Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn miếu Trấn Biên: Kỳ vọng và mong đợi

10:03, 22/03/2015

Ngày 21-3, Văn miếu Trấn Biên đã kỷ niệm tuổi 300. Đây là thiết chế văn hóa không chỉ gắn liền với sự hình thành vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, mang nhiều giá trị thiêng liêng mà đã dần trở thành biểu trưng văn hóa cho cả vùng đất phương Nam kể từ khi mở cõi.

Ngày 21-3, Văn miếu Trấn Biên đã kỷ niệm tuổi 300. Đây là thiết chế văn hóa không chỉ gắn liền với sự hình thành vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, mang nhiều giá trị thiêng liêng mà đã dần trở thành biểu trưng văn hóa cho cả vùng đất phương Nam kể từ khi mở cõi.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu khách mời dự lễ kỷ niệm.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu khách mời dự lễ kỷ niệm.

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu phái Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phương Nam lập nên dinh Trấn Biên, “cửa ngõ” khẩn hoang cho cả vùng đất Nam bộ sau này. Chỉ 17 năm sau, chúa Nguyễn đã cho xây dựng Văn miếu Trấn Biên. Vì sao vậy? Qua tiến trình phát triển của vùng đất Trấn Biên, cho thấy Trấn Biên là vùng đất trù phú, nhiều tiềm năng phát triển về kinh tế nên càng phải có sự giáo hóa, phát triển về mặt giáo dục. Văn miếu Trấn Biên cũng vì thế được xây dựng, vun đắp ngày càng “rực rỡ, tinh xảo”, khẳng định sự tiếp nối văn hóa Đại Việt trên vùng đất mới.

* Từ ý tưởng đến lòng dân

Tiếp nối ý tưởng tiền nhân, những năm sau ngày đất nước thống nhất, dù xã hội còn bộn bề, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo TP.Biên Hoà và tỉnh Đồng Nai vẫn quyết tâm phỏng dựng lại Văn miếu Trấn Biên. Trong văn hóa Việt Nam, dù khó khăn đến đâu người dân cũng cố gắng chăm chút cho bàn thờ tổ tiên, cộng đồng thì gầy dựng, vun đắp cho đình, chùa - là các thiết chế thờ phụng. Việc dựng lại Văn miếu Trấn Biên cũng mang ý nghĩa như vậy.

Văn miếu Trấn Biên được phỏng dựng trên nền xưa, mang dáng dấp văn miếu trước đây. Nhưng về ý nghĩa đã có sự đổi khác. Điều đó là tất nhiên, và theo quy luật phát triển của xã hội. Văn miếu Trấn Biên hiện nay không chỉ là thiết chế thờ phụng, mà còn là điểm nhấn, trung tâm của nhiều hoạt động văn hóa. Văn miếu vẫn tôn vinh tinh thần trọng học của Khổng tử, nhưng qua lăng kính của tư tưởng thời đại Hồ Chí Minh, Khổng tử là người “khai sinh” Nho giáo, nhưng rõ ràng hiện nay nhiều tư tưởng về Nho giáo của ông đã không còn phù hợp, như: trung quân (Việt Nam không còn thể chế quân chủ), tam tùng (hạn chế quyền bình đẳng của phụ nữ). Vì thế, Văn miếu Trấn Biên cũng thờ Khổng tử, nhưng nhấn mạnh đến tư tưởng về văn hóa, về tinh thần hiếu học của ông (Bất học bất tri lý/ Học nhi thời tập chi).

Văn miếu Trấn Biên trước đây lấy sông Đồng Nai làm đại lộ. Nhưng hiện nay, do đô thị Biên Hòa đã có sự thay đổi, sông - núi có sự ngăn cách, vì vậy cần có sự kết nối để văn miếu vừa có không gian văn hóa, vừa thuận lợi giao thông để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, văn miếu cũng cần khắc phục nhược điểm về sản vật văn hóa còn nghèo nàn, thiếu tính hấp dẫn.

Cả nước có rất nhiều danh nhân văn hóa. Nhiều địa phương có xu hướng tôn vinh danh nhân ở quê hương mình. Đồng Nai thì lại muốn có sự hội tụ để người dân cùng chiêm ngưỡng, cảm nhận, noi gương, bởi không phải ai cũng có điều kiện đi khắp nơi. Vì thế, Văn miếu Trấn Biên thờ 10 vị danh nhân văn hóa lớn trong cả nước và của phương Nam. Đặc biệt, văn miếu thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, một danh nhân văn hóa được thế giới công nhận, người khai sáng nền văn hóa thời đại Hồ Chí Minh.

Có thể nói, Văn miếu Trấn Biên đã kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa phương Nam: kết tinh dòng mạch văn hóa Đại Việt (lưu giữ đất, nước từ đất Tổ Phú Thọ, trống hội Thăng Long), kết nối với các hoạt động văn hóa trong khu vực (tổ chức lễ tết thầy, đêm thơ Nguyên tiêu, đờn ca tài tử, biểu dương, tôn vinh nhân tài, thiết kế đường hoa dịp Tết Nguyên đán, tặng 300 cây đa chiết từ văn miếu cho các trường học trong tỉnh), kết nối những tấm lòng hướng về nguồn cội (nhiều doanh nghiệp đã tham gia đóng góp đúc chuông đồng, tạc tượng đá Huỳnh Văn Nghệ; các đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên đóng góp xây dựng tượng Lý Thái tổ, vườn tượng danh nhân thông qua phong trào kế hoạch nhỏ; nhiều nhà khoa học, nhân sĩ đóng góp ý kiến phát huy giá trị văn miếu thông qua các hội thảo).

Những ý tưởng mới trong việc xây dựng Văn miếu Trấn Biên đã nhận được sự đồng thuận của người dân, vì vậy đông đảo các tầng lớp nhân dân đã hưởng ứng. Triệu trái tim, tấm lòng đã hướng về văn miếu thông qua việc hưởng ứng các hoạt động tại đây. Cái gì thuận lòng dân, được người dân góp công vun đắp, bảo vệ sẽ trường tồn.

* Lấy văn hóa làm nền tảng

Dòng chảy lịch sử không bao giờ đứng yên mà luôn có sự vận động phát triển, phát huy những cái đã có, phát triển những cái cần có. Đó là nguyên tắc về văn hóa. Văn miếu Trấn Biên hợp lòng dân, thuận lòng người, đồng thời được mong muốn phát triển tốt đẹp hơn từ sự đóng góp của mọi người, mọi giới.

Về định hướng, sự phát triển của Văn miếu Trấn Biên phải gắn với quy hoạch tổng thể, phát triển bền vững, hài hòa công trình thiên tạo và nhân tạo. Văn miếu phải phát huy lợi thế, kết nối không gian đô thị hiện đại với hệ thống giá trị sinh thái, văn hóa, lịch sử. Quy hoạch văn miếu cũng phải “dài hơi”, xây dựng dần các hạng mục công trình, vun đắp dần các giá trị, không phải cứ có tiền đổ ra làm ào ào là được mà phải tuân theo các nguyên tắc văn hóa.

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng nhấn mạnh: “Trời đất tạo ra sông núi hữu tình, sẽ là tội lỗi nếu ta làm ngăn sông, cách núi. Thiên nhiên và quá khứ đã cho TP.Biên Hòa một tài sản quý giá vừa văn hóa vừa kinh tế, vấn đề trọng yếu là tôn tạo thiên nhiên nhưng không được bê tông hóa khu Bửu Long, không được lấy nhà hàng, khách sạn thay cho núi, hồ, sông, rừng; không lấy bia bọt thay cho sự tiêu khiển của con người giữa thiên nhiên. Giá trị kinh tế sẽ bền vững khi giá trị văn hóa được bảo tồn”. Thời gian qua Văn miếu Trấn Biên không phải là thực thể riêng biệt, đơn lẻ mà là điểm nhấn hài hòa trong tổng thể không gian của vùng đất địa linh Bửu Long nói riêng và Biên Hòa nói chung, lấy việc phát huy giá trị văn hóa - bảo vệ môi trường làm mục tiêu phát triển, lấy hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch sinh thái làm hoạt động chủ đạo.

* Con đường bền vững

Văn miếu Trấn Biên đã qua chặng đường 300 năm, và trước mặt còn là chặng đường dài nhiều trăm năm nữa, ắt đó phải là con đường phát triển theo định hướng bền vững của Đồng Nai và đất nước.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật tái hiện 300 năm hình thành và phát triển của Văn miếu Trấn Biên.
Một cảnh trong chương trình nghệ thuật tái hiện 300 năm hình thành và phát triển của Văn miếu Trấn Biên.

Những thành tựu của Văn miếu Trấn Biên nằm trong mục tiêu ban đầu, phương hướng cũng đã rõ nét: thực hiện các hạng mục công trình đã quy hoạch, hoàn chỉnh phần “miếu” (hoạt động thờ phụng, nghi thức tôn vinh) để tăng tính thiêng, nâng cao phần “văn” (tổ chức nhiều hoạt động phong phú về văn hóa, giáo dục, tôn vinh những cá nhân có thành tích, công trình đóng góp). Đây là hoạt động được mong đợi nhiều nhất, là điểm tạo nên sự khác biệt với các thiết chế văn hóa, thờ phụng khác.

Đặc biệt, về hoạt động đề danh, ghi danh để tôn vinh hiền tài sẽ được thực hiện từng bước, như: xây dựng hệ thống tiêu chí, quy chế tổ chức xét chọn, hình thức phù hợp. Đồng Nai đã có những danh nhân văn hóa có nhiều đóng góp lớn, như: Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn; có các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú; những nhân vật có học hàm, học vị có uy tín chuyên môn, đạo đức, được cộng đồng công nhận. Các hình thức đề danh, ghi danh sự thể hiện vinh dự có khác nhau nhưng mang tính chung là nêu gương, động viên thế hệ thanh thiếu niên.

Tịnh Hà

 

 

Tin xem nhiều