Báo Đồng Nai điện tử
En

Phim tài liệu truyền hình: Gắn với hiện thực cuộc sống

11:05, 25/05/2012

Từ lâu, phim tài liệu truyền hình được xem là thể loại quan trọng của báo chí truyền hình, song nội dung và chất lượng của thể loại này chưa đáp ứng mong đợi của người xem.

Từ lâu, phim tài liệu truyền hình được xem là thể loại quan trọng của báo chí truyền hình, song nội dung và chất lượng của thể loại này chưa đáp ứng mong đợi của người xem.

Làm sao để có những thước phim tài liệu truyền hình chất lượng, thu hút khán giả là vấn đề được đa số đại biểu đặt ra tại hội thảo “Nâng cao chất lượng phim tài liệu trên sóng truyền hình” vào ngày 24-5, trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu truyền hình các tỉnh phía Nam lần I.

* Làm dễ mà khó hay

Bà Nguyễn Thị Thanh Tiếng, Phó giám đốc Đài PT-TH Cần Thơ nhận định: “Truyền hình đang trở thành đầu ra hữu hiệu cho các phim tài liệu. Số lượng phim tài liệu truyền hình phát sóng là con số rất lớn. Đây là một thách thức nặng nề với các đài truyền hình (nhất là các đài  địa phương), cùng đội ngũ đạo diễn phim truyền hình, đặc biệt là đạo diễn trẻ. Thực tế cho thấy, để có một phim tài liệu tuy mất nhiều thời gian nhưng không khó. Song, để bộ phim đó có chất lượng, hay, thu hút người xem thì điều này quả không dễ”.

Sinh viên Trường đại học Đồng Nai xem phim tài liệu. Ảnh: N.SƠN
Sinh viên Trường đại học Đồng Nai xem phim tài liệu. Ảnh: N.SƠN

Lý giải thêm điều này, ông Lý Quang Trung (Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Những người làm phim tài liệu tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm đã lớn tuổi buộc phải chia tay với đam mê làm phim tài liệu. Còn những người trẻ làm phim tài liệu truyền hình có chuyên môn khác nhau và thiếu kỹ năng làm phim tài liệu. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, đội ngũ làm phim tài liệu truyền hình trẻ suy nghĩ theo lối thực dụng, ít đam mê với nghề. Điều này làm những tác phẩm phim tài liệu thiếu đi tính chính luận, không thỏa mãn nhu cầu thông tin của khán giả, dẫn đến nhàm chán, mất đi sức hút với người xem.

Mặt khác, theo đạo diễn Bùi Đình Dương (cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh), vẫn còn một bộ phận những người làm phim tài liệu trẻ tâm huyết với nghề, dũng cảm đối mặt với những đề tài “gai góc” nhưng vì nhiều lý do họ không được động viên, khuyến khích thực hiện. Và vì vậy, những bộ phim hay, đáp ứng mong đợi người xem “thưa dần” theo thời gian.

* Phải đảm bảo tính chân thực

Trước khó khăn của phim tài liệu truyền hình hiện nay, ông Lý Quang Trung cho rằng, để có một thước phim tài liệu truyền hình hấp dẫn, trước hết phải bắt nguồn từ đội ngũ những người làm phim. Theo đó, cần bồi dưỡng đội ngũ làm phim tài liệu có được cái tâm và có tầm. Mặt khác, ông Trung cũng chia sẻ, cần thiết phải có sự trao đổi, giao lưu giữa các đài với nhau để các đài tự nhìn nhận lại mình để có sự cải tiến.

Trong khi đó, để có một tác phẩm phim tài hiệu hay, theo bà Nguyễn Thị Thanh Tiếng thì người làm phim cần có tư duy nhạy bén, nắm chắc những thông tin phù hợp với tiến trình phát triển của thời đại.

Còn Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trung Hiếu (đại diện Trung tâm AVG phía Nam) cho rằng: Phẩm chất, bản lĩnh của người làm phim là quan trọng hàng đầu; quan điểm, cách nhìn vấn đề của cơ quan tổ chức thực hiện sản xuất phim truyền hình cũng rất quan trọng. Nhưng, một trong những giải pháp nâng cao chất lượng phim tài liệu truyền hình đó chính là cách làm tư liệu. Vì lâu nay, chúng ta có một thói quen là hình ảnh trong phim chỉ mang tính minh họa, chưa khớp với nội dung làm cho phim mất giá trị.

Nga Sơn

Tin xem nhiều