Là người Việt Nam, ai cũng ít nhiều nghe nói đến chất độc da cam hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từng nhìn thấy những nạn nhân chất độc da cam bị khuyết tật, đôi khi chỉ là những hình hài dị dạng, sống đời sống thực vật…Nhưng không phải ai cũng biết thứ hóa chất do các công ty Mỹ sản xuất thực chất là gì, vì sao nó hiện diện ở Việt Nam và những nạn nhân của nó đang sinh sống, gánh chịu hậu quả ra sao?
Là người Việt Nam, ai cũng ít nhiều nghe nói đến chất độc da cam hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từng nhìn thấy những nạn nhân chất độc da cam bị khuyết tật, đôi khi chỉ là những hình hài dị dạng, sống đời sống thực vật…Nhưng không phải ai cũng biết thứ hóa chất do các công ty Mỹ sản xuất thực chất là gì, vì sao nó hiện diện ở Việt Nam và những nạn nhân của nó đang sinh sống, gánh chịu hậu quả ra sao?
Những điều này sẽ phần nào được giải mã khi bạn đọc đọc cuốn sách mang tựa đề “Nỗi đau còn lại” dày 659 trang, do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai chủ biên, Nhà Xuất bản Đồng Nai ấn hành nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (1961-2011).
Đọc “Nỗi đau còn lại”, có thể thấy Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai đã rất kỳ công trong việc thu thập nhiều nguồn tài liệu quý về chất độc da cam, bao gồm những bài báo, tham luận hội thảo, bài phát biểu, ảnh tư liệu… về các nhân chứng, trong đó có những người nổi tiếng như bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, luật sư Đinh Viết Tứ (Việt kiều tại Mỹ) và nhiều nhà báo trong, ngoài tỉnh Đồng Nai (có những bài báo của các tác giả Đồng Nai đã đạt giải báo chí quốc gia năm 2011).
Cuốn sách cũng cho thấy những hoạt động bền bỉ, thầm lặng của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai đã và đang góp phần xoa dịu “nỗi đau da cam” của các nạn nhân. Sự cố gắng của các tập thể, cá nhân như ông Võ Minh Quang, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Công ty ANCO cùng nhiều người khác như nguồn nước mát lành làm dịu vết thương da cam trên những số phận kém may mắn, đồng thời minh chứng cho truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.
Ngoài những tài liệu, báo chí viết, trích dẫn về thảm họa da cam ở Việt Nam, phần còn lại của cuốn sách là những tác phẩm xuất sắc của các hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, được tuyển chọn từ trại sáng tác “Chất độc da cam/dioxin - nỗi đau còn lại” tổ chức vào tháng 7-2011. Bạn đọc có thể bắt gặp ở đây những tác phẩm tràn đầy cảm xúc như Đôi chân bé Hạnh (thơ - Hoàng Đình Nguyễn), Sao yên lòng nhắm mắt (thơ - Hoàng Minh Tranh), Khuôn mặt em (thơ - Trúc Lâm), Lời những em bé nạn nhân chất độc da cam (thơ - Đàm Chu Văn), Nỗi đau này cho đến bao giờ (ký - Trần Thúc Hà), Dioxin - tội ác dấu mặt ở sân bay Biên Hòa (ký - Trương Thanh Phận), Mẹ không biết (nhạc - Khánh Hòa), Mơ cùng em (nhạc - Cao Hồng Sơn), Lời ru (nhạc - Trần Viết Bính)…
Nhà thơ Hồ Thi Ca và Lâm Xuân Thi (bìa trái) đến thăm Đinh Thị Hoàng Loan sau khi tập thơ “Cảm ơn cuộc đời” phát hành. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Mỗi tác phẩm có cách thể hiện riêng, song điểm chung là số phận những nạn nhân chất độc da cam được các tác giả phản ánh chân thực, với sự cảm thông sâu sắc và tình cảm trân trọng. Vì vậy, dù không “mắt thấy tai nghe” thì những câu chuyện đời của các nạn nhân vẫn khiến người đọc xúc động, thấu hiểu và chia sẻ.
Những tấm ảnh chụp cuộc sống, sinh hoạt, học tập… của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin do các tác giả Phong Vũ, Chiêu Anh Long, Tùng Minh, Hà Giang, Hoàng Đình Nguyễn, Hoàng Minh Tranh… thể hiện có sức lay động lương tri con người. Người ta cũng không thể dửng dưng, vô cảm trước những lời tự sự của em gái Đinh Thị Hoàng Loan - tác giả của 134 bài thơ trên máy tính với những ngón tay cong queo. Bên cạnh Hoàng Loan là em bé “chim cánh cụt” Hồ Hữu Hạnh không có hai tay vẫn làm việc nhà, nặn tượng, tới trường học trên chiếc xe đạp với kiểu lái xe bằng… cằm, là hai thầy giáo khuyết tật nặng Hoàng Phi, Hoàng Phú miệt mài với đám học trò nghèo ở lớp học tình thương, là Ngọc Diễm sống trên xe lăn vẫn học tập xuất sắc…
Chương trình Cảm ơn cuộc đời Vào lúc 18 giờ ngày 17-11, tại Nhã viên quán (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đồng Nai phối hợp với Hội Nhà báo Đồng Nai và Đài Phát thanh - truyền hình Đồng Nai tổ chức chương trình “Cảm ơn cuộc đời”. Trong chương trình, sau phần ra mắt Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, sẽ có phần văn nghệ giới thiệu 2 ấn phẩm: Tập thơ “Cảm ơn cuộc đời” (tác giả Đinh Thị Hoàng Loan - là nạn nhân chất độc da cam, hiện sống tại TP.Biên Hòa) và tập sách “Nỗi đau còn lại”. B.M |
Còn rất nhiều những tấm gương nạn nhân chất độc da cam/dioxin khác đã dũng cảm vượt lên trên nỗi bất hạnh to lớn để học tập, lao động, tự nuôi sống bản thân và đóng góp công sức cho cộng đồng. Chính nhờ những tấm gương người thật việc thật sinh động đó mà cuốn sách “Nỗi đau còn lại” không chỉ gợi lên niềm cảm thông, sự căm giận cái ác mà còn khiến cho người đọc phải kính trọng sức sống bền bỉ, tinh thần lạc quan, yêu đời của những nạn nhân chất độc da cam. Dù muôn vàn khó khăn, nhưng với nghị lực phi thường, cánh cửa của cuộc sống vẫn mở rộng trước họ, cuộc đời của nhiều nạn nhân chất độc da cam vẫn “xanh non câu hát” như tên một ca khúc của nhạc sĩ Vũ Đan Huyền trong tuyển tập.
Hoàng Ngọc Điệp