Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu chuyện tìm mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

12:09, 12/09/2015

Dù Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có công định danh vùng đất Trấn Biên trên bản đồ nước Việt mất vào năm 1700 suốt mấy trăm năm qua nhưng không có một tài liệu chính thống nào ghi chép chính xác nơi yên nghỉ của ông. Cho đến năm 1995, mộ Nguyễn Hữu Cảnh nằm ở đâu vẫn còn xếp vào dạng tồn nghi đối với giới nghiên cứu lịch sử.

Dù Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có công định danh vùng đất Trấn Biên trên bản đồ nước Việt mất vào năm 1700 suốt mấy trăm năm qua nhưng không có một tài liệu chính thống nào ghi chép chính xác nơi yên nghỉ của ông. Cho đến năm 1995, mộ Nguyễn Hữu Cảnh nằm ở đâu vẫn còn xếp vào dạng tồn nghi đối với giới nghiên cứu lịch sử.

Tuy trong dòng họ Nguyễn Hữu ở Quảng Bình vẫn truyền khẩu rằng sau khi mất Nguyễn Hữu Cảnh được chôn cất tại Trấn Biên, đến năm 1802 hậu duệ của ông là Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh đã cải táng ông về vùng Thác Ro (xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nhưng trong thực tế ngôi mộ đã thất lạc do chiến tranh, không có dấu tích nên chưa đủ cơ sở khoa học để chứng minh. Vì thế, sau khi đất nước hòa bình, cả dòng họ Nguyễn Hữu vẫn đau đáu tìm kiếm ngôi mộ của ông.

* Hành trình tìm nơi yên nghỉ

Ông Nguyễn Hữu Tiến, người đang thờ phụng Lễ Thành hầu tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) kể trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Thác Ro là khu vực giao tranh rất ác liệt, có lúc cả khu vực này là trận địa pháo nên dân thường khó thể lai vãng. Vì thế, một thời gian dài mộ Lễ Thành hầu không được con cháu khói hương chăm sóc, dẫn đến thất lạc. Sau năm 1975 cha của ông Tiến là Nguyễn Hữu Chương đã nhiều lần trở lại vùng Thác Ro tìm kiếm mộ Lễ Thành hầu, nhưng không tìm được.

 Di tích lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Quảng Bình sau khi được trùng tu, tôn tạo.
Di tích lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Quảng Bình sau khi được trùng tu, tôn tạo.

Trước khi mất vào năm 1985, ông Chương trăn trối lại cho các con: Nguyễn Hữu Miễn, Nguyễn Hữu Sinh và Nguyễn Hữu Tiến, rằng phải tiếp tục thực hiện tâm nguyện của cả dòng họ, tìm cho được mộ Đức ông. Các ông Miễn, Sinh, Tiến cũng nhiều lần phối hợp với Sở Văn hóa tỉnh Quảng Bình tổ chức tìm kiếm. Dòng họ Nguyễn Hữu qua nhiều đời vẫn lưu truyền câu “thiệu” về vị trí mộ của Nguyễn Hữu Cảnh như sau: “Thượng An Mã, hạ đùng đùng, trung trung nhất huyệt” (phía trên là núi An Mã, phía dưới là phá Hạc Hải, chính giữa là phần mộ), 3 anh em của ông Tiến cũng dựa vào chỉ dẫn này để tìm vị trí mộ, nhưng mất bao năm với vô số lần tìm kiếm vẫn chưa tìm ra. Niềm hy vọng ngày càng mong manh, bởi thời gian càng trôi qua tốc độ đô thị hóa càng nhanh, nhà cửa, công trình xây dựng ngày càng nhiều, càng có nguy cơ mất dấu vết ngôi mộ. Thế nhưng, đến ngày 19-5-1995 (âm lịch), đúng vào dịp lễ giỗ thứ 295 của Lễ Thành hầu, ngôi mộ đã được phát hiện một cách khá lạ lùng.

 Việc tìm ra mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ngoài ý nghĩa tâm linh đối với dòng họ Nguyễn Hữu còn có giá trị lịch sử rất lớn đối với giới nghiên cứu khoa học, làm sáng tỏ được nơi chôn cất của vị danh nhân lịch sử, đồng thời khẳng định những tư liệu truyền khẩu dân gian về nơi yên nghỉ của Nguyễn Hữu Cảnh ở Trấn Biên (tại gò Y Lăng, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) là đúng sự thật.

“Trong làng tôi (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) có anh Nguyễn Thuần, là cựu chiến binh thường giúp tìm mộ liệt sĩ. 3 anh em chúng tôi và anh Thuần đã nhiều lần bàn bạc, mong ước tìm cho được mộ Đức ông. Có lẽ vì quá mong ước nên tối hôm trước ngày giỗ, anh Thuần ngủ và nằm mơ thấy một cụ già người to cao, râu tóc bạc trắng, mặc áo xanh, tay cầm thanh kiếm, bên cạnh có hai người khác theo hầu. Cụ già bảo vào sáng sớm dậy đi tìm, sẽ tìm được mộ. Thế là 5 giờ sáng ông Thuần bật dậy, chạy ngay lên nhà tôi, bảo với anh lớn của tôi là Nguyễn Hữu Miễn: “Sáng nay đi tìm mộ Đức ông, sẽ tìm thấy” - ông Tiến nhớ lại.

* Khẳng định sự thật

Dù bán tín bán nghi, nhưng ông Tiến và một người cháu trong nhà quyết định đi cùng ông Thuần, còn ông Miễn và ông Sinh ở nhà tổ chức cúng giỗ Đức ông. Từ nhà, 3 người trên 2 chiếc xe máy chở nhau lên Thác Ro mất khoảng một giờ đồng hồ. Khu vực này là vùng đồi núi, cây cối rất nhiều, những lần tìm kiếm trước mọi người cũng đã quần nát khu vực này, lần này cũng vậy, tìm khoảng hơn một giờ nữa vẫn không thấy gì. Đến khoảng 9 giờ, ông Thuần kêu khát nên đi loanh quanh tìm nước thì gặp một người phụ nữ. Ông Tiến đưa bức ảnh chụp bia mộ Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật - là cha của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, trên bia có viết bằng chữ Hán, và hỏi bà có thấy ngôi mộ nào có tấm bia tương tự.

Thật bất ngờ, người phụ nữ cho biết đã nhìn thấy ngôi mộ có bia viết bằng chữ Hán như thế, nhưng nằm ở khu dân cư cách đó khoảng vài cây số. 3 người đi theo hướng chỉ của người phụ nữ được một quãng, gặp một đứa trẻ đang chăn bò, ông Tiến tiếp tục chìa tấm ảnh ra hỏi thăm. Đứa trẻ cho biết có thấy tấm bia như thế, “thầy Hy” vẫn thường ra đó thắp hương, nhổ cỏ, rồi chỉ đường vào nhà thầy. “Thầy Hy” có tên đầy đủ là Trần Mạc Hy, một thầy giáo về hưu. Cầm tấm ảnh, thầy Hy xác nhận lúc nhỏ đi chăn trâu có nhìn thấy một ngôi mộ cổ viết chữ Hán như trong ảnh, cách nhà thầy chỉ khoảng 800m, nhưng do không đọc được nên không biết mộ ai. Sau này do thấy mộ khói hương lạnh lẽo nên thầy vẫn thường xuyên ra nhổ cỏ, thắp hương. Thầy Hy cũng cho biết, khu vực này trước đây hứng chịu không biết bao nhiêu là bom đạn, dân phải di tản, nhà cửa đều tan nát nhưng kỳ lạ một điều là ngôi mộ vẫn y nguyên, trên bia đá chỉ có vài vết lõm do đạn.

“Khi chúng tôi nhìn thấy, mộ được đắp bằng đất, chỉ còn lại tấm bia đá viết bằng chữ Hán. Nhưng về tổng thể, mộ rất giống như miêu tả của cha tôi và cụ Cậy - một người cao tuổi trong làng đã từng trong đội hộ phu đưa bia đá của ông Nguyễn Hữu Bài về đặt ở phần mộ của Đức ông. Do không đọc được chữ Hán khắc trên bia, nên tôi chỉ chụp lại hình tấm bia, thắp hương van vái xin Đức ông phù hộ cho chúng tôi tìm đúng nơi yên nghỉ của người, rồi ra về. Lúc này, ở nhà (tức đền thờ) cũng vừa lúc anh Miễn và anh Sinh lên đèn làm lễ bái Đức ông. Thật là một sự trùng hợp kỳ lạ. Khi tôi về, báo lại đã tìm được mộ, cả nhà tôi mừng rơi nước mắt. Sự việc sau đó được báo cho Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Bình. Vài hôm sau, đúng lúc GS.Trần Quốc Vượng (nay đã mất) vào Quảng Bình công tác, đã cùng với lãnh đạo Sở tìm đến ngôi mộ đọc những hàng chữ khắc trên bia và xác định đây chính là mộ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh” - ông Tiến kể lại sự việc cách đây đã 20 năm mà giọng vẫn đầy xúc động.

Mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được tìm thấy tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình ngày 19-5-1995 (âm lịch).  Ảnh tư liệu của ông Nguyễn Hữu Tiến
Mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được tìm thấy tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình ngày 19-5-1995 (âm lịch). Ảnh tư liệu của ông Nguyễn Hữu Tiến

Đưa chúng tôi ra lăng mộ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh đã được Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Bình trùng tu, tôn tạo vào năm 2012, ông Tiến cho biết, khu vực mộ đã từng được cố GS.Trần Quốc Vượng nhận xét là có thế “Tả thanh long, hữu bạch hổ, chi huyền thủy”, rất tốt về mặt phong thủy. Trước đây, mộ được đắp đất theo phong tục tập quán của người Trung bộ, đặc biệt là tấm bia bằng đá xanh được đặt úp mặt vào mộ, chứ không tách ra thành nhà bia riêng như hiện nay. Trên bia chạm khắc dòng chữ “Vĩnh An hầu (một tước phong khác của ông) Nguyễn Hữu Cảnh chi mộ” qua bao mưa nắng thời gian vẫn còn rất sắc sảo. Dòng bên phải bia ghi “Nguyễn triều sơ thác Nam tung khai quốc công thần thượng cấp” (Người mở mang phía Nam, Thượng đẳng khai quốc công thần của triều Nguyễn). Dòng bên trái ghi “Gia Long sơ niên, Quý hương nhân kỳ huyền tôn thi Hưng Nghĩa đạo Cai đội Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh” (Năm Gia Long thứ nhất, người cháu ở quý hương, Cai đội đạo Hưng Nghĩa, Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh lập bia mộ). Mặt sau bia ghi “Bảo Đại ngũ niên thất nguyệt thập lục nhật. Hậu duệ Cơ mật viện Viện trưởng đại thần Thái tử Thái phó Võ hiển đại học sĩ Phước Môn bá Nguyễn Hữu Bài, huệ tử Hữu Giải, nữ thị Dương, cung xướng thụ bia cẩn chỉ” (Ngày 16-7 năm Bảo Đại thứ 5, hậu duệ là Viện trưởng Viện Cơ mật đại thần, Thái tử Thái phó đại học sĩ Phước Môn bá Nguyễn Hữu Bài cùng con là Hữu Giải và Thị Dương cung kính ghi lại, dựng bia).

 

Thanh Thúy        

 

 

 

 

Tin xem nhiều