làm sao có thể dạy tốt và học tốt được.

Dạy văn và học văn, công việc đầu tiên là phải đọc. Đọc phải rộng, kể cả sách chính trị, triết học, tâm lý giáo dục, khoa học kỹ thuật (dưới dạng truyện), sách văn học không giảng dạy trong nhà trường. Đọc phải theo chiều sâu, tức là phải đọc đi đọc lại các tác phẩm dạy trong nhà trường, các tài liệu hướng dẫn giảng dạy văn học, hướng dẫn học văn, các tài liệu tham khảo liên quan.

Đọc nhiều thì biết rộng, biết sâu sắc, tức là giúp chúng ta bừng sáng lên về trí tuệ. Nhờ đọc, chúng ta biết được chính chế độ phong kiến đã vùi dập người phụ nữ trong Truyện Kiều, nỗi lòng người cô phụ có chồng đi lính trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở trong “ Chinh phụ ngâm”, bản tuyên ngôn hào hùng đanh thép sau chiến thắng giặc Minh qua “Bình Ngô Đại cáo”. Sự hiểu biết về cuộc sống, con người trong văn học 1930 -1945, văn học chống Pháp và chống Mỹ, văn học xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ nâng trí tuệ người đọc lên một tầm cao mới...

Điều mà không một phương tiện nghe nhìn nào có thể thay thế nổi đó là đọc góp phần bồi đắp tâm hồn, tình cảm, làm cho tâm hồn tình cảm thêm phong phú, mãnh liệt.

Đọc nhiều sẽ giúp ta cảm nhận được phong cách (tức bút pháp, giọng điệu) của mỗi nhà văn, nhà thơ. Điều này rất cần cho cảm thụ văn học. Ngoài nội dung chủ đề thì phong cách sẽ làm nên cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học. Cũng trào phúng đấy nhưng nghệ thuật trào phúng của Nguyễn Công Hoan trong “Đồng hào có ma” khác hẳn nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng ở “Hạnh phúc của một tang gia”. Nam Cao hiện thực thống thiết trong “Chí Phèo”, Thạch Lam hiện thực một cách tinh tế, sâu lắng trong “Gió đầu mùa”.

Đọc sẽ giúp gì cho viết và dạy? Đối với nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu thì cái sự đọc sẽ giúp cho họ trong việc viết. Nhà thơ Chế Lan Viên phải đọc cổ kim đông tây rồi mới làm thơ - dù chỉ là một bài thơ tứ tuyệt. Nhà thơ Xuân Diệu thì phải “ngốn hàng đống sách” trước khi viết một bài nghiên cứu phê bình. Ông thường nói với các bạn trẻ “Một cái đọc ra một cái viết”.

Ngay từ hồi còn nhỏ, tôi đã thấy ba tôi - nhà văn Bùi Hiển vào mùa đông buốt giá ngoài Hà Nội, 3 giờ sáng đã ngồi chong đèn đọc sách. Sở dĩ sau này ba tôi viết được một số truyện ngắn theo kiểu hiện đại như “Cái bóng cọc”, “Người từng điều khiển được chiêm bao” là nhờ ba tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm văn học nước ngoài và trong nước. Đối với giáo viên, đọc nhiều sẽ giúp họ nhớ, thuộc tác phẩm, so sánh, liên tưởng giữa các tác phẩm, tác giả, giữa sách vở và thực tế, suy nghĩ nghiền ngẫm về tác phẩm. Điều này giúp nhiều giáo viên sẽ dạy hay hơn.

Đối với học sinh cũng vậy, đọc sẽ giúp học sinh tiếp cận trực tiếp với tác phẩm, không phải học chay, lơ mơ không biết tác phẩm nói gì, từ cái sống động của tác phẩm, học sinh sẽ có những cảm thụ đúng đắn mới mẻ. Vì vậy, mong các thầy cô và các em học sinh hãy dành thời gian, khắc phục thiếu thốn về sách để mà đọc. Hãy trở lại với văn hóa đọc.

Bùi Quang Tú

 

 

                                   


 

Tin xem nhiều