Năm 2011, Phan Minh có phim đầu tay Khoảng lặng (60 phút), ngày 24-12-2014 chào thị trường điện ảnh Việt Nam bằng Tốc độ và đường cong, bây giờ là Trùm cỏ, đủ để gọi anh là đạo diễn.
Năm 2011, Phan Minh có phim đầu tay Khoảng lặng (60 phút), ngày 24-12-2014 chào thị trường điện ảnh Việt Nam bằng Tốc độ và đường cong, bây giờ là Trùm cỏ, đủ để gọi anh là đạo diễn. Anh còn tham gia sản xuất nhiều phim chiếu rạp, như: Lấy chồng người ta, Hiệp sĩ mù (qua Công ty Vi-Phim), đủ để gọi là chuyên nghiệp. Thế nhưng…
Quang Đăng (giữa), chàng vũ công hot-boy từ So you think you can dance chưa đủ sức để vào vai chính trong Trùm cỏ. |
“Vấn đề mà mọi người cho là khó khăn nhất thì với tôi lại thuận lợi. Khi làm kịch bản tôi đã nhờ sự hỗ trợ của Cục Điện ảnh để họ xem trước và phim của tôi không bị cắt một shot nào”. Phan Minh từng trả lời với phóng viên như vậy khi phim Tốc độ và đường cong sắp ra rạp. Thế nhưng đến Trùm cỏ thì phim bị yêu cầu chỉnh sửa một số cảnh và lời thoại bậy, thô lỗ, xúc phạm đến người đồng tính - ngày ra mắt báo chí phải trễ hơn dự kiến.
Không còn lạc đề
Ưu điểm của Phan Minh là hình ảnh phim khá chuyên nghiệp và đẹp mắt, trong Tốc độ và đường cong đã rõ, trong Trùm cỏ càng rõ hơn. Phim mới này có sự xuất hiện David R. Hardberger trong vai trò đạo diễn hình ảnh (D.O.P.). David R. Hardberger là một chuyên gia hơn 40 năm kinh nghiệm tại Hollywood, với nhiều phim bom tấn. Dấu ấn, đóng góp về hình ảnh của David R. Hardberger ở Trùm cỏ thật sắc nét, dù thiếu những sáng tạo đặc biệt. Nhờ ông mà trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã thêm thu hút.
Một ưu điểm khác của Trùm cỏ là đã khắc phục được tình trạng lạc đề trong kịch bản, điều mà Tốc độ và đường cong đã gặp phải. Thế nhưng lại giống nhau về cách kết thúc, đột ngột rẽ sang một tuyến truyện khác, làm khán giả hơi tiếc nuối, bẽ bàng. Tốc độ và đường cong có khoảng 2/3 thời lượng dành cho đua xe, 1/3 còn lại là vụ trả thù chẳng mấy liên quan. Trùm cỏ cũng vậy, 5/6 thời lượng dành cho chuyện bỏ cỏ theo nhạc, 1/6 còn lại là chuyện đột ngột chuyển giới của Uyển Uyển (danh hài Việt Hương thủ vai), một liên quan rất gắng gượng.
Đáng lẽ khi nói đến trùm cỏ thì phim phải phác họa vài nét cho thấy cỏ ở đâu ra, để làm gì, tại sao lại quan trọng và quý giá đến vậy, đằng này bỏ ngỏ hoàn toàn. Trong khi đó lại tô đậm chuyện chơi ma túy cỏ của một nhóm nghệ sĩ bất cần đời, có sự tham gia của Mộc Lâm (Quang Đăng thủ vai chính), dễ làm khán giả hiểu lầm. Đây chưa nói đến những bó cỏ khô dài
30-40 cm ở đầu phim, chẳng biết chúng được trồng từ đâu, trong khi trảng cỏ Bù Lạch - nơi phim chọn làm bối cảnh đồng cỏ - lại đầy loại cỏ kiểu sân gôn, ngắn ngủn.
Các mâu thuẫn cần vượt qua
Đành rằng điện ảnh thì hình ảnh là chủ đạo, thế nhưng chỉ có nó thôi chưa đủ. Xem Trùm cỏ giống như việc một hồng nhan gặp truân chuyên, lạc lối, khiến người chứng kiến càng xót xa, tiếc nuối hơn. Giá như phim này quay hình ảnh thô thô, xấu xấu thì cái yếu về kịch bản đỡ bị xót xa; Tốc độ và đường cong cũng gặp phải tình trạng như vậy. Đây là nột mâu thuẫn mà đạo diễn cần vượt qua: phải cân đối tỷ lệ giữa hình ảnh và nội dung, không thể xem nhẹ kịch bản.
Ngoài vai chính diễn rất tệ, thì Trùm cỏ còn có Việt Hương, Trấn Thành, Thu Trang, Hari Won, Tiến Luật, Tiến Đạt, Hà Hiền, Lệ Rơi, NSƯT Mỹ Uyên… cũng đủ “cứu” khán giả, nhất là ở mảng hài nhảm. Thế nhưng đạo diễn hoàn toàn không theo đuổi riêng mảng hài nhảm, dù kịch bản này có đất và có người để làm điều đó, thành ra phim hơi lạc lối về thể loại. Phim 49 ngày đang chiếu cũng lạc lối như vậy, nhưng nhờ Trường Giang “cứu”, vẫn có đông người xem. Nếu xem phim không vì phim, mà vì các diễn viên thì rất có thể Trùm cỏ sẽ không gặp nhiều khó khăn về chuyện bán vé. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh xác định trọng tâm thể loại và tuyến chính câu chuyện thì với Phan Minh, phim ra rạp vẫn chưa làm nên một đạo diễn thực thụ. Tiếc là tiếc điều đó.
Hiền Hòa