Phương án cấp thẻ hành nghề cho giới nghệ sĩ được hy vọng sẽ là giải pháp căn cơ dứt điểm các vi phạm kéo dài trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Phương án cấp thẻ hành nghề cho giới nghệ sĩ được hy vọng sẽ là giải pháp căn cơ dứt điểm các vi phạm kéo dài trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Đề án cấp thẻ hành nghề sẽ hạn chế được những tai nạn nghề nghiệp như trường hợp của Ngân Khánh vừa qua? Ảnh: T.L |
Đây không phải ý tưởng mới, ít nhất nó đã được khởi sự bàn bạc từ cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, khi các sinh hoạt biểu diễn nghệ thuật bừng nở trong hình dáng của một thị trường tự phát, với nhiều vấn đề mới phát sinh đặt lên bàn các cấp quản lý. Sự trở lại của ý tưởng này, một mặt cho thấy sự lúng túng của nhà quản lý trên đường tìm một giải pháp căn cơ, mặt khác phản ánh diện mạo đang xộc xệch của một nền biểu diễn chưa đi tới chuyên nghiệp.
* Bước dài tới hiện thực
Nếu đi vào thành văn bản pháp quy chính thức, đề án cấp thẻ hành nghề được nói sẽ tác động tới khoảng 2 ngàn doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật và khoảng gần 10 ngàn nghệ sĩ, người mẫu. Một phần ba trong số này hoạt động ở các đơn vị ngoài công lập. Sự tác động ở một quy mô không nhỏ như vậy khiến không ít người lo âu thủ tục cấp thẻ sẽ trở thành cuộc “tổng sát hạch” về chuyên môn của toàn bộ giới nghệ sĩ, người mẫu. Tại buổi lấy ý kiến báo chí về đề án, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đã bác bỏ điều này khi cho rằng thẻ hành nghề là công cụ quản lý, không phải nội dung đánh giá về chuyên môn.
Đề án do Cục Nghệ thuật biểu diễn soạn thảo đề nghị không cấp thẻ hành nghề biểu diễn cho trẻ em. |
Tuy nhiên, khi nhìn vào dự thảo quy định đối tượng được cấp thẻ hành nghề, người ta dễ có cảm tưởng cơ quan quản lý nghệ thuật biểu diễn đang đẩy nội dung chuyên môn của chiếc thẻ về phía các cơ sở đào tạo, đơn vị nghệ thuật và... các giải thưởng. Một trong những quy định được cấp thẻ yêu cầu cá nhân phải “đạt giải tại các cuộc thi nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước và quốc tế”. Quy định này được giải thích bao gồm cả các cuộc thi trên truyền hình. Trong khi đó, tính minh bạch và động cơ thuần túy thương mại của nhiều giải thưởng nghệ thuật lại đang là một vấn đề gây bức xúc dư luận.
Chưa kể, nhu cầu có giải để có thẻ hành nghề còn tạo ra nguy cơ lạm phát các giải thưởng. Mặt khác, điều khoản nói trên lại mâu thuẫn với chính một quy định khác của dự thảo, về việc không cấp thẻ hành nghề cho trẻ em giữa lúc nhiều em nhỏ đang tham gia sinh hoạt biểu diễn sau khi nổi tiếng nhờ đoạt giải tại các cuộc thi trên truyền hình.
* Đầu chưa xuôi, đuôi khó lọt
Nội dung đánh giá chuyên môn tuy không đặt ra đối với các nghệ sĩ đã và đang hoạt động trên thị trường biểu diễn nghệ thuật. Nhưng theo ông Chương, “với các nghệ sĩ tự do thì các sở văn hóa - thể thao và du lịch phải có lớp tập huấn để họ tìm hiểu về pháp luật trước khi có hồ sơ gửi đến Cục Nghệ thuật biểu diễn. Còn các nghệ sĩ được đào tạo tại các đơn vị công lập thì đương nhiên họ sẽ được giáo dục thường xuyên về trách nghiệm của người nghệ sĩ, đóng góp những giá trị chân - thiện - mỹ khi tham gia lĩnh vực này”. Việc cấp và rút thẻ do vậy có ý nghĩa như biện pháp răn đe đối với những nghệ sĩ cố tình vi phạm, hoặc nhắc nhở người trình diễn cẩn trọng và có trách nhiệm hơn trên sân khấu.
Chuyện sẽ rắc rối hơn đối với các chương trình có mời những nghệ sĩ trình diễn không làm nghề chuyên nghiệp hoặc có nghề chính ở một lĩnh vực khác. Bởi chiếu theo dự thảo, những nhạc sĩ như: Trần Tiến, Đức Huy, Lê Minh Sơn... mà có muốn lên hát thì cũng phải có thẻ. Hoặc như sẽ khó khăn cho những bầu show nếu muốn giới thiệu một tài năng mới phát hiện. Một khi những băn khoăn, tranh cãi nói trên chưa được giải quyết rốt ráo cho thông dư luận, phương án cấp thẻ hành nghề sẽ khó có thể đi vào hiện thực từ đầu năm 2014 như kỳ vọng của các nhà quản lý.
Đăng Khôi