Báo Đồng Nai điện tử
En

Dừng cấp phép 7 show truyền hình: Quýt làm cam chịu?

11:03, 27/03/2015

Nhiều câu hỏi còn để ngỏ khi cơ quan quản lý dừng cấp phép 7 show truyền hình, trong đó có Vietnam Idol, nhằm chấn chỉnh các sai phạm liên tiếp trên lĩnh vực này.

Nhiều câu hỏi còn để ngỏ khi cơ quan quản lý dừng cấp phép 7 show truyền hình, trong đó có Vietnam Idol, nhằm chấn chỉnh các sai phạm liên tiếp trên lĩnh vực này.

Vietnam Idol, cuộc thi bị ách lại khi vừa kết thúc vòng tuyển sinh trên cả nước (trừ TP.Hồ Chí Minh) với hàng ngàn bạn trẻ dự thi. (ảnh B.H.D cung cấp)
Vietnam Idol, cuộc thi bị ách lại khi vừa kết thúc vòng tuyển sinh trên cả nước (trừ TP.Hồ Chí Minh) với hàng ngàn bạn trẻ dự thi. (ảnh B.H.D cung cấp)

Người ta dễ thấy bối rối khi nhìn qua danh sách 7 chương trình bị Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) từ chối cấp phép trong tuần qua, gồm: Đẹp Việt, Vietnam Idol, Sáng tạo Việt, Cái lý - cái tình, Chuyện đêm muộn, Khí phách Việt Nam, Tìm kiếm tài năng châu Á. Không rõ những chương trình này có nằm trong số 51 sai phạm bị xử phạt với số tiền hơn 100 triệu đồng trong 2 năm qua không. Nhưng chắc chắn không có 7 chương trình bị nêu tên trên.

* Ba nhóm sai phạm

Thực tế, 3 chương trình: Chuyện đêm muộn, Khí phách Việt Nam và Tìm kiếm tài năng châu Á bị dừng cấp phép theo diện “không được xử lý hồ sơ xem xét trình cấp giấy chứng nhận liên kết” để chờ VTV có các biện pháp chấn chỉnh, kiểm soát nội dung các chương trình do đối tác liên kết sản xuất trước khi phát sóng. Nhóm còn lại rơi vào lý do đối tác liên kết của VTV để xảy ra sai phạm nhiều lần trong những chương trình trước đó. Đây là những công ty tư nhân “sống” nhờ việc sản xuất chương trình truyền hình cho các nhà đài. Không ngạc nhiên khi nằm trong danh sách bị nêu tên đều là những thương hiệu đình đám, như: Cát Tiên Sa, B.H.D, Sóng Vàng, Sài Gòn Buổi Sáng, Sunrise…

Cơ quan quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử của Bộ TT-TT cũng chia sai phạm của VTV và các đối tác liên kết thành 3 nhóm chính. Nhóm thứ nhất thuộc về các vi phạm quy trình, thủ tục đăng ký liên kết. Nhiều chương trình chưa xong thủ tục đã vội lên sóng. Với nhóm vi phạm này, Bộ chưa áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, mà mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Nhóm thứ hai được xếp vào loại vi phạm các quy định về quảng cáo, đặc biệt ở những chương trình ăn khách, chúng thường xuyên bị ngắt quãng để phát quảng cáo, vượt quá số lần phát lẫn thời lượng được cho phép.

Đáng nói nhất phải là nhóm cuối với những vi phạm nghiêm trọng về nội dung gây bức xúc dư luận. Chỉ trong vòng 6 tháng của năm 2014, chương trình Nhân tố bí ẩn do Cát Tiên Sa sản xuất có tới 2 vi phạm. Lần đầu là màn lừa dối về nhân thân của “thí sinh Huyền Minh” (thực tế là ca sĩ Anh Thúy), còn lần sau là vụ lấy khăn piêu đóng khố trong tiết mục biểu diễn của nhóm F-Band. Cuộc đua kỳ thú của B.H.D có số lần vi phạm tương tự với những trò thử thách phản cảm, như: bắt thí sinh ăn cá sống, xẻ thịt heo sống, cãi cọ, văng tục… Lời thoại dung tục, phản cảm cũng là vi phạm chính của nhà sản xuất này trong chương trình Chết cười đang phát sóng. Trước đó, chương trình Người giấu mặt của B.H.D cũng để lọt hình ảnh thí sinh nữ để ngực trần, hay một thí sinh có hành động luồn tay vào ngực áo thí sinh khác.

* Những câu hỏi bỏ ngỏ

Trở lại danh sách những chương trình bị dừng cấp phép, những người quan tâm không thể không đặt dấu hỏi vì sao chúng đột ngột bị “ách lại” (dù chỉ là tạm thời) mà không hề có một thông báo trước cho nhà sản xuất, từ phía cơ quan quản lý hoặc VTV, đơn vị phụ trách xin giấy phép liên kết. Nếu trường hợp Vietnam Idol hay Tìm kiếm tài năng châu Á có thể được giải thích là do cùng nhà sản xuất B.H.D, thì kiểu phạt “vạ lây” cũng rất khó thuyết phục được dư luận vì không thể hiện được tính nghiêm minh đúng người, đúng tội của pháp luật. Vì bản thân chương trình đầu trước nay chưa từng có vi phạm nào nghiêm trọng, trong khi chương trình thứ hai chỉ mới được khởi động qua 2 tập đầu tiên.

7 chương trình từng có những vi phạm bị cơ quan quản lý kết luận là “thông tin sai sự thật, sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh phản cảm, không hợp thuần phong mỹ tục”, gồm: Nhân tố bí ẩn, Cuộc đua kỳ thú, Quà tặng cuộc sống, Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Chết cười, Người giấu mặt, Ai là triệu phú.

Đẹp Việt do Asean Media sản xuất, vừa ra mắt được vài số, cũng cùng chung số phận. Đạo diễn Đỗ Đức Thành nói ông rất ngạc nhiên khi nghe tin qua báo chí là chương trình bị dừng. “Chúng tôi chỉ sản xuất, còn giải quyết chuyện này thế nào phải chờ đài thôi. Chương trình của chúng tôi chưa từng có một vi phạm nào, nội dung cũng rất tốt khi tập trung ca ngợi những giá trị Việt trong cuộc sống hôm nay” - ông Thành nói.

Hai chương trình khác bị ách lại là Sáng tạo Việt và Cái lý - cái tình (đều của Trường Thành Media) cũng chưa từng “dính” xì căng đan nào. Cả hai được phát sóng trên kênh khoa giáo VTV2. Chương trình đầu cổ vũ tinh thần sáng tạo thông qua hình thức gameshow. Chương trình thứ hai đặt ra các tình huống pháp lý gần gũi trong đời sống để giáo dục pháp luật của người xem. Tất cả đều đang rơi vào tình trạng sản xuất… cầm chừng để chờ giải quyết từ phía nhà đài với Bộ. Quyết định của Bộ TT-TT, do vậy có thể nặng tính răn đe các nhà sản xuất nhưng khó dẹp được những vụ bê bối làm mất lòng tin khán giả của truyền hình thực tế, bởi những “nhân tố bí ẩn” của xì căng đan vẫn cứ còn nguyên đó.

Nam Vũ

 

Tin xem nhiều