Anh Hoàng Đình Nguyễn (Nguyễn Đình Hoàng) quê ở Quảng Ngãi, theo cha tập kết ra Bắc, học ở các trường học sinh miền Nam và sau đó học ở khoa hóa thực phẩm Trường đại học bách khoa Hà Nội.
Anh Hoàng Đình Nguyễn (Nguyễn Đình Hoàng) quê ở Quảng Ngãi, theo cha tập kết ra Bắc, học ở các trường học sinh miền Nam và sau đó học ở khoa hóa thực phẩm Trường đại học bách khoa Hà Nội. Sau giải phóng anh về Đồng Nai công tác ở ngành công nghiệp. Là một người làm khoa học nhưng anh lại say mê làm thơ và viết thư pháp. Thơ đối với anh là một cách để tự thanh lọc tâm hồn mình đồng thời cũng là để thông cảm, chia sẻ với bạn bè, người đọc.
Tập thơ Tự tình của anh là tập thơ của một người đã từng trải, đứng ở cột mốc thời gian ngày hôm nay để hoài niệm về ba mẹ, quê hương, bạn bè, tuổi trẻ, về những cuộc tình đã qua, về quá khứ gian khổ và hào hùng, về những nét đẹp văn hóa đang dần mai một.
Có những hoài niệm rất đẹp. Trở về thành phố Hải Phòng - thành phố hoa phượng đỏ, nhớ lại những năm tháng học tập ở trường học sinh miền Nam anh nhìn thấy ở cổng trường:
Tôi trở về thăm lại trường xưa
Phượng vẫn đỏ hai bên bờ sông Lấp
Vẫn đâu đó bên cổng trường tấp nập
Chiều hẹn hò và những cuộc chia tay
(Phố nhỏ ngày xưa)
Có những hoài niệm đầy xót xa. Dải đất miền Trung hàng năm bị mưa bão hoành hành. Nhớ đến mẹ là nhớ đến hình ảnh mẹ ngồi bất lực, khổ đau trước sự tàn phá ghê gớm, dữ dội của nước lũ:
(Nhớ mẹ)
Đọc thơ Nguyễn ta thấy anh luôn trăn trở tìm kiếm lại nụ cười của “người xưa”, nhưng càng cất công tìm kiếm thì càng vô vọng. Thơ anh có những hoài niệm đầy nuối tiếc:
Tôi qua bao thác, bao ghềnh
Mà sao vẫn thấy chông chênh phận người
Tưởng tìm thấy được nụ cười
Của Em ngày ấy ở nơi cuối trời
(Chiều nghiêng)
Hay nhất trong mảng thơ hoài niệm là bài “Người hát thơ Đồ Chiểu nơi bến phà”. Đây là bài thơ anh “nhặt” được trong quá trình lặn lội đi dạy học ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Mở đầu bài thơ, Nguyễn đặt câu hỏi nhưng cũng là tự trả lời:
Lão là ai?
Người hát rong hay là hiệp sĩ
Như hiệp khách lãng du tràn đầy nghĩa khí
Lấy nghiệp đờn ca để kiếm sống giải sầu
Hoàng Đình Nguyễn còn một mảng thơ mang đậm nét thế sự viết về các nhà máy, về các nạn nhân chất độc da cam, về tuổi già và về thơ.
Anh có những câu thơ tài hoa, những bài thơ mộc mạc mà xúc động nhưng đây đó còn có những câu dễ dãi, mang dáng dấp của câu nói thường ngày hoặc mang tính báo chí. Mong rằng ở những tập thơ sau anh sẽ dụng công trau chuốt hơn. Đọc một bài thơ, một tập thơ, trước hết chúng ta cảm nhận được một tấm lòng, một tâm hồn. Điều này khiến tôi trân trọng tập thơ Tự tình với nhiều yêu thương, trăn trở về cuộc sống của anh.
Bùi Quang Tú