Vẻ đẹp trong sáng của Tố Uyên trong phim Con chim Vành khuyên, vẻ đẹp thánh thiện của Như Quỳnh trong Đến hẹn lại lên, vẻ đẹp u buồn của Đức Hoàn trong Vợ chồng A Phủ… Điện ảnh Việt đã có công ghi lại những khoảnh khắc giai nhân kinh điển.
Một nhiếp ảnh gia tài năng có thể ghi lại khoảnh khắc “có một không hai” trong đời người. Khoảnh khắc để nhân vật xuất hiện với thần thái sống động, với vẻ đẹp khác thường, với sự chân thực đến ám ảnh. Khoảnh khắc ấy biến giá trị của nhiếp ảnh trở nên kinh điển, khoảnh khắc khiến người ta chỉ xem một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Điện ảnh cũng có những giá trị đặc thù ấy của nhiếp ảnh. Đã có hàng loạt khoảnh khắc (vốn là giá trị của nhiếp ảnh) đã trở thành kinh điển trong điện ảnh. Vẻ đẹp trong sáng của Tố Uyên trong phim Con chim Vành Khuyên, vẻ đẹp thánh thiện của Như Quỳnh trong Đến hẹn lại lên, vẻ đẹp u buồn của Đức Hoàn trong Vợ chồng A Phủ…. Từ khi xuất hiện cho đến bây giờ, hằng chục năm đã trôi qua, vẫn có sức ám ảnh với những người yêu điện ảnh.
Nhân ngày 8/3, hãy cùng Dân trí điểm lại những khoảnh khắc giai nhân trong điện ảnh- những khoảnh khắc ghi dấu lại vẻ đẹp của những nữ diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Việt.
Bộ phim Con chim Vành khuyên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông đã ghi dấu trên màn ảnh một cô gái trẻ xinh đẹp, dũng cảm, đã hy sinh để bảo vệ những chiến sỹ cách mạng. Vẻ đẹp vừa trong sáng vừa kiên cường, vừa mong manh vừa mạnh mẽ của nhân vật Nga đã được diễn viên Tố Uyên hóa thân trọn vẹn. Cho đến bây giờ, hình ảnh Nga của Con chim Vành khuyên vẫn là một trong những hình ảnh kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu.
Nhắc đến điện ảnh cách mạng không thể không nhắc đến nữ diễn viên tài sắc Trà Giang, nhắc đến Trà Giang không thể không nhắc đến Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh). Cô Dịu với vẻ đẹp can trường, mạnh mẽ đã trở thành hình ảnh tiêu biểu đại diện cho phụ nữ Việt Nam “kiên cường, trung hậu, đảm đang” thời kỳ kháng chiến.
NSND Như Quỳnh vốn vẫn nổi tiếng với vẻ đẹp nền nã, dịu dàng của người Hà Nội. Trong bộ phim Đến hẹn lại lên, Như Quỳnh vào vai cô Nết xứ Kinh Bắc- một liền chị duyên dáng, đằm thắm. Chỉ một lần cầm nón quai thao mỉm cười trước màn ảnh, Như Quỳnh đã để lại một khoảnh khắc kinh điển ghi dấu mãi một vẻ đẹp duyên dáng xứ Bắc.
Theo đúng nguyên mẫu trong tác phẩm văn học của nhà văn Tô Hoài, Mỵ là một phụ nữ đẹp khỏe khoắn. Cuộc đời nô lệ trong gia đình thống lý Pá Tra đã biến một cô gái đẹp đầy mộng mơ như Mỵ trở nên lầm lỳ, khắc khoải. Cuộc gặp gỡ với A Phủ nơi tận cùng đường sống đã thổi bừng lên trong Mỵ khát vọng sống mãnh liệt…. Những chuyển biến tâm lý đa dạng, phức tạp ấy của nhân vật Mỵ đã được nghệ sỹ Đức Hoàn hóa thân thành công. Ở Mỵ của Đức Hoàn là vẻ đẹp khắc khoải, đau buồn, nhưng ẩn bên trong đôi mắt là khát vọng sống mãnh liệt.
Đến bây giờ NSƯT Thanh Loan vẫn đẹp. Và bà vẫn nhớ như in những kỷ niệm trong thời gian quay bộ phim Biệt động Sài Gòn với đạo diễn Long Vân. Vai ni cô Huyền Trang là vai diễn tâm đắc nhất của NSƯT Thanh Loan, ở đấy, bà đã được sống một cuộc đời cách mạng thực thụ của một cô gái kiên cường. Vì việc lớn, Huyền Trang hy sinh tình riêng, và sống trong nỗi khổ đau, dằn vặt. Gặp NSƯT Thanh Loan vẫn có thể gặp lại sự sôi nổi, nhiệt huyết trong giọng kể của bà về nhật vật Huyền Trang.
Đạo diễn Hồng Sến đã có công đưa Cánh đồng hoang trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt. Với Cánh đồng hoang, người ta nhớ một Ba Đô mạnh mẽ, gan góc của Lâm Tới và nhớ vai diễn người vợ dịu dàng, đảm đang, tần tảo của Thúy An. Thúy An đã để lại màn ảnh Việt những vai diễn ấn tượng với vẻ đẹp mặn mà, tần tảo. Sau khi chồng là đạo diễn Hồng Sến qua đời, Thúy An sang Đức lập gia đình, và hiện bà vẫn sống tại Đức.