Đồng Nai là vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Những sắc thái văn hóa được tạo dựng qua nhiều thời kỳ của nhiều cộng đồng dân cư.
Đồng Nai là vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Những sắc thái văn hóa được tạo dựng qua nhiều thời kỳ của nhiều cộng đồng dân cư. Thời tiền, sơ sử Đồng Nai được biết đến với những di chỉ khảo cổ nổi tiếng, nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo. Những tộc người sinh sống lâu đời, như: Mạ, Chơro, S’tiêng, Kh’mer... vẫn còn bảo lưu những nét riêng trong tín ngưỡng dân gian và các lễ hội dân gian. Thời kỳ khai phá cách đây trên 3 thế kỷ, Biên Hòa - Đồng Nai tiếp nhận các luồng dân cư từ các nơi khác đến tạo lập cuộc sống.
Cùng với Nam bộ, vùng đất mới này trở nên sôi động hơn với sự phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ. Cộng đồng người Hoa đến sinh sống tại Biên Hòa đã góp phần cho vùng đất này phát triển và để lại những giá trị trong kho tàng di sản văn hóa của Đồng Nai. Có thể nói, tính chất mở của vùng đất mới, trầm tích văn hóa của thời kỳ xa xưa trên nền của văn hóa tộc người bản địa và sự xuất hiện của cộng đồng dân cư đến khai khẩn cách đây 300 năm đã làm nên một bức tranh sinh động, đa sắc màu của văn hóa Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay.
Trong năm 2015, Nhà xuất bản Đồng Nai đã ấn hành những tác phẩm nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Đồng Nai rất bổ ích. Trong đó có công trình: Miếu thờ và lễ hội làm chay ở Biên Hòa của tác giả Nguyễn Thị Nguyệt - hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Sách gồm 250 trang, có 74 ảnh, sơ đồ minh họa. Đây là công trình nghiên cứu trong nhiều năm của tác giả trong quá trình thực hiện luận văn cao học và tiếp tục làm nghiên cứu sinh. Nội dung sách đề cập khá phong phú: Người Hoa ở Biên Hòa; nghề thủ công của người Hẹ; miếu Tổ sư và các miếu vệ tinh của bang Hẹ Biên Hòa; từ tín ngưỡng thờ Tổ sư đến tín ngưỡng Thiên Hậu; lễ hội làm chay; yếu tố văn hóa và biến đổi qua lễ hội làm chay...
Trọng tâm sách giới thiệu lễ làm chay - một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của người Hoa ở Biên Hòa. Lễ hội vía Tổ nghề (Ngũ đăng tiên tiên sư, Lỗ Ban tiên sư, Uất Trì tiên sư) song có sự hòa trộn với tín ngưỡng thờ Thiên Hậu, nhiều nghi thức của đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian... được mô tả khá tỉ mỉ. Bên cạnh đó, tác giả còn giới thiệu nghề điêu khắc đá, làm thuốc Bắc của người Hoa bang Hẹ. Đặc biệt, tác giả đã công phu giới thiệu 100 bài thuốc thần liên quan đến 100 cây xăm thuốc tại Thiên Hậu Cung, dựa trên truyền thuyết về nguồn gốc của lễ làm chay. Đây là tư liệu quý lần đầu tiên được giới thiệu.
Nguyễn Thị Nguyệt cũng là tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu về Đồng Nai. Say mê nghiên cứu, không quản ngại điền dã thực địa, gặp gỡ nhân chứng, đối chiếu tư liệu..., tác giả đã biên soạn khá công phu, phân tích, lý giải, cung cấp nhiều nguồn tư liệu bổ ích về cộng đồng người Hoa, tín ngưỡng dân gian liên quan đến tục thờ miếu Tổ sư đến tín ngưỡng thờ Thiên Hậu... góp phần nhận diện sắc thái văn hóa của Đông Nam bộ nói riêng, Nam bộ nói chung. Sách là nguồn tư liệu giá trị về Biên Hòa - Đồng Nai, đáp ứng tốt cho việc tham khảo về tìm hiểu, nghiên cứu, quản lý, giảng dạy, hoạt động du lịch.
Phước Long