Ngoài đời, Đào Sỹ Quang (ảnh) (hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai) là một người hiền lành, giản dị. Văn chương của anh lại càng nhẹ nhàng, dung dị hơn. Nhưng anh là người đến với văn chương bằng chính câu chuyện cuộc đời mình.
Ngoài đời, Đào Sỹ Quang (ảnh) (hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai) là một người hiền lành, giản dị. Văn chương của anh lại càng nhẹ nhàng, dung dị hơn. Nhưng anh là người đến với văn chương bằng chính câu chuyện cuộc đời mình.
Thực ra, không chỉ đến với văn chương, từ thời niên thiếu, Đào Sỹ Quang đã dành rất nhiều năm để làm một việc mà bản thân anh cũng như cha anh hết sức tự hào, đó là tự học vẽ chân dung Bác Hồ. Anh tâm sự: Chân dung Bác không phải hiện lên từ đường nét, hình khối, mà hiện lên trong tâm trí anh một cách rõ ràng, từ lúc anh còn là một cậu học trò nhỏ. 17 tuổi, học xong trung học, anh đã xung phong đi bộ đội. Và bức chân dung Bác anh ưng ý nhất, được anh “để đời” trong trái tim mình, là bức vẽ trong hầm nơi chiến trường Quảng Trị đỏ lửa, năm 1972. Tình cảm, lời khích lệ và cả máu của đồng đội đã giúp anh vượt qua cái chết, vượt qua đau đớn bệnh tật, vượt qua cả 2 lần phẫu thuật tim để tiếp tục đến với giảng đường đại học, trở thành một thầy giáo dạy Vật lý.
Là một thầy giáo - thương binh (tỷ lệ thương tật 3/4), song anh vẫn hết sức lạc quan, yêu đời. Đó là nhờ những bài học, những thử thách sinh tử trong chiến tranh và nhờ vào những nỗ lực của bản thân. Những trải nghiệm “hậu chiến tranh” của anh có thể coi là một cái kết có hậu, vì anh được sống với những điều anh yêu quý: gia đình anh - những người luôn dành cho anh những tình cảm gắn bó, yêu thương; nghề giáo - với tấm gương anh Nguyễn Ngọc Ký và bài học “tàn nhưng không phế”; và văn chương - anh đang viết lại cuộc đời mình một lần nữa. Chính Đào Sỹ Quang và chúng tôi - những người bạn bè của anh đều công nhận rằng, trong viết văn, anh không hề dụng công làm cho nó hay, nó đẹp, mà chỉ mong viết để kể lại những câu chuyện cuộc đời. Vì vậy, những tác phẩm lần lượt ra đời (hầu hết là bút ký), và từ từ chinh phục được mọi người. Qua cách kể chuyện mộc mạc, nhẹ nhàng của anh, những câu chuyện dường như sáng hẳn ra, cuộc đời dường như cũng đẹp hơn lên. Nhờ vậy, mà văn chương cũng như tình yêu cái đẹp của anh cũng có sức truyền cảm lớn. Những con người và câu chuyện anh viết thực ra không ở đâu xa, mà chính là những người bạn, người đồng đội, là già làng, bác hàng xóm, hay học trò của anh… Họ dần dần trở thành những người bạn, người thân của chúng tôi… từ lúc nào không biết!
Năm 2011, trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do tỉnh tổ chức, anh viết lại câu chuyện xúc động của cuộc đời mình, khi nhóm 3 người bạn của anh đã “làm giỗ” cho Bác Hồ ngay dưới chiến hào. Không thể tìm được giấy bút tử tế, Đào Sỹ Quang đã vẽ trên giấy học trò bằng những mẩu than củi bạn anh tìm được. Qua diễn đạt của anh, chúng tôi cảm nhận được rằng, đó chính là những ngày “định mệnh” của anh và đồng đội, mà tấm chân dung Bác Hồ đã chỉ đường, dẫn lối cho anh trong những năm tháng ấy và mãi về sau. Điều đó gợi nhớ đến hình ảnh những người tuổi trẻ trong hồi ký của anh Nguyễn Văn Thạc, chị Đặng Thùy Trâm; gợi nhớ đến những giá trị bền vững của lý tưởng sống, của đạo đức cách mạng và cả cách thể hiện tình yêu của người lính (giữa thời bình). Tác phẩm này đã nhận được giải A cùng nhiều lời khen ngợi. Mong rằng Đào Sỹ Quang sẽ còn giữ gìn và phát huy được những giá trị tốt đẹp ấy trong những sáng tác mới của mình.
Tiểu Mai