Trần Bạch Đằng là một tên tuổi quen thuộc với nhiều thế hệ người đọc bởi ông không chỉ là nhà nhà văn, nhà báo, nhà thơ mà còn là một nhà chính trị lão thành có nhiều công lao đóng góp cho đất nước.
Trần Bạch Đằng là một tên tuổi quen thuộc với nhiều thế hệ người đọc bởi ông không chỉ là nhà nhà văn, nhà báo, nhà thơ mà còn là một nhà chính trị lão thành có nhiều công lao đóng góp cho đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trần Bạch Đằng là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Những bài viết chính luận của ông dù trong máu lửa chiến trường hay trong giai đoạn đất nước độc lập, hòa bình lúc nào cũng mang sức lôi cuốn lớn.
Kẻ Sĩ Gia Định là tên một cuốn sách tập hợp những bài viết của ông từ trong những ngày khói lửa khốc liệt của cuộc kháng chiến chống xâm lược ở miền Nam cho đến những ngày đất nước thanh bình và phát triển trong công cuộc đổi mới. Sách được chia làm hai phần, phần thứ nhất: Thời luận, phần thứ hai: Về những người đã khuất.
Phần thời luận là những bài viết chính luận của ông từ chính kinh nghiệm cuộc đời lăn lộn và từng trải mang lại. Bằng sự sắc sảo của một người cầm bút có tài, bằng cái nhìn cuộc sống thấu triệt, ông đã đem đến cho người đọc nhiều thích thú từ những phát hiện và cắt nghĩa của mình. Về kẻ sĩ Gia Định, từ chính những cuộc đời cao đẹp của rất nhiều kẻ sĩ từ Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Trương Gia Mô đến Lưu Văn Lang, Dương Minh Thới để từ đó ông đi đến một nhận định chung rằng “Kẻ sĩ Gia Định không làm quân sư cho những vụ phân liệt- thật ra cũng ít ở Nam Bộ- nhưng lại xếp hàng ngay vào đội ngũ chống xâm lược”. Qua những bài viết của ông ở phần này, chúng ta hiểu thêm về cuộc kháng chiến gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của đồng bào Nam Bộ, hiểu hơn về tính cách của con người miền Nam- một vùng đất mà theo ông: Ra ngõ gặp anh hùng “Những người anh hùng không thiếu ở miền Nam, còn hành động anh hùng thì hầu như ở mọi người đều có”.
Phần thứ hai của cuốn sách, tác giả viết về những con người đã khuất, thể hiện cái tâm, cái nhân bản của ông. Ông viết để trải nỗi lòng mình, để tri ân tưởng nhớ những người đã khuất cũng như để vĩnh biệt những người đồng chí thân thiết. Đó có thể là những người giữ những trọng trách rất cao, như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Trường Chinh, Phạm Ngọc Thạch, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Định, Trần Văn Trà…Và, không thiếu những bài viết của ông để tri ân, để ngợi ca những con người bình dị như Chú Vơi- một người lính cận vệ của ông. Đọc những bài viết này, càng làm nổi rõ tình cảm của ông, tấm lòng nhân bản của ông trước cuộc đời, trước những người đã khuất. Đặc biệt, người đọc sẽ vô cùng xúc động trước bài viết của ông để tiễn đưa người bạn đời, người đồng chí thủy chung son sắt- ông gọi đó là Tiễn đưa một nửa thân mình - về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đây là một cuốn sách quý và bổ ích cho tất cả mọi người. Sách do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.
Ngọc Anh
(* Đọc sách “Kẻ sĩ Gia Định”)