Cùng với hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú, du lịch sinh thái đa dạng, Đồng Nai còn có rất nhiều điểm đến là các di sản văn hóa (nhà cổ, đình, chùa, làng cổ...) hấp dẫn du khách.
Cùng với hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú, du lịch sinh thái đa dạng, Đồng Nai còn có rất nhiều điểm đến là các di sản văn hóa (nhà cổ, đình, chùa, làng cổ...) hấp dẫn du khách.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc gắn kết du lịch với di sản văn hóa hiện nay chưa được chú trọng.
Nhà cổ hội đồng Liêu - một trong những ngôi nhà cổ tiêu biểu ở Phú Hội (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Quốc Hương |
Lãng phí tiềm năng di sản
Theo thống kê của Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh, hiện toàn tỉnh có 45 di tích được xếp hạng, hàng ngàn di tích phổ thông. Trong đó, có 25 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt, Đồng Nai có nhiều di tích độc đáo, tiêu biểu như di tích mộ cự thạch Hàng Gòn, di tích Trung ương Cục miền Nam, địa đạo Nhơn Trạch, thành Biên Hòa, chùa Ông, chùa Đại Giác, núi Chứa Chan...
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phú Mỹ (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Quốc Hương |
Bên cạnh đó, Đồng Nai còn rất nhiều nhà cổ tiêu biểu có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao, tập trung chủ yếu ở Nhơn Trạch, Biên Hòa... Thế nhưng lượng du khách đến với di sản văn hóa ở Đồng Nai còn hạn chế. Có di tích gần như không có khách tham quan. Các di tích chưa gắn kết với các tua du lịch và chưa thu được tiền từ hoạt động tham quan. Do đó, nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo của di tích gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là kinh phí từ nguồn ngân sách và vận động xã hội hóa.
Nhiều di sản văn hóa rơi vào trạng thái “ngủ quên” do lâu nay số đông người dân cũng như các ngành chức năng có liên quan cho rằng “di tích là nơi lưu giữ chứng tích qua các giai đoạn lịch sử, là nơi lưu giữ những tinh hoa văn hóa, linh hồn của địa phương - dân tộc”, vậy nên không thể gắn kết hoạt động kinh doanh với những giá trị tinh thần đó. Chính cách nhìn phiến diện này đã khiến nhiều di tích ở Đồng Nai rơi vào thế “cô lập”, “bất động” ít được biết đến.
Có dịch vụ ở di tích mới nuôi được di tích
Bảo tồn di tích nêu rõ hai chức năng: Gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, nghĩa là ngoài việc gìn giữ, bảo quản tốt di tích, những người làm công tác quản lý phải khai thác cho được, cho hết tất cả giá trị tinh thần và vật chất của di tích, đưa di tích đến với đông đảo du khách và thu được lợi nhuận từ di tích và dịch vụ ở di tích nhằm “tái đầu tư” vào việc gìn giữ di tích. Nếu không gìn giữ tốt thì không thực hiện được việc phát huy giá trị di tích; ngược lại nếu không phát huy tốt giá trị di tích thì di tích không đến được với đông đảo khách tham quan và không cho làm dịch vụ ở di tích thì sẽ không có nguồn kinh phí để gìn giữ di tích tốt được.
Nếu mục đích của các di tích là lưu giữ những chứng tích, những giá trị văn hóa cho đời sau thì việc phát triển các hoạt động du lịch gắn với di tích chính là quảng bá và truyền thụ văn hóa địa phương nói chung, dân tộc nói riêng. Việc du lịch văn hóa ở các địa phương là phát triển tốt nhờ thông qua việc khai thác một cách hợp lý giá trị của di tích.
Thiết nghĩ, “chìa khóa” để giải quyết triệt để mọi vấn đề chính là việc tháo gỡ sự vướng mắc về cơ chế và thay đổi quan điểm “không làm dịch vụ tại di tích” thành “di tích phải gắn liền với dịch vụ phù hợp tại di tích”. Bên cạnh đó cần phải “nâng cấp”, quảng bá di tích sâu rộng đến với khách tham quan trong và ngoài nước. Và khi nguồn kinh phí Nhà nước còn eo hẹp thì các di tích phải được làm dịch vụ liên quan đến di tích để có kinh phí nhằm “tái đầu tư”, bởi khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài sẵn sàng “được bỏ tiền” để hưởng thụ những giá trị văn hóa mà họ thích.
Tuy vậy, trong quá trình khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch, các đơn vị phải chú trọng tới việc bảo tồn nguyên gốc các giá trị đó. Có như thế ngành du lịch văn hóa mới phát triển bền vững. Mặt khác, các đơn vị cần khuyến khích chủ nhân di tích và cộng đồng tự quản lý di sản văn hóa của mình...
Thanh Hải - Hồng Hoa