Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để công tác này phát huy hiệu quả hơn nữa, vẫn còn nhiều những việc phải làm.
Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để công tác này phát huy hiệu quả hơn nữa, vẫn còn nhiều những việc phải làm.
Năm 2005, Ban Quản lý di tích, danh thắng tỉnh được thành lập. Năm 2009, ban quản lý thực hiện Dự án trồng và khôi phục rừng cây gỗ lớn bản địa Chiến khu Đ và hiện đã trồng được hơn 1.300 hécta cây gỗ quý. Năm 2010, đơn vị này tiến hành tu bổ 4 di tích, gồm: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Lăng mộ Trịnh Hoài Đức, Di tích đền An Hòa, Di tích chùa Ông. Từ tháng 11-2011 đến nay, Ban Quản lý di tích, danh thắng tỉnh đã tiến hành tu bổ, trùng tu lại di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh); bảo quản chống xuống cấp do mối mọt đối với các đền thờ, chùa Đại Giác (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa); tôn tạo lại di tích Nhà lao Tân Hiệp...
* Cố gắng bảo tồn giá trị gốc
Theo ông Lương Toàn Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý di tích, danh thắng Đồng Nai, khó khăn lớn nhất để phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo di tích là nguồn vốn điều động không kịp thời, dẫn đến tình trạng vật giá leo thang, trượt giá, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và hoàn thành dự án. Khó khăn thứ hai là những vật liệu mới không được như những vật liệu cũ, ví dụ như: màu men gạch, họa tiết hoa văn. Bởi thế, chỉ có thể làm lại na ná, với những hạng mục di tích không có khả năng phục hồi thì đành phải thay thế bằng vật liệu mới.
Trùng tu, tôn tạo các hạng mục của di tích Mộ cự Hàng Gòn. |
Trùng tu, tôn tạo không có nghĩa là đập phá, dỡ bỏ hết những di tích cũ, không được làm sai lệch giá trị ban đầu của hiện vật . Tu bổ là phải giữ được giá trị gốc, cái hồn riêng, không làm biến dạng, hạn chế đến mức thấp nhất việc thay thế các vật tư ban đầu. Ông Thắng cũng cho biết, thời gian qua, công tác trùng tu các di tích trên địa bàn tỉnh được tiến hành kỹ lưỡng, có giám sát cộng đồng, với những vật liệu hiếm, khó tìm thì có thể tìm các loại vật liệu cùng chủng loại. Hơn nữa, đội ngũ nhân lực trực tiếp thi công phải là những đơn vị, những nghệ nhân lành nghề có chuyên môn kỹ thuật cao, không chỉ biết xây dựng giỏi mà còn am hiểu, biết nhìn nhận những giá trị lịch sử, văn hóa. Đến thời điểm này, Phân viện khoa học - công nghệ xây dựng miền Trung thuộc Bộ Xây dựng là đơn vị được Ban Quản lý di tích, danh thắng tỉnh tin tưởng, mời thực hiện thi công hầu hết các công trình tu tạo trên địa bàn tỉnh.
* Để phát huy giá trị di sản
Cho đến nay, mới chỉ có một số di tích lịch sử phát huy được giá trị vốn có của nó, như: Nhà lao Tân Hiệp, căn cứ Trung ương cục miền Nam, căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (Chiến khu Đ), Vườn quốc gia Cát Tiên (khu dự trữ sinh quyển thế giới), núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc). Tuy nhiên, vấn đề dịch vụ văn hóa, như: các tour du lịch chuyên nghiệp, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh, yêu nghề giới thiệu về nguồn gốc lịch sử, quá trình phát triển của di tích hầu như không có và chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, các sản phẩm đồ lưu niệm được bày bán ở các khu di tích chưa thể hiện được tính đặc trưng ở vùng miền nên khó lưu giữ được dấu ấn trong lòng du khách thập phương. Đây là một trong những nguyên nhân gây lãng phí tiềm năng di sản, dẫn đến tình trạng nhiều di tích bị “phủ rêu” vì hầu như không có du khách nào ghé thăm.
Để nâng cao giá trị của các di sản, quảng bá rộng rãi hình ảnh của Đồng Nai đến đông đảo du khách, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến. Muốn vậy, đội ngũ những người làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở phải được đào tạo, tập huấn bài bản về Luật Di sản, truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc…
Đồng Nai hiện có hơn 1.500 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, mộ cổ và hơn 400 ngôi nhà ở truyền thống. Trong đó có 26 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 19 di tích xếp hạng cấp tỉnh. |
Ba vấn đề được đặt ra cho công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa xứng tầm với sự phát triển của nền kinh tế địa phương được ngành văn hóa, thể thao và du lịch xác định là: Cần có sự quan tâm đúng mức, hợp lý, kịp thời của các cấp lãnh đạo về nguồn vốn, đào tạo đội ngũ nhân viên làm công tác văn hóa chuyên nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn nữa tới đông đảo quần chúng; linh hoạt về cơ chế trong việc mở rộng các dịch vụ văn hóa, du lịch để du khách thập phương thuận tiện trong việc khám phá, tìm hiểu các di sản văn hóa, nâng tầm giá trị văn hóa song hành với sự phát triển kinh tế của địa phương.
Hạnh Dung