Báo Đồng Nai điện tử
En

Bốn người chuyển ngữ một giấc mơ

11:11, 22/11/2013

Có tới bốn dịch giả cùng làm việc để kịp đưa tập đầu tiên của bộ tiểu thuyết vĩ đại Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust) đến Việt Nam nhân dịp 100 năm xuất bản.

Bìa cuốn Bên phía nhà Swann, tập đầu tiên trong Đi tìm thời gian đã mất.
Bìa cuốn Bên phía nhà Swann, tập đầu tiên trong Đi tìm thời gian đã mất.

Có tới bốn dịch giả cùng làm việc để kịp đưa tập đầu tiên của bộ tiểu thuyết vĩ đại Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust) đến Việt Nam nhân dịp 100 năm xuất bản.

Suốt nhiều năm qua, bất cứ nỗ lực nào nhằm chuyển ngữ Đi tìm thời gian đã mất của văn hào nước Pháp Marcel Proust (1871-1922) đều được xem là một tham vọng bất khả. Bởi nói như dịch giả Lê Hồng Sâm - một trong bốn người đang mạo hiểm làm công việc này cùng với Đặng Thị Hạnh, Dương Tường và Đặng Anh Đào, thiên tiểu thuyết dày hàng ngàn trang này đã định nghĩa lại một cách viết và cách đọc tiểu thuyết khác trong thế giới văn chương. Bút pháp của ông gây nản lòng cho những ai “không chịu nổi” cách tả một cơn trằn trọc khó ngủ dài chừng... 30 trang, ngay từ tập đầu tiên. Proust còn nổi tiếng với những câu văn “dây leo” dài lê thê gồm rất nhiều mệnh đề với rất nhiều quan hệ kết hợp, phụ thuộc, xen thêm, so sánh, đối lập, song song... Thế nên, chúng - những câu văn của ông - “cứ cắn lấy đuôi nhau mà đi sau những uốn éo bất tận”, được viết bằng một thứ Pháp ngữ mà “tất cả các từ đều dễ nhưng tất cả các câu đều khó”.

Chuyện bốn dịch giả uy tín cùng đứng tên trên một bản dịch, quả là điều xưa nay hiếm trên lĩnh vực dịch thuật nước ta. Sự chung sức của họ cần được đánh giá cao như một hành động dấn thân mạo hiểm nói trên, giúp đem lại cho độc giả cơ hội tiếp cận với bộ tiểu thuyết 7 tập vốn được kiến trúc như  “một tòa dinh thự mênh mông của hoài niệm”. Suốt trăm năm qua, chỉ duy nhất tập 2 của bộ tiểu thuyết này - Dưới bóng những cô gái đương hoa từng được dịch sang tiếng Việt, xuất bản năm 1992. Tuy nhiên, áp lực chạy “kỷ niệm” rõ ràng chỉ phục vụ cho một lối làm sách nhanh nhạy với thị trường, chắc chắn không làm việc chuyển ngữ hay hơn, tốt hơn, nhất là với một văn bản nguồn có nhiều độ khó như Đi tìm thời gian đã mất. Chưa kể độ chênh trong văn phong tiếng Việt của từng dịch giả là điều mà những độc giả tinh tế dễ dàng cảm nhận được. Độc giả có quyền mong đợi chuyện “bất khả kháng” này sẽ không xảy ra ở những tập sau, và thời gian là thuộc về các vị dịch giả khả kính.

Nam Vũ

 

 

  

 

 

 

Tin xem nhiều