Báo Đồng Nai điện tử
En

Để có những chiếc cầu ý nghĩa

08:03, 08/03/2012

Mỗi một vùng đất ít nhiều đều có ảnh hưởng nhất định đến đời sống dân cư. Chẳng hạn, đối với người dân đất Đồng Nai, Cù lao Phố (cù lao Hiệp Hòa) là một địa danh quen thuộc, gắn liền với lịch sử phát triển vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai hơn 300 trăm năm qua. Ở Biên Hòa, cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát cũng được xem là “nhân chứng” chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử.

Mỗi một vùng đất ít nhiều đều có ảnh hưởng nhất định đến đời sống dân cư. Chẳng hạn, đối với người dân đất Đồng Nai, Cù lao Phố (cù lao Hiệp Hòa) là một địa danh quen thuộc, gắn liền với lịch sử phát triển vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai hơn 300 trăm năm qua. Ở Biên Hòa, cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát cũng được xem là “nhân chứng” chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử.

Dáng cong của cầu Hiệp Hòa từ mẫu của cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát.
Dáng cong của cầu Hiệp Hòa từ mẫu của cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát.

Sáng 19-1, người dân Cù lao Phố hân hoan đón chào một sự kiện vô cùng quan trọng: Lễ thông xe kỹ thuật cầu Hiệp Hòa. Thực tế, thiết kế ban đầu của cầu Hiệp Hòa chỉ đơn giản xây dựng bê tông cốt thép dài 131 mét vượt sông Cái, một bên thuộc phường Thống Nhất và một bên là xã Hiệp Hòa, phía trên là lan can thành cầu. Tuy nhiên, trước những yêu cầu về một chiếc cầu, lãnh đạo TP. Biên Hòa đã mời Hội Kiến trúc sư (KTS) Đồng Nai tham gia góp ý để đề xuất phương án kiến trúc cầu phù hợp và ý nghĩa. Qua đó, ý tưởng về dáng uốn cong quen thuộc của cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát được nhiều kiến trúc sư đồng tình áp dụng cho cầu Hiệp Hòa. Đó là những thanh sắt nhẹ nhàng trên thân cầu bê tông như là một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện đại và cổ điển. Chiếc cầu với một nhịp cong còn mang lại niềm tin về một dáng thế của một con Rồng đang thức dậy, vươn lên, nối dài thân mình như thể đưa Cù Lao Phố về đúng với tiềm năng đã có của nó trước đây. Đó cũng là niềm tin, mơ ước và niềm tự hào của những người dân Cù lao Phố.

Sau cầu Hiệp Hòa là đến cầu An Hảo nối từ phường An Bình sang xã Hiệp Hòa. Dự án cầu An Hảo đang được triển khai thực hiện các bước thủ tục để xây dựng trong thời gian tới. Giống như cầu Hiệp Hòa, kiến trúc cầu An Hảo với yêu cầu phải hiện đại, nhưng mang tính tiêu biểu của TP.Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai. Do đó, nếu được mời, Hội KTS sẵn sàng tham gia ý kiến. Theo những KTS tâm huyết, đã là dân của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai thì phải có trách nhiệm đóng góp sức mình cho quê hương, nhất là vùng đất đã trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển như Cù lao Phố. Theo đánh giá, phương án xây dựng cầu An Hảo nhìn chung là đẹp, phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất thủy văn; xứng tầm với quy hoạch giao thông của dự án phát triển cù lao Hiệp Hòa; có tính thẩm mỹ cao, không làm xáo trộn cảnh quan khu vực… Tuy nhiên, yếu tố tiêu biểu đối với cửa ngõ chính dẫn vào Biên Hòa thì chưa rõ nét lắm. Đây chính là điều cần nghiên cứu thêm. “Làm công tác chuyên môn, anh em trong Hội KTS luôn cảm thấy có lỗi nếu cứ bàng quang với những gì mình có thể góp phần đóng góp ý kiến, dĩ nhiên là trong phạm vi được phép. Do vậy, Hội KTS tỉnh sẵn sàng tham gia ý kiến nhỏ, để có thể tô điểm cho những chiếc cầu trên địa bàn thêm ý nghĩa.” - đại diện Hội KTS khẳng định.    

Rồi sẽ có thêm những “mạch máu” được kết nối với Cù lao Phố, biết bao niềm vui sẽ vỡ òa. Đó là những chiếc cầu góp phần tạo dựng bộ mặt cảnh quan đô thị Biên Hòa, điều kiện để vùng đất này phát triển vươn lên xứng tầm.

KTS. Đinh Thị Bích Hằng

 

 

 

Tin xem nhiều