Báo Đồng Nai điện tử
En

Chương trình biểu diễn giao lưu văn hóa Indonesia - Việt Nam tại Đồng Nai: Kết nối tình hữu nghị

07:05, 11/05/2012

Tối 8-5, tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh đã diễn ra chương trình biểu diễn giao lưu văn hóa - nghệ thuật với chủ đề “Splendid Sumbawa” (Sắc màu văn hóa vùng Tây Sumbawa) của đất nước Indonesia và chương trình nghệ thuật ca múa “Về Đồng Nai”.

Tối 8-5, tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh đã diễn ra chương trình biểu diễn giao lưu văn hóa - nghệ thuật với chủ đề “Splendid Sumbawa” (Sắc màu văn hóa vùng Tây Sumbawa) của đất nước Indonesia và chương trình nghệ thuật ca múa “Về Đồng Nai”. Chương trình do Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức.

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Tây Sumbawa. Ảnh: V.TRUYÊN
Một tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Tây Sumbawa. Ảnh: V.TRUYÊN

Tổng lãnh sự Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh Bambang S. Tarsanto cho biết: “Đây là dịp để Indonesia và tỉnh Tây Sumbawa có cơ hội giới thiệu đến các bạn Việt Nam, khán giả Đồng Nai về nét văn hóa truyền thống của đất nước chúng tôi. Thông qua hoạt động giao lưu văn hóa này, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra cầu nối văn hóa giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc”.

Tại đêm giao lưu, Đoàn nghệ thuật đến từ tỉnh Tây Sumbawa đã giới thiệu đến công chúng yêu ca múa nhạc Đồng Nai những tiết mục văn nghệ mang âm hưởng truyền thống xen lẫn sử thi của xứ sở vạn đảo, như: điệu múa “Ser MenikKuning” - điệu múa phổ biến thường được biểu diễn khi đón tiếp những vị khách quý, trong những sự kiện lớn, biểu trưng của niềm vui mừng; “Ngumang Rame” - điệu múa được cách điệu từ một nét văn hóa trò chơi dân gian, tái hiện hội đua trâu; “Basamaras” - điệu múa có nguồn gốc từ văn hóa dân gian của người Arập sống tại vùng Tây Sumbawa, tượng trưng cho sự hoan hỉ, báo hiệu cho đám cưới.

Điểm nhấn của chương trình biểu diễn là điệu múa “Cô Lala.” Người xem và người biểu diễn đều say sưa với điệu múa kể về một cô gái làng chài nghèo bị ép gả cho một người đàn ông giàu có, trong đám cưới không có sự hiện diện của chú rể mà chỉ có vật đại diện là con dao keris. Điệu múa thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm và giá trị bản thân của người con gái khi một mực phản đối đám cưới vì thấy mình bị khinh thường; đối lập với mong muốn của cha mẹ cô gái khi muốn gả con gái mình cho người đàn ông quý tộc để nâng cao mức sống và địa vị của họ thoát khỏi sự đói nghèo.

Đan xen những tiết mục ca múa của đoàn nghệ thuật nước bạn, Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai đã có những tiết mục biểu diễn ca ngợi về đất nước, con người Việt Nam nói chung và của người dân Đồng Nai nói riêng, như: múa hoa đào, hát múa trống cơm, Về Đồng Nai…

Buổi biểu diễn là nhịp cầu, đưa nét đẹp văn hóa đất nước Indonesia đến với công chúng Việt Nam, đồng thời giúp các đại biểu đến từ Indonesia hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng, qua đó thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Văn Truyên

Tin xem nhiều