Sự kiện chương trình ca nhạc thiếu nhi Đồ Rê Mí “dỏm” đã khép lại sau khi Sở Văn hóa - thể thao và du lịch có quyết định xử phạt Công ty TNHH biểu diễn nghệ thuật Ba Miền, đồng thời có công văn gửi các tỉnh, thành trong cả nước thông báo về hành vi “treo đầu dê bán thịt chó” của đơn vị này để các địa phương khác cảnh giác.
Sự kiện chương trình ca nhạc thiếu nhi Đồ Rê Mí “dỏm” đã khép lại sau khi Sở Văn hóa - thể thao và du lịch có quyết định xử phạt Công ty TNHH biểu diễn nghệ thuật Ba Miền, đồng thời có công văn gửi các tỉnh, thành trong cả nước thông báo về hành vi “treo đầu dê bán thịt chó” của đơn vị này để các địa phương khác cảnh giác. Nhưng với hơn 3 ngàn khán giả là các cháu thiếu nhi và phụ huynh đã nếm “quả lừa”, thì vị đắng này hẳn khó thể quên.
Bỏ qua khía cạnh lừa đảo của công ty tổ chức biểu diễn, thì một chương trình ca nhạc thiếu nhi thu hút đến trên 3 ngàn khán giả - một con số trong mơ của bất kỳ chương trình nghệ thuật nào, là điều đáng để ngành văn hóa trên địa bàn quan tâm lưu ý. Ngoài tiếng vang của chương trình Đồ Rê Mí “thật” trên Đài truyền hình Việt Nam VTV, thì rõ ràng người dân Đồng Nai từ người lớn đến trẻ con đang quá “khát” các loại hình giải trí. Nhìn lại, ngay ở trung tâm của tỉnh là TP. Biên Hòa, loại hình giải trí nghệ thuật hiện nay duy nhất chỉ có điện ảnh. Dù cụm rạp MegaStar Biên Hòa và các rạp Thanh Bình, Đồng Nai cố gắng đầu tư thêm nhiều phòng chiếu để phục vụ đa dạng hơn, tăng thêm sự lựa chọn các thể loại phim cho khán giả, nhưng quanh đi quẩn lại người dân cũng một lựa chọn.
Đã bao lâu rồi khán giả Biên Hòa được xem các vở kịch nói, cải lương hay, nổi tiếng sau các vở “Người vợ ma”, “Dời đô”? Cuối năm 2011, chương trình biểu diễn thời trang giới thiệu bộ sưu tập mới của nhà thiết kế Nguyễn Hà Nhật Huy tổ chức tại quán cà phê Guitar dù có rất nhiều hạn chế về âm thanh, ánh sáng, sân khấu, nhưng khán giả chen chúc đi xem không còn một chỗ trống. Mới đây, tại lễ đón nhận bức tranh thêu “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên” tổ chức tại Văn miến Trấn Biên, hàng ngàn lượt người đã nô nức kéo nhau đến ngoài việc chiêm ngưỡng tranh còn là để thưởng lãm “đường hoa” trang trí trong dịp lễ.
Công bằng mà nói, ngành văn hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc phục vụ vui chơi giải trí của người dân. Hai đoàn nghệ thuật cải lương và ca múa nhạc, 8 đội chiếu bóng lưu động, các chương trình văn nghệ Thông tin lưu động và Trung tâm Văn hóa - thông tin cũng thường xuyên biểu diễn các nơi, nhưng thực chất thì đây chỉ là chương trình “miễn phí” dành cho người dân vùng sâu vùng xa, công nhân lao động nên chất lượng nghệ thuật cũng còn nhiều điều để bàn. Còn với lớp công chúng thuộc hàng khá giả với những yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn về nghệ thuật thì vẫn còn đang “trống sân”, mặc dù xã hội đã qua thời “ăn no, mặc ấm” và đang đòi hỏi “ăn ngon, mặc đẹp”...
Hà Lam