Sau gần một năm trễ hẹn với khán giả, phim Quyên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã có buổi chiếu ra mắt tại rạp Kino International Theatre, Berlin, Đức vào tối 16-6, tiếp theo là ra mắt báo giới tại TP.Hồ Chí Minh tối 18-6. Đây là một trong số ít phim Việt đáng mong chờ của khán giả thích phim điện ảnh.
Sau gần một năm trễ hẹn với khán giả, phim Quyên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã có buổi chiếu ra mắt tại rạp Kino International Theatre, Berlin, Đức vào tối 16-6, tiếp theo là ra mắt báo giới tại TP.Hồ Chí Minh tối 18-6. Đây là một trong số ít phim Việt đáng mong chờ của khán giả thích phim điện ảnh.
Cảnh trong phim Quyên, công chiếu toàn quốc từ ngày hôm qua 19-6. |
Phim Quyên có gốc kịch bản từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Văn Thọ, kể chuyện một phụ nữ xinh đẹp trốn từ Liên Xô sang Đức thời bức tường Berlin sụp đổ. Trước phim này, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình từng đưa Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư lên màn ảnh, nhìn chung khá thành công.
* Tại sao phải chờ đợi?
Người ta thường gọi chung phim chiếu rạp là phim điện ảnh, hoặc phim truyện, vì tiếng Việt chưa hoàn bị từ ngữ, thuật ngữ để phân biệt rõ đâu là phim chiếu rạp chung chung, đâu là phim điện ảnh thực sự. Một ví dụ nôm na dễ hiểu thì một phim như Quyên sẽ giàu chất điện ảnh hơn Để Mai tính 2, Bộ ba rắc rối, Lật mặt, Bảo mẫu siêu quậy… rất nhiều. Điều này làm những khán giả yêu thích dòng phim điện ảnh chờ đợi sự ra rạp của những phim: Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp), Quyên, Nước 2030 (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ), Cha và con và… (đạo diễn Phan Đăng Di).
Phim Việt chiếu rạp hiện nay đã có trên 20 phim một năm, còn đang tăng trưởng mạnh, mà đa phần là những phim giải trí dễ dãi, chỉ làm với mục đích chọc cười, nhát ma. Đành rằng mục đích bán vé và kéo khán giả đến rạp là hoàn toàn chính đáng, nhưng chẳng lẽ cả nền điện ảnh chỉ vì mục đích đó. Xét về mặt dân số, Việt Nam không hề là một nước nhỏ, bởi đông dân hơn Pháp, Đức, Italy, Canada, Tây Ban Nha, Iran…, thậm chí gần gấp đôi Hàn Quốc, nhưng các nền điện ảnh ấy đa dạng, nhiều phim điện ảnh, nhiều phim thể nghiệm và nhiều đỉnh cao hơn. Xét về lịch sử điện ảnh, Việt Nam cũng không hề non trẻ so với thế giới (so với nội địa, còn ra đời trước cải lương, phở, áo dài cách tân…), già dặn hơn hẳn Hàn Quốc, Iran, Đài Loan… Vậy mà Việt Nam chỉ ưu chuộng riêng phim giải trí thì vô lý.
Chính bối cảnh như vậy, việc xuất hiện những phim của Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Síu Phạm…, và mới nhất là của Nguyễn Phan Quang Bình phần nào giúp an ủi và lấy lại thể diện cho nền điện ảnh. Nói như ngôn ngữ ngoại giao là “có tính chất đối ngoại”, mà cũng là đối nội, bởi tình yêu, sự ủng hộ của khán giả Việt với phim Việt là vô bờ bến (bằng chứng như việc Để Mai tính 2 thắng lớn về việc bán vé), nhưng chẳng lẽ cứ “ăn hoài” một món. Chẳng lẽ tình yêu ấy không bị bào mòn, mất niềm tin qua thời gian. “Điện ảnh mì ăn liền” đầu thập niên 1990 từng như vậy, khán giả háo hức một thời gian rồi rút lui.
* Khán giả cũng cần tự phân loại
Cũng vì ủng hộ như vậy mà loại phim tạm gọi là thương mại, bán vé (vì phim nào mà chẳng bán vé, ít hoặc nhiều mà thôi) đang thắng thế, khiến nhiều nhà đầu tư nhảy vào cuộc, nên phim hài nhảm, rồi phim kinh dị ngày càng nhiều hơn. Cán cân thương mại và nghệ thuật càng thêm lệch.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng “không quản được thì cấm”, nghĩa là hạn chế phim thương mại và tăng cường phim nghệ thuật. Đây là ý chí tốt, nhưng để thực hiện không dễ và không hề dân chủ. Bởi thể loại phim nào cũng có đất để tồn tại, việc chọn lựa tự nhiên của khán giả cần được tôn trọng. Tại sao vài phim nhà nước ra rạp cả tuần không bán nổi 100 vé, vậy mà Để Mai tính 2, Lật mặt… chỉ cần 2-3 ngày đã hoàn vốn, rồi có lãi lớn? Rõ ràng thời bình khán giả thích phim giải trí hơn phim chiến tranh.
Tuy nhiên, như đã nói, nếu chỉ phim giải trí thôi thì nền điện ảnh ấy sẽ không bao giờ lớn mạnh, nên khán giả cũng cần tự phân loại phim và tự phân loại mình. Có thể những phim, như: Quyên, Nước 2030, Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh… chưa thật hay, nhưng khán giả cũng cần ủng hộ. Và khi nền điện ảnh đa dạng, rõ ràng thể loại, thì lúc ấy phía được lợi nhiều nhất vẫn là khán giả.
Hiền Hòa