Báo Đồng Nai điện tử
En

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Cần đánh giá đúng và công bằng về tín ngưỡng thờ Mẫu

09:05, 09/05/2014

Có một nhà nghiên cứu khoa học, học hàm học vị hẳn hoi nhưng suốt ngày lang thang tại các đền, phủ, "cặp kè" với các thanh đồng như một con nhang, đệ tử chính hiệu; mới đây lại mang cả "bầu đoàn" các thanh đồng, đạo quan ở phía Bắc khua chiêng đánh trống "hành phương Nam" với mong muốn mọi người hiểu rõ hơn và có sự đánh giá đúng, công bằng về tín ngưỡng thờ Mẫu.

Có một nhà nghiên cứu khoa học, học hàm học vị hẳn hoi nhưng suốt ngày lang thang tại các đền, phủ, “cặp kè” với các thanh đồng như một con nhang, đệ tử chính hiệu; mới đây lại mang cả “bầu đoàn” các thanh đồng, đạo quan ở phía Bắc khua chiêng đánh trống “hành phương Nam” với mong muốn mọi người hiểu rõ hơn và có sự đánh giá đúng, công bằng về tín ngưỡng thờ Mẫu.

Con người lạ lùng ấy là GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. Với những nỗ lực của ông, nghi lễ hầu đồng từ việc bị cấm đoán trong suốt nửa thế kỷ XX, bị xem là mê tín dị đoan, nay đang được UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Ông cho biết:

- Đạo Mẫu là một nét văn hóa rất hay, gắn bó với cộng đồng, coi tự nhiên là Mẹ và tôn thờ. Đạo Mẫu thờ Thánh mẫu và các vị thần. Trong số khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, hầu hết là những nhân vật lịch sử, có công với dân tộc. Hầu đồng là một nghi lễ của đạo Mẫu. Nói một cách đơn giản, đó là một hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với những lời ca, điệu múa uyển chuyển, trau chuốt cùng các nghi lễ nghiêm trang, đưa con người vào trạng thái ngây ngất và tạo ra ảo giác là sự “nhập hồn”của thần linh. Lâu nay nhiều người không hiểu bản chất của việc hầu đồng, nhìn nó qua một bức màn huyền bí và đầy nghi hoặc. Nhưng nhiều cuộc hội thảo khoa học đã khẳng định đây là một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thuần Việt, xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẹ.

* Nhà nghiên cứu “chui”

 Thưa GS.TS Ngô Đức Thịnh, vì sao ông nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu, cụ thể là nghiên cứu về hầu đồng?

- Tôi theo học bộ môn Dân tộc học, sau này gọi là Nhân học, nghiên cứu về văn hóa. Sau này, khi tôi làm việc ở Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), chuyên về văn hóa dân gian, tôi mới nghiên cứu về tín ngưỡng, vì tôi nghĩ rằng nếu không tiếp cận từ góc độ tâm linh, tín ngưỡng thì không hiểu được văn hóa dân gian.

Quê tôi ở Nam Định nên từ bé đã được nghe chầu văn, được xem lên đồng. Tôi chọn nghiên cứu hầu đồng, về đạo Mẫu vì khoảng thập niên 80 của thế kỷ XX, Nhà nước cấm lên đồng rất nghiêm ngặt mà không thể cấm được. Nó cứ tồn tại một cách âm thầm nhưng rất mãnh liệt. Là nhà khoa học, tôi muốn đi tìm lời giải đáp, trả lời cho xã hội: bản chất, giá trị của hầu đồng là như thế nào, tại sao cấm không được?

Ông có nói, một thời Nhà nước cấm lên đồng rất gắt gao, vậy quá trình nghiên cứu của ông chắc gặp không ít khó khăn?

- Rất khó khăn nữa là đằng khác. Thời điểm đó, do Nhà nước cấm hầu đồng nên muốn nghiên cứu chúng tôi phải làm “chui” đủ các kiểu. Cũng bị hết nơi này hạch sách đến nơi khác nhắc nhở. Nhưng chúng tôi vẫn bằng mọi cách để đạt mục tiêu vì khoa học. Phải nghiên cứu mới biết nó là cái gì, hay dở ra sao, từ đó có ứng xử thích hợp.

Không chỉ thế, trong khoa học quan trọng nhất là tìm ra bản chất của đối tượng nghiên cứu và hiểu được nó, từ đó cắt nghĩa ra được các hiện tượng. Thế nhưng thời gian đầu nghiên cứu, đạo Mẫu như một “cánh rừng”, không tìm ra được cấu trúc, logic, mà không tìm ra được thì không thể hiểu được.

Lên đồng là gì? Theo quan niệm của đạo Mẫu, đó là sự “nhập hồn” một hoặc nhiều lần của các vị thần mà ta gọi là “giá đồng”. Nhập hồn để làm gì? Để ban cho con người sức khỏe, tài lộc và những thứ gì con người cầu xin. Thanh đồng lúc đó có vai trò trung gian giữa con người và thần linh, thường được gọi là “cái ghế của thánh”, là nơi để thánh ngự vào. Điều này khiến cho đạo Mẫu khác với những đạo khác, người theo đạo Mẫu không quan tâm đến cái chết của con người, sau khi chết sẽ ra sao. Có người thờ cúng tổ tiên là thờ cúng linh hồn ông bà, cha mẹ, tổ tiên đã khuất và mong họ về phù hộ, một số tôn giáo khác thì mong cuộc sống an lành, siêu thoát nơi thiên đàng, cũng là sau khi chết. Riêng đạo Mẫu chỉ hướng đến cuộc sống hiện tại với những nhu cầu hết sức đời thường, thực tế mà thời đại nào cũng có. Do vậy, xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì đạo Mẫu lại càng phát triển bấy nhiêu.

 Như vậy, đạo Mẫu có hướng con người đến cuộc sống thực dụng?

- Ở đây, dùng từ thực dụng có vẻ không đúng. Con người có quyền được làm giàu, có sức khỏe, con cái… và họ có quyền mong muốn lực lượng siêu nhiên ban cho họ “lộc” đó. Mác cũng từng nói “Điều gì thuộc về con người thì không xa lạ với ta”, đây cũng là những nhu cầu có thật của con người, vậy tại sao lại cấm đoán?

Tất nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt. Khi con người quá mong muốn có của cải, có cuộc sống giàu có, thành đạt, sức khỏe… thì sẽ dễ bị lợi dụng, nhất là trong tín ngưỡng càng dễ bị lừa. Trong thực tế, đã có một số người lợi dụng việc lên đồng để trục lợi.

* Cần ứng xử phù hợp

 Nhưng làm sao để tránh được tình trạng mê tín dị đoan có thể xảy ra?

- Có lẽ không nên đặt vấn đề về dị đoan ở đây. Từ dị đoan hiểu theo nghĩa thông thường mang hàm ý xấu. Người phương Đông có quan niệm, điều gì khác với Nho giáo đều bị xem là dị đoan và tìm cách xóa bỏ. Theo Hê-ghen,“Cái gì tồn tại cũng có cái lý của nó”. Xã hội nào cũng có sự dị đồng, thế giới hiện đại không xóa bỏ những gì khác biệt, mà tìm cách hiểu và chấp nhận nó. Tôn giáo cũng vậy.

Đến nay, nhận thức của xã hội về tín ngưỡng nói chung và đạo Mẫu nói riêng đã có sự thay đổi cơ bản. Từ chỗ cho rằng đó là mê tín dị đoan, là sản phẩm của xã hội phong kiến lạc hậu, cổ hủ, xã hội đã nhận thức ra giá trị và bắt đầu thừa nhận đạo Mẫu. UNESCO đang xem xét để công nhận đạo Mẫu là di sản sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Đó là kết quả nỗ lực của quá trình đi tìm câu trả lời của chúng tôi. Tất nhiên, vẫn cần phải tìm hiểu thêm một cách thấu đáo, chính xác và lâu dài.

Không phải cứ cái gì không biết, không giải thích được thì cho là mê tín dị đoan. Cha mẹ chết đi, dù không nhìn thấy nhưng chúng ta vẫn tin là có linh hồn nên mới thờ cúng, vậy có phải là mê tín dị đoan? Cụ Hồ từng nói “Chúng ta không chống tôn giáo, tín ngưỡng, chúng ta chỉ chống những kẻ lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng”, cho nên tư tưởng chống là chống kẻ lợi dụng.

 Theo kinh nghiệm của ông, làm cách nào để chống lại sự lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi?

- Phải dựa vào chủ thể văn hóa. Trong những thanh đồng cùng hợp tác với Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa sâu xa của đạo Mẫu. Chúng tôi đã làm được việc là vận động các chủ đền, phủ để họ có ý thức trong việc hành lễ. Khi họ ý thức được thì sẽ hạn chế được những việc lợi dụng bởi khi được làm chủ, được tin cậy thì người ta cũng sẽ có ý thức và ứng xử khác. Chính trong nội bộ họ sẽ có sự đấu tranh với những kẻ lợi dụng, làm xấu đi hình ảnh của đạo Mẫu.

 Đồng Nai là đô thị phát triển công nghiệp, vậy có phù hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu?

- Trước đây, làm nông nghiệp thì cầu mong mưa thuận gió hòa, sự phồn thực, sinh sôi nảy nở. Trong điều kiện như thế, sự tôn thờ Mẹ, lấy người Mẹ làm biểu tượng là điều tất yếu của cư dân nông nghiệp. Sau này, xã hội phát triển về thương nghiệp, công nghiệp, đạo Mẫu cũng bám rễ vào sự phát triển của đô thị. Cho nên đạo Mẫu từ là tín ngưỡng của người làm nông nghiệp cầu sự sinh sôi nảy nở chuyển sang thương mại và cầu mong cái tài, cái lộc. Đô thị Đồng Nai cũng thế thôi. Cũng cần nên biết, hầu đồng hiện phát triển một cách mạnh mẽ tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Hàn Quốc còn có hẳn một sắc lệnh bảo vệ các ông đồng, bà đồng như một báu vật sống.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều