Báo Đồng Nai điện tử
En

Chút kỷ niệm với nhà thơ Kiên Giang

11:11, 07/11/2014

Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà vừa vĩnh viễn ra đi ở tuổi 86. Nhà thơ viết bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím năm 1957, lúc ấy tôi mới có 7 tuổi, nhưng sau này nhờ làm Báo Đồng Nai tôi có duyên gặp gỡ ông và có một chút kỷ niệm đáng nhớ về ông.

 

Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà vừa vĩnh viễn ra đi ở tuổi 86. Nhà thơ viết bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím năm 1957, lúc ấy tôi mới có 7 tuổi, nhưng sau này nhờ làm Báo Đồng Nai tôi có duyên gặp gỡ ông và có một chút kỷ niệm đáng nhớ về ông.

* Từ một cuộc trùng phùng

Tôi còn nhớ vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh đất nước đang có những bước chuyển mình đổi mới, báo chí cũng hăm hở đi đầu. Nằm cạnh TP.Hồ Chí Minh -  “trung tâm” báo chí của cả nước, Báo Đồng Nai cũng có nhiều nỗ lực vươn lên khẳng định vị thế của mình. Lúc ấy, ngoài tờ báo thường kỳ, Báo Đồng Nai còn có phụ san chuyên đề và Đồng Nai chủ nhật. Trong tờ Đồng Nai chủ nhật có một chuyên mục khá ăn khách, đó là “Mỗi tuần một chuyện... kỳ tình”, thường khai thác chuyện tình của những người nổi tiếng. Bài viết loại này hơi khó, vừa phải chọn được nhân vật có tiếng, vừa phải tiếp cận được và nhất là thuyết phục được để cho đương sự chịu… thổ lộ tâm tình.

Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà.
Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà.

Theo kế hoạch biên tập, chuyện kỳ tình cho số báo sắp tới là “bật mí” về… “ người ấy” trong bài Hoa trắng thôi cài trên áo tím của nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà. Tôi rất thích bài thơ này và cũng rất ngưỡng mộ nhà thơ, soạn giả Kiên Giang. Trong lần về dự đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai (lần thứ 2 thì phải), nhà văn Hoàng Văn Bổn nhờ tôi chở giùm nhà văn Sơn Nam và nhà thơ Kiên Giang đến thăm ông Lương Văn Lựu (tác giả của bộ Biên Hòa sử lược).    

Tại căn nhà nhỏ ở Cây Chàm, trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) diễn ra một cuộc trùng phùng vô cùng xúc động. Ông Lựu lúc đó mắt đã lòa, đi lại rất khó khăn, nhưng gặp lại cùng lúc hai người bạn cố tri nên mừng rỡ vô cùng. Ông kêu con trai là trọng tài Lương Minh Nhan, chủ quán cá cơm lăn bột, mang mấy chai bia “lên cơn” (thời đó chỉ có loại bia vi sinh làm từ vỏ trái cây này) qua đãi khách. Trong lúc trò chuyện, tôi có nghe ông Lựu hỏi thăm về người con gái có đạo trong bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím và nhà thơ Kiên Giang đã bùi ngùi kể lại sự tình. Tôi rất xúc động trước chuyện tình học trò đầy thơ mộng và buồn này, nên khi đưa nhà văn Sơn Nam và nhà thơ Kiên Giang về nhà riêng của Tổng biên tập Báo Đồng Nai Nguyễn Thiện Nhựt để chơi, tôi gạ gẫm hết lời nhưng nhà thơ Kiên Giang vẫn một mực... “thủ khẩu như bình”.

* Đến thổ lộ nỗi niềm

Bị nhà thơ Kiên Giang từ chối, nhưng máu me làm báo sôi sục nên tôi không thể bỏ qua một đề tài hấp dẫn được. Qua bàn bạc, vào đầu tháng 9-1990, tôi chở theo một nữ cộng tác viên lên TP.Hồ Chí Minh và đến Hội Nghệ sĩ sân khấu tìm nhà thơ đang tạm thời... dừng bước giang hồ nơi đây.

Mới hơn 7 giờ sáng, hình như mới thức dậy, nghe tôi mời qua căn-tin ăn sáng, nhà thơ Kiên Giang với bộ đồ xốc xếch, bèo nhèo đang mặc trên người đồng ý ngay. Cộng tác viên của tôi về mảng văn nghệ là Nguyễn Thị Tư (nguyên hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, hiện đang định cư ở Canada) có dáng vẻ bé bỏng, xinh xinh, lại là … “con gái Bắc kỳ, có đạo” nên vừa nghe tôi giới thiệu sơ sơ, nhà thơ Kiên Giang lúc đó 63 tuổi đã có ngay cảm tình.

Có chủ ý trước, tôi kêu 3 chai bia Sài Gòn để cùng... điểm tâm lai rai thay... phở. Cùng uống bia trò chuyện, lại được người đẹp là một văn sĩ đang lên chăm chú nghe… nên đến chai bia thứ hai, nhà thơ Kiên Giang đã bộc bạch nỗi niềm trước những câu hỏi nghe chừng vu vơ của tôi. Nguyễn Thị Tư cứ thế ghi chép và thỉnh thoảng hỏi thêm bằng thái độ quan tâm, chia sẻ. Trước khi chia tay, nhà thơ Kiên Giang đã không phản đối việc viết ra bí mật này mà còn vui vẻ tặng cho cô nhà báo bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím ra đời năm 1957, mà ông đã photo sẵn.

 Bài viết Người ấy trong bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím do Nguyễn Thị Tư viết với sự đồng cảm sâu sắc và ký dưới bút danh Minh Tư đã ra mắt bạn đọc Đồng Nai chủ nhật số tháng 10-1990. Một tháng sau, nội dung câu chuyện tình lãng mạn này được báo Công giáo Dân tộc đăng. Tiếp đến là báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh.

 Kể lại chuyện này, xin xem như một nén tâm nhang kính viếng “đại lão tiền bối” Kiên Giang - Hà Huy Hà, một người chung thân “nghèo kiết xác” nhưng luôn nhân hậu và an nhiên tự tại với Trái tim là một con tàu suốt/Chẳng có sân ga trạm cuối cùng.

Bùi Thuận

 

 

Tin xem nhiều