Báo Đồng Nai điện tử
En

Anh hùng lao động, Giáo sư Vũ Khiêu: Tỏa sáng một nhân cách lớn

11:07, 04/07/2012

Sáng 3-7, nhân chuyến vào TP. Hồ Chí Minh, Anh hùng lao động, Giáo sư (GS) Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu đã về Đồng Nai. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới đã tiếp và đưa GS. Vũ Khiêu tham quan văn miếu Trấn Biên.

Sáng 3-7, nhân chuyến vào TP. Hồ Chí Minh, Anh hùng lao động, Giáo sư (GS) Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu đã về Đồng Nai. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới đã tiếp và đưa GS. Vũ Khiêu tham quan văn miếu Trấn Biên.

“Xây cao Văn miếu, tiếp thu thành tựu Bắc Nam/ Mở rộng học đường, khai thác tinh hoa kim cổ/ Tinh thần Đại Việt tỏa sáng nơi đây/ Hào khí Đồng Nai dâng cao từ đó”. 10 năm sau khi bài văn bia do GS. Vũ Khiêu chấp bút được tạc vào đá, đặt trang trọng trong Văn miếu Trấn Biên, những dòng chữ do thầy đọc lên vẫn mang âm vang hào khí lẫy lừng, tỏa sáng văn hóa của những người mở cõi.

* “Triết gia trong cách mạng, nghệ sĩ giữa anh hùng”

GS. Vũ Khiêu Sinh ra ở Hành Thiện (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) - làng văn vật nức tiếng, thừa hưởng nếp nhà, thầy học chữ, đọc thơ chữ Hán từ khi 5 tuổi. Nhập thế chích thân thiên lý mã (Vào đời một thân như ngựa ngàn dặm), gia đình nghèo khó, có lúc phải làm lao công bệnh viện để tiếp tục học hành nhưng với tinh thần ham học hỏi, ông đã vượt mọi gian nan để tìm đến với tri thức.

Giáo sư Vũ Khiêu bên bài văn bia tại Văn miếu Trấn Biên do chính mình biên soạn.  Ảnh: T.Thúy
Giáo sư Vũ Khiêu bên bài văn bia tại Văn miếu Trấn Biên do chính mình biên soạn. Ảnh: T.Thúy

Không chỉ là một chiến sĩ tham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, GS. Vũ Khiêu còn là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành khoa học xã hội của nước nhà. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Năm 1996, ông là một trong số ít các nhà khoa học nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Năm 2000, GS. Vũ Khiêu được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và sau đó là Huân chương Độc lập hạng ba.

Những ai chứng kiến cuộc đời GS. Vũ Khiêu đều biết, những năm sung sức nhất, viết nhiều công trình quan trọng nhất là những năm tháng GS sống kham khổ trong ngôi nhà cấp 4 chỉ hơn 20m2 ở sau nhà Viễn đông Bác Cổ. Tại đây, với sức làm việc 16-20 tiếng mỗi ngày, GS đã cho ra đời nhiều trước tác giá trị, như: Đẹp, Mỹ học, Đạo đức học, Lịch sử tư tưởng, Văn hiến Việt Nam (3 tập, 1.500 trang), Anh hùng và nghệ sĩ, soạn các giáo trình giảng dạy trường sân khấu, điện ảnh…

Từ nghiên cứu học hỏi của mình, GS đã cho ra đời hàng trăm bộ sách đồ sộ, bề thế về giáo dục, kinh tế, tôn giáo, trang phục, hàng hóa, lễ hội, công trình văn hóa, truyện kể dân gian, thần tích, văn chương của vùng đất Thăng Long từ thời Văn Lang - Âu Lạc, Lý, Trần, Lê - Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn tới nay. Giới học giả kính trọng xưng tặng GS là nhà “Thăng Long học”. Số lượng tác phẩm, công trình GS đã viết, chủ biên, biên tập, cố vấn cho đến tuổi 96, khiến giới khoa học phải kính nể. Năm 2011, GS còn xuất bản tập 3 Văn hiến Thăng Long trên 600 trang.

Đặc biệt, GS. Vũ Khiêu còn là bậc thầy về tài viết phú, văn tế, văn bia. Đây là những thể cổ văn rất khó, thế nhưng GS thể hiện vừa tề chỉnh niêm luật mà vẫn phóng khoáng, nhịp điệu trầm hùng đầy mỹ cảm, ngồn ngộn dữ liệu lịch sử, văn hóa mà vẫn thanh tao, hào hoa, nhã tiệp. Chứng kiến nhân dân ta chết đói hơn 2 triệu người năm Ất Dậu 1945, GS đã chấp bút viết Truy điệu những lương dân chết đói đầy xúc động. Tiếp đến là Văn tế anh hùng liệt sĩ của Cách mạng tháng Tám, Chúc văn Lễ hội đền Hùng… Nhiều đền thờ anh hùng liệt sĩ, như: Đền thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Đài liệt sĩ Tây Ninh, Văn bia tưởng niệm Lý Thái Tổ (Hoa Lư)… cho tới bài minh trên chuông xã Bát Tràng, tất cả đều nhờ GS chấp bút. Có thể nói, GS là hiện thân của sự hòa quyện uyển chuyển chính trị và văn hóa.

GS. Vũ Khiêu - một nghệ sĩ đích thực không chỉ ở sự tài hoa còn mà ở tâm hồn, lối sống, như câu đối mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tặng dịp mừng thọ năm 2011: “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng”.

* “Văn miếu Trấn Biên: nền văn hiến suốt đờI tôi quý trọng”

Ngay khi có chủ trương về việc phục dựng Văn miếu Trấn Biên, lãnh đạo tỉnh đã chú trọng đến việc tìm kiếm, mời gọi những bậc học giả tài hoa viết bài văn bia cho văn miếu. Nhiều tác giả đã tích cực hưởng ứng, nhưng vẫn chưa có được tác phẩm nào thể hiện được những giá trị cốt lõi nhất văn miếu cũng như văn hóa truyền thống mở cõi của người xứ Đồng Nai một cách cô đọng, súc tích nhất để có thể khắc vào bia đá.

Giáo sư Vũ Khiêu viết sổ lưu niệm tại Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: T.Thúy
Giáo sư Vũ Khiêu viết sổ lưu niệm tại Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: T.Thúy

Năm 2001, như một cơ duyên, GS. Vũ Khiêu đã nhận lời mời tham gia viết văn bia của UBND tỉnh. Để có thể hiểu thấu đáo về vùng đất, con người, tinh thần và văn hóa của xứ sở Đồng Nai, GS không chỉ dành nhiều tháng để đọc tài liệu, nghiên cứu về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai mà còn 4 lần bay từ Hà Nội vào để đi điền dã, gặp gỡ tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới ở Đồng Nai, đến thăm công trình Văn miếu Trấn Biên lúc đó hãy còn xây dang dở để tìm hiểu thực tế. “Khi viết văn bia cho Văn miếu Trấn Biên, tôi đã dốc hết tâm sức của mình, vì thế từ lâu hai tiếng Đồng Nai với tôi đã vô cùng thân thương, gắn bó”, GS Vũ Khiêu bày tỏ.

Sau khi lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, nhận được sự đồng thuận cao, bài văn bia đã được khắc vào phiến đá xanh Bửu Long nặng trên 5 tấn, dựng trong văn miếu và được khánh thành vào dịp sinh nhật Bác Hồ 19-5-2002.

10 năm sau, đến thăm Văn miếu Trấn Biên, nhìn văn bia được đặt nơi trang trọng, GS. Vũ Khiêu rất vui và xúc động. GS cho biết, Văn miếu là biểu tượng cho tâm hồn, khí phách, trí tuệ, tài năng của Đồng Nai, là sự tiếp nối và phát huy tinh thần của văn miếu Thăng Long và các văn miếu khác của Việt Nam. Vì thế, công trình mang ý nghĩa văn hiến và văn hóa - những nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện hoài bão và trách nhiệm của lãnh đạo và nhân dân Đồng Nai trước dân tộc và thế giới, nhất là trong thời kỳ phát triển hiện nay.

Đứng trước bia Khổng Tử, GS kính cẩn nghiêng mình trước người thầy lớn của muôn đời. GS. Vũ Khiêu cho biết, Bác Hồ đã từng gọi Khổng Tử là “vị đứng đầu các nhà hiền triết”. Chỉ vào chữ “Văn” khắc phía sau bia Khổng Tử, GS giải thích: Văn đây là văn hóa, chứ không phải văn thơ. Văn hóa là cốt lõi của cuộc sống. Hai câu “Bất học bất tri lý”, “Học nhi thời tập chi” ở hai bên chữ Văn nhắc nhở con người nếu không học thì không biết đạo lý, nhưng học thì phải năng thực hành theo những gì đã được học.

Với tình cảm gắn bó, trong sổ lưu niệm của Văn miếu Trấn Biên, GS. Vũ Khiêu đã ghi lại những cảm xúc chân thành:

“Ba trăm năm biển rộng sông dài/ Cờ Hồng Lạc vẫy vùng thiên lý mã/ Đường muôn dặm, con hiền cháu giỏi/ Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn Cửu Long Giang.

Hôm nay tôi trở lại nơi này, với khối óc đầy suy tư và một trái tim đầy xúc động. Đồng Nai, mảnh đất linh thiêng đã từ trên 10 năm nay đi vào lòng tôi… Con người Đồng Nai là những “anh chị em” thân thiết của tôi. Văn hóa cộng với con người chính là văn hiến. Văn miếu Đồng Nai là tiêu biểu nhất cho văn hóa Đại Việt trên mảnh đất linh thiêng này, là một nền văn hiến mà tôi suốt đời kính trọng, mến yêu và ngưỡng mộ”.

Đặc biệt, trong các câu đối, đại tự cũng do chính GS viết tặng Văn miếu Trấn Biên, GS rất tâm đắc với câu đối đặt tại gian thờ Hồ Chủ tịch: “Thu hết tinh hoa kim cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này”. Hai câu này đã toát lên được nhân cách và sự tài hoa của Bác Hồ, một người suốt đời học tập, nghiên cứu kiến thức Đông Tây kim cổ, được thế giới suy tôn là danh nhân văn hóa, là người tiêu biểu cho văn hiến Việt Nam khiến thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ. “Văn miếu Trấn Biên đã thể hiện được tính chất văn hiến của Đồng Nai. Và không chỉ riêng cho Đồng Nai mà còn cho cả sáu tỉnh Nam bộ xưa. Nơi đây đã đánh dấu bước chân đầu tiên của những người khai hoang mở cõi từ Bắc vào Trung, từ Trung vào Nam kể từ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, là điểm đầu cho cả cuộc hành trình khai phá, xây dựng các tỉnh Nam bộ sau này. Mỗi vùng miền đều có những nét văn hóa riêng mang tính địa phương, nhưng tất cả chúng ta, dù đi đến đâu đều có một nền văn hóa Đại Việt, đó là tinh thần mà Văn miếu Trấn Biên đã thể hiện...” - GS. Vũ Khiêu cho biết.

Hà Lam

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều