Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai đến bảo tàng?

09:05, 24/05/2015

Được xây dựng ở trung tâm TP.Biên Hòa và đưa vào hoạt động cách đây 39 năm, hiện Bảo tàng Đồng Nai đang lưu giữ và bảo quản gần 20 ngàn hiện vật, hình ảnh, tài liệu, băng ghi âm, ghi hình… trong đó có nhiều bộ sưu tập hiện vật gốc rất có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, khoa học.

Được xây dựng ở trung tâm TP.Biên Hòa và đưa vào hoạt động cách đây 39 năm, hiện Bảo tàng Đồng Nai đang lưu giữ và bảo quản gần 20 ngàn hiện vật, hình ảnh, tài liệu, băng ghi âm, ghi hình… trong đó có nhiều bộ sưu tập hiện vật gốc rất có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, khoa học.

Học sinh Trường tiểu học Tân Phong A (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) tham quan Bảo tàng Đồng Nai trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua.
Học sinh Trường tiểu học Tân Phong A (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) tham quan Bảo tàng Đồng Nai trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua.

Bên cạnh việc sưu tầm, lưu giữ, Bảo tàng Đồng Nai còn thực hiện chế độ mở cửa hàng ngày hoặc thường xuyên tổ chức những cuộc trưng bày, triển lãm theo từng chủ đề để du khách vào tham quan, tìm hiểu. Tuy nhiên, số lượng khách đến tham quan, tìm hiểu tại đây vẫn còn khá hạn chế.

* Khách đến chưa nhiều

Theo bà Trần Thị Diêm, Trưởng phòng trưng bày, tuyên truyền (Bảo tàng Đồng Nai), phải mất gần 20 năm sưu tầm, tìm kiếm, Bảo tàng Đồng Nai mới tập hợp được và đưa ra trưng bày, triển lãm giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập hiện vật “vũ khí chống giặc ngoại xâm của nhân dân Đồng Nai”. Bộ sưu tập với gần 200 hiện vật có giá trị cao về mặt văn hóa, lịch sử, như: những khẩu súng thần công, súng phóng lựu 60mm - K63… từng được quân và dân ta sử dụng trong kháng chiến; trên 70 bức tranh ký họa chiến trường ghi lại những phút giây chiến đấu cũng như sinh hoạt đời thường của cán bộ, chiến sĩ.

 Kỳ công là vậy, tuy nhiên ngoài buổi khai mạc thì những ngày tiếp theo, lượng người đến tham quan, tìm hiểu rất khiêm tốn. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các cuộc triển lãm trong thời gian vừa qua tại Bảo tàng Đồng Nai.

Theo ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, để thu hút người dân đến với Bảo tàng Đồng Nai, đồng thời làm cho nơi đây trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa, Ban giám đốc bảo tàng đã phối hợp cùng Sở GD-ĐT, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các đơn vị kết nghĩa thông báo về các cuộc triển lãm, trưng bày để người dân biết và đến tham quan. Song song đó, thời gian trước và trong khi diễn ra triển lãm, bảo tàng cũng phối hợp cùng các cơ quan truyền thông đăng tải thông tin, chủ động giới thiệu nội dung, thời gian triển lãm bằng cách treo băng rôn giới thiệu khắp các trục đường chính, mở cửa phục vụ cả vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, nhưng lượng khách đến bảo tàng vẫn khiêm tốn.

Ông Nguyễn Văn Việt, một khách tham quan đến từ tỉnh Bạc Liêu, cho hay cách bài trí, trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai khá đơn điệu. Vẫn là những bảng nhựa mica với dòng chú thích ngắn, thiếu thông tin về các hiện vật trưng bày. Trong khi ở nhiều bảo tàng khác, mỗi hiện vật đều có thông tin đầy đủ về nguồn gốc, thời gian chế tác, đã từng được ai sử dụng hay chưa… rất hấp dẫn. Có nơi còn có những hình ảnh, phim tư liệu để giúp người xem dễ hình dung.

Còn theo bà Trần Thị Thành, một phụ huynh học sinh cùng con đến tham quan Bảo tàng Đồng Nai thì “Cách thuyết trình cho đối tượng học sinh tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng, đại học và cả những người có hiểu biết chuyên môn đều được Bảo tàng Đồng Nai thực hiện như nhau. Vậy nên có lúc đối với nhóm khách tham quan này thông tin đó là thừa, nhưng lại trở nên thiếu và khó hiểu đối với nhóm tham quan khác”.

* Đổi mới để hút khách

Bên cạnh một số hạn chế về trưng bày, thuyết minh thì hiện Bảo tàng Đồng Nai không có bất kỳ một loại hình dịch vụ tối thiểu (nơi nghỉ chân, điểm phục vụ giải khát…) nào đáp ứng nhu cầu của người dân đến tham quan tại đây. Em Nguyễn Thị Hoàng Ngọc, học sinh Trường tiểu học Tân Phong A (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), cho biết: “Đi hết 3 tầng lầu để tham quan 14 phòng trưng bày, em và các bạn rất mệt và khát nước nhưng không có chỗ nào ngồi nghỉ chân hay mua nước uống. Mấy gian hàng chuyên phục vụ cà phê xung quanh bảo tàng thì giá bán chai nước suối cũng rất đắt nên chúng em không dám mua”.

Ông Trần Quang Toại, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh, cho hay hiện cách trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai chưa tạo ra được sự liên kết giữa không gian trong và xung quanh của bảo tàng. Do vậy, trong thời gian tới Bảo tàng Đồng Nai cần lưu ý đến vấn đề này. Có như vậy mới vừa mở rộng được diện tích trưng bày, vừa có không gian, địa điểm để người dân kết hợp tổ chức các hoạt động ngoại khóa khi đến với bảo tàng.

Mang những ý kiến phản ánh của khách tham quan trao đổi với lãnh đạo Bảo tàng Đồng Nai, chúng tôi được ông Lưu Văn Du cho hay, những phản ánh, góp ý của khách tham quan là hoàn toàn đúng và đơn vị đang xây dựng kế hoạch để khắc phục những nhược điểm này.

Để làm cho không gian trưng bày thêm sinh động, thời gian tới Bảo tàng Đồng Nai sẽ tổ chức sắp xếp, bố trí lại việc trưng bày kết hợp đưa những ứng dụng khoa học - công nghệ vào phục vụ nhân dân. Cụ thể, ngoài phần trưng bày hiện vật như hiện nay, mỗi phòng trưng bày sẽ được bố trí thêm màn hình trình chiếu những đoạn phim tư liệu liên quan đến nội dung trưng bày để người xem dễ dàng cảm nhận và hiểu sâu hơn. Bảo tàng cũng sẽ chú trọng hơn đến công tác quảng bá, giới thiệu cùng các dịch vụ đi kèm để thu hút đông đảo người dân hơn nữa đến tham quan, tìm hiểu.

Sông Thao

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều