Từ cuối năm 2007, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết về đề án phát triển xã hội hóa (XHH) một số lĩnh vực văn hóa - xã hội, như: Giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, dạy nghề, dân số, gia đình và trẻ em.
Từ cuối năm 2007, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết về đề án phát triển xã hội hóa (XHH) một số lĩnh vực văn hóa - xã hội, như: Giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, dạy nghề, dân số, gia đình và trẻ em.
Sau 3 năm triển khai, công tác XHH từng bước phát huy hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ở một số lĩnh vực mà ngân sách Nhà nước chưa có điều kiện đầu tư.
* Nhiều mô hình hay
Là một trong những ngành triển khai mạnh công tác XHH, đến nay nhiều bệnh viện thuộc ngành y tế đã có những thành công bước đầu trong việc nâng cao chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngoại trú của bệnh nhi, bệnh viện quyết định thực hiện XHH để xây dựng khoa khám bệnh theo yêu cầu, nhà giữ xe, nhà thuốc, nhà ăn cùng khoa điều trị theo yêu cầu có quy mô 180 giường bệnh. Với tổng kinh phí đầu tư là 11 tỷ đồng, trong đó có 9,8 tỷ đồng vay từ nguồn vốn ưu đãi của Quỹ Đầu tư phát triển, các công trình này đã đưa vào phục vụ, hạn chế được tình trạng ghép 3 bệnh nhi 1 giường trước đây, giảm được thời gian chờ đợi khám bệnh.
Ngày hội ẩm thực tại Công viên Biên Hùng, một chương trình được thực hiện từ xã hội hóa. Ảnh: H.Lam |
Từ mô hình XHH trên, đến nay sau khi hoàn trả trên 50% nợ gốc và lãi vay, bệnh viện còn bổ sung được trên 18 tỷ đồng cho Quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị để đầu tư thêm một số trang thiết bị kỹ thuật cao, như: máy phẫu thuật nội soi ổ bụng, CT Scanner, siêu âm màu, gây mê, giúp thở… Ngoài ra, còn hỗ trợ gần 53 tỷ đồng cho việc chi lương tăng thêm, quỹ phúc lợi, khen thưởng của toàn bệnh viện, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên.
Ở lĩnh vực thể thao, nhiều mô hình XHH cũng được triển khai có hiệu quả. Ông Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Liên đoàn cầu lông Đồng Nai cho biết, nhiều năm nay từ nguồn tài trợ chính của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO và một số mạnh thường quân khác, Liên đoàn cầu lông không chỉ tổ chức các giải thi đấu truyền thống hàng năm cho đối tượng thanh thiếu niên và các câu lạc bộ cầu lông, mà còn tổ chức được các lớp tập huấn, đào tạo vận động viên, giao lưu trong và ngoài tỉnh, tạo được không khí thể thao sôi nổi và nâng cao chất lượng phong trào của bộ môn cầu lông. Một số trung tâm văn hóa - thể thao, học tập cộng đồng cũng nhờ làm tốt công tác XHH, từ đó lấy thu bù chi trong các hoạt động công ích của đơn vị, như: phường Bình Đa (TP. Biên Hòa), xã Quang Trung (huyện Thống Nhất). Trường mầm non Đông Phương với mức đầu tư khoảng 5 triệu USD do Tập đoàn Phong Thái xây dựng với quy mô 30 lớp cũng là một trong những mô hình XHH thành công của ngành GD-ĐT.
* Vướng cơ chế
Tuy nhiên, theo nhận định của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí, những kết quả đạt được từ XHH trong thời gian qua tuy có khả quan nhưng vẫn chưa xứng tầm với sự phát triển của địa phương. Nhiều chỉ tiêu đề ra vẫn chưa đạt, như: tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, THCN ngoài công lập, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân, thực hiện BHYT toàn dân và các hình thức chi trả trước, tỷ lệ học sinh học nghề theo hình thức XHH...
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí, XHH là chủ trương đúng đắn tạo điều kiện cho xã hội tham gia, gắn xã hội cùng với Nhà nước chăm lo phát triển cho cộng đồng, do đó cần được xem là giải pháp quan trọng trong phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là làm giảm nhẹ trách nhiệm và buông lỏng vai trò quản lý của Nhà nước, mà trái lại cần phải sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng để ngày càng mở rộng về quy mô và chất lượng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tiếp tục khuyến khích các dự án XHH bằng các chính sách ưu đãi, công khai và minh bạch để nhà đầu tư yên tâm và mạnh dạn thực hiện. |
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu, vướng mắc lớn nhất trong việc phát triển các dự án XHH trong lĩnh vực văn hóa - xã hội là vấn đề quy hoạch và đất đai. Thường thì khi có nhà đầu tư đề nghị, các cơ quan chuyên ngành và địa phương mới cập nhật, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất, mà việc này thường kéo dài thời gian nên đôi khi làm mất cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, theo quy định, các dự án thuộc lĩnh vực này sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư, Nhà nước phải thực hiện giải phóng mặt bằng rồi giao đất sạch. Nhưng trên thực tế địa phương không có quỹ đất công cũng như ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư phải tự thực hiện bước này, dẫn đến chi phí cao và thời gian kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến dự án. Hiện, một số dự án xây dựng bệnh viện tư có tiêu chuẩn quốc tế, trường đại học với tổng đầu tư trên 5 ngàn tỷ đồng đều vướng chưa thể triển khai được cũng bởi nguyên nhân này.
Bên cạnh đó, việc XHH hiện nay chưa được phân bố đều, hầu hết chỉ tập trung ở các vùng thành thị hoặc khu đông dân cư còn vùng sâu, vùng xa thì hầu như chưa có trong khi đây mới là khu vực cần đẩy mạnh. Như việc XHH trang thiết bị y tế đến nay phần lớn chỉ mới triển khai tại các bệnh viện tuyến tỉnh, còn bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã thì khó thực hiện được do lượng người dân đến khám chữa bệnh không nhiều. Điều này cũng tạo nên khoảng cách chênh lệch trong hưởng thụ văn hóa và các nhu cầu thiết yếu của người dân giữa thành thị và nông thôn.
Hà Lam