Trong số 204 đình, đền dân gian trong tỉnh, đi đến đâu du khách cũng gặp những liễn đối, hoành phi được viết bằng chữ Hán, Nôm. Khi dịch ra tiếng Việt những câu trên liễn đối, hoành phi nghe rất hay và mang nhiều ý nghĩa.
Ông Chu Văn Tiến (trái) xem nhưng không thể hiểu được những chữ Hán được viết trước di tích đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) nơi ông là thành viên Ban Quý tế hơn 25 năm qua. |
Trong số 204 đình, đền dân gian trong tỉnh, đi đến đâu du khách cũng gặp những liễn đối, hoành phi được viết bằng chữ Hán, Nôm. Khi dịch ra tiếng Việt những câu trên liễn đối, hoành phi nghe rất hay và mang nhiều ý nghĩa.
Có điều, những câu dịch sang tiếng Việt này chỉ được lưu giữ trong các sách, tài liệu lưu trữ mà chưa được phổ biến rộng rãi ngay tại di tích để người dân, nhất là những người trẻ khi đến tham quan tại những địa điểm này có điều kiện hiểu về chúng.
* Ai hiểu?
Hơn 25 năm tham gia vào Ban Quý tế đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa), ông Chu Văn Tiến nay đã bước sang tuổi 62 cho hay: “Tham gia vào Ban Quý tế đình lâu vậy chứ những câu Hán nôm viết trên liễn đối, hoành phi tại di tích tôi không biết đọc và hiểu được. Trong số 50 thành viên Ban quý tế hiện nay thì cũng chỉ có 2 người biết đọc và hiểu được nghĩa của những từ này, còn 47 vị kia cũng giống như tôi đều không đọc, hiểu được. Nhiều lúc có du khách đến tham quan đình rồi hỏi chúng tôi về các từ trên liễn đối, hoành phi, chúng tôi không ai trả lời ngay được mà phải lật sách ra xem bản dịch tiếng Việt được viết trong đó rồi mới nói cho du khách nghe được”.
Tương tự là trường hợp của ông Trịnh Văn Ngai (62 tuổi), thành viên Ban Quý tế và là người phụ trách trông coi đình Bình Quan (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Có nhà nằm ngay bên cạnh đình và một thời gian rất dài gắn bó với đình, nhưng đến nay những chữ Hán nôm được viết trong đình ông cũng không thể đọc và hiểu được. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều cụ cao niên có thời gian gắn bó với đình lâu như ông Ngai.
Những cụ lớn tuổi, có thời gian gắn bó với đình lâu năm còn không hiểu ý nghĩa của những chữ Hán nôm thì dễ hiểu vì sao những du khách trẻ tuổi rất khó tiếp cận với nội dung này. Trần Nguyên Trung, sinh viên khoa dược, Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ: “Mỗi khi đến thăm các ngôi đình, đền trong tỉnh thấy những câu viết trên liễn đối, hoành phi tôi thường nhờ những cô chú có mặt tại đình, đền dịch nghĩa giúp nhưng không mấy người biết. Lên mạng để tra cứu thì không phải câu đối của đình, đền nào cũng được dịch sang tiếng Việt và đưa lên mạng. Vậy nên, đối với tôi mỗi chuyến tham quan, tìm hiểu tại các đình, đền đều có một điều gì đó thiếu thiếu, chưa thể khám phá hết”.
* Cần hướng dẫn
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014, nhận định: “Tình trạng người Việt đến các di tích đình, đền của người Việt mà không đọc, không hiểu được chữ viết tại đó như hiện nay là không ổn. Chúng ta luôn tuyên truyền phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc, nhưng nếu mọi người không hiểu đó là cái gì, nội dung hàm chứa trong đó ra sao thì có ai mặn mà với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc”.
Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Văn Lý cho hay, có nhiều cách để phổ biến những câu tiếng Việt đã được dịch từ các câu, chữ Hán nôm đến với người dân. Trong đó, có thể làm những bản mica nhỏ đặt những câu đã dịch sang tiếng Việt nằm phía dưới vị trí của những câu chữ Hán nôm. Một phương án khác là thực hiện sơ đồ mô phỏng vị trí của các liễn đối, hoành phi trong mỗi đình, đền tương ứng với những vị trí đó là các câu tiếng Việt. Hoặc với những đình, đền mà liễn đối, hoành phi mới được xây dựng bằng chất liệu xi măng, cột trụ bê tông thì mặt trước giữ nguyên văn câu, từ chữ Hán, Nôm, mặt sau là câu dịch sang tiếng Việt. |
Từ lưu ý của người đứng đầu ngành văn hóa của đất nước, có thể thấy rằng việc phổ biến các nội dung viết trong đình, đền đang là nhu cầu hết sức cấp bách trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc.
Tại Đồng Nai, việc đưa những câu tiếng Việt dịch từ các câu Hán nôm trên liễn đối, hoành phi trong các đình, đền để giới thiệu với du khách đã được các ngành chức năng trong tỉnh ấp ủ từ rất lâu, nhưng chưa có điều kiện thực hiện được, bởi chưa có một chủ trương, hướng dẫn cụ thể nào được các cấp thẩm quyền ban hành để địa phương thực hiện.
Đồng quan điểm với Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Văn Lý, ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, cho hay những chữ viết trên liễn đối, hoành phi là một phần quan trọng của các đình, đền nên đến tham quan, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử tại đây mà không hiểu được những điều được viết tại đình, đền là một thiếu sót lớn. Vậy nên, việc sớm phổ biến những câu Hán nôm đã dịch sang tiếng Việt đến với người dân là rất cần thiết, và cần được nhanh chóng thực hiện.
Văn Truyên