Mùa xuân này, Văn miếu Trấn Biên tròn tuổi 300. Còn Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, từ khi khánh thành (năm 2000) và đi vào hoạt động cũng đã 15 năm. Hai công trình, một đã mất; một còn non trẻ. Làm sao để hai mà một và dù một vẫn là hai?
Mùa xuân này, Văn miếu Trấn Biên tròn tuổi 300. Còn Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, từ khi khánh thành (năm 2000) và đi vào hoạt động cũng đã 15 năm. Hai công trình, một đã mất; một còn non trẻ. Làm sao để hai mà một và dù một vẫn là hai?
Các đại biểu tham quan triển lãm “300 năm Văn miếu Trấn Biên - Nơi tôn vinh giá trị học” vào sáng 20-3-2015. |
Ngày xưa… Văn miếu
Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu (tức Quốc Chúa, sau này được suy tôn là Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế) đã sai Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phương Nam, lấy đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đặt dinh Phiên Trấn. Cả vùng Đông Phố - tương ứng với vùng Đông Nam bộ và các tỉnh Tiền Giang, Long An ngày nay, rộng chừng 1 ngàn dặm, dân số hơn 4 vạn hộ. Việc này có ý nghĩa như “hợp thức hóa” về mặt “nhà nước” đối với vùng đất mới. Thật may mắn, sự kiện lớn lao này không hề là cuộc cưỡng đoạt bằng vũ lực, mà trước hết là sự thuyết phục của nhân tâm và dĩ nhiên như lời người xưa là “thuận thiên hành đạo”.
Dù người Việt cùng các cư dân bản địa đã sinh sống ở vùng đất mới này trước đó mấy thế kỷ, nhưng đến giữa thế kỷ 18, theo ghi chép của Lê Quý Đôn: “Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ cửa biển Soài Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”. Bởi vậy, ông Nguyễn Hữu Cảnh đã làm việc trước đó chưa thấy ai làm, là chiêu mộ những lưu dân từ Quảng Bình trở vào để khai khẩn ruộng đất, cùng với người Hoa và số cư dân bản địa ít ỏi và tứ tán ở đây. Lập nên làng mạc, đưa lưu dân vào sổ bộ, bảo vệ họ tránh những can qua,... xem như việc lo phần xác (cái ăn, cái mặc, sự an toàn) lê dân mà chính quyền thời nào cũng phải đảm trách. Thế nhưng, chỉ 15 năm sau, cũng chính Chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai người dựng nên văn miếu ở Trấn Biên. Trong hoàn cảnh bộn bề lúc bấy giờ, chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài ở phía Bắc, nhiều nơi loạn lạc, Quốc Chúa cho xây văn miếu ở nơi còn hoang vắng này để làm gì?
Ở tất cả các quốc gia phong kiến phương Đông, nước nào cũng lập văn miếu. Lý do thật đơn giản: nền tảng tư tưởng của các quốc gia đó là Nho giáo, mà Khổng Tử là người khai sáng đạo Nho. Khổng Tử lại là “vạn thế sư biểu”. Xưa các nước Trung Quốc, Việt Nam, hay Nhật Bản... dựng văn miếu để thờ Khổng Tử. Đấy cũng là lý do người xưa còn gọi văn miếu là Văn thánh. Tại Văn miếu Thăng Long, từ cuối đời Trần, bên cạnh việc thờ chính Khổng Tử và học trò của ông, còn phối thờ Chu Văn An và Trương Hán Siêu, những danh sĩ nổi danh nhất đương thời (từ triều Lê, chỉ còn thờ Chu Văn An).
Trở lại với việc lập Văn miếu Trấn Biên của Quốc Chúa. Với tư cách là người đứng đầu vương triều (dù chỉ ở phía Nam), Quốc Chúa cho xây văn miếu xem như là sự khẳng định của một thể chế trên cương thổ, sự kế tục nguồn mạch của tiên tổ. Đàng Ngoài, nhà Trịnh không thừa nhận Đàng Trong, Chúa Nguyễn càng muốn khẳng định sự tồn tại đó. Việc này đương nhiên sinh ra một ý nghĩa kép: vùng đất phương Nam dù non trẻ, bề bộn đi nữa vẫn có một nền tảng tư tưởng, văn hóa. Vậy là, với việc lập Văn miếu Trấn Biên, Quốc Chúa đã nghĩ tới việc chăm lo phần hồn của vùng đất mới. Điều đó khiến ta không ngạc nhiên, khi chưa chiếm được đất Phú Xuân, các chúa Nguyễn hoặc đích thân hoặc phái quan Tổng trấn Gia Định vào ngày đinh mùa xuân và mùa thu hằng năm đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ. Văn miếu Trấn Biên đã trải qua hai lần trùng tu lớn (năm 1794 và 1852), lần nào cũng do người đứng đầu vương triều sai khiến.
Văn miếu Trấn Biên là văn miếu đầu tiên ở Nam bộ. Vai trò của nó đến trước khi Chúa Nguyễn Phúc Ánh trở thành vua Gia Long (1802) là văn miếu của cả Đàng Trong, không khác gì Văn miếu Thăng Long ở Đàng Ngoài. Sau đó, vai trò này được văn miếu ở kinh sư (Phú Xuân) thay thế. Dù vậy, cho đến năm 1824, khi Văn miếu Gia Định được dựng, Văn miếu Trấn Biên vẫn là văn miếu duy nhất ở Nam bộ.
Vì tính chất biểu trưng (tư tưởng, văn hóa, giáo dục) rất cao của nó, nên cũng dễ hiểu khi vừa chiếm được vùng đất này, giặc ngoại xâm đã thiêu rụi Văn miếu Trấn Biên. Đối với họ, việc ấy xem như xóa sổ một biểu tượng nền tảng tinh thần ở vùng đất này. Song, nền tảng tinh thần, nền tảng văn hóa không dễ dàng mất đi như lớp vỏ vật chất của nó. Trái lại, việc ấy như một lưỡi dao cứa vào tâm gan những người dân nước Việt, để từ đó, bao lớp người luôn tìm cách đứng lên để đoạt lấy tự do và gìn giữ những giá trị thiêng liêng của tổ tiên, nòi giống!
Ngày nay…Văn miếu
Văn miếu Trấn Biên xưa đã mất từ lâu, mãi đến năm 1998, trong dịp kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai mới phỏng dựng lại tại địa điểm có thể xưa là Văn miếu Trấn Biên. “Phỏng dựng” chứ không phải “phục dựng”, nói cho cùng là “xây dựng mới” một công trình phần nào là bóng dáng Văn miếu Trấn Biên. Chủ nhân của công trình này là nhân dân (đại diện) Biên Hòa - Đồng Nai trong thời đại. Vì thế, mục đích, ý nghĩa và cả chức năng của nó khác trước về cơ bản. Nói lại điều tưởng chừng đơn giản nhưng thiết nghĩ rất cần thiết bởi đến nay đây đó vẫn còn những thắc mắc (vì sao văn miếu lại thế này, không như thế kia...) và biết đâu sinh ra nhầm lẫn về lễ tiết, xưng hô...
Đấy là lý do vì sao ta nói Văn miếu Trấn Biên và Trung tâm Văn miếu Trấn Biên dù một vẫn là hai. Song, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên sẽ mất đi nhiều ý nghĩa nếu không gắn bó, nhất là không tiếp nối mạch nguồn truyền thống giáo dục, văn hóa của Văn miếu Trấn Biên và rộng hơn là của cả dân tộc.
Hiện tại, sau 15 năm xây dựng và đi vào hoạt động, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã trở thành một công trình to lớn, nếu không nói là đồ sộ về kiến trúc, với nhiều hạng mục được đầu tư, chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ, lại tọa lạc ở một vị trí đắc địa khó có công trình nào của tỉnh sánh được. Tương lai, một số hạng mục sẽ tiếp tục được xây dựng hay phát triển. Việc làm ấy thỏa được tấm lòng của đông đảo người dân Biên Hòa - Đồng Nai và gây ngạc nhiên cho không ít du khách bốn phương khi đến với quê hương của Trịnh Hoài Đức, Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm...
Tuy nhiên, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên cho dù có được xây dựng “hoành tráng” hơn nữa vẫn chưa phải là tất cả những việc nên làm. Ở đây, hiện đang thờ Khổng Tử, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hóa lỗi lạc của đất nước và vùng đất Nam bộ. Nhiều năm gần qua, các buổi lễ như tuyên dương học sinh giỏi quốc gia; trao tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước cho các thầy giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ... đều được tổ chức tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên. Cũng bằng khen ấy, cũng danh hiệu ấy, nhưng người được nhận tại đây hẳn trong lòng sung sướng và tự hào hơn so với bất kỳ nơi nào khác. Đấy chính là giá trị mà Văn miếu Trấn Biên xưa âm thầm trao truyền lại cho đời sau.
Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi đã hình tượng hóa mạch nguồn dân tộc ở những câu thơ thật hay: Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về... Lắng nghe và truyền lại những tiếng rì rầm ấy từ mạch nguồn văn hóa của cha ông chính là “gìn giữ và phát huy” những giá trị truyền thống mà bây giờ mọi người quen dùng. Bởi vậy, đối với Văn miếu Trấn Biên, đấy là việc làm mãi mãi, vừa công phu, vừa tinh tế, không chỉ đòi hỏi công sức, tiền của mà trước hết là ở tấm lòng biết lắng nghe; ở sự hiểu biết sâu sắc những giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại; ở thái độ trân quý những gì tuy không là vật chất nhưng có thật và cần thiết với người đời. |
Tiết Xuân Phân, Ất Mùi
Bùi Quang Huy