Báo Đồng Nai điện tử
En

Phút dừng chân trong đời của Stephen Hawking

11:09, 15/09/2015

21 tuổi, Stephen Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh lou gehrig, một chứng bệnh về thần kinh vận động, liên quan tới hội chứng teo cơ bên. Bác sĩ cho rằng ông chỉ có thể sống thêm 2-3 năm nữa.

21 tuổi, Stephen Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh lou gehrig, một chứng bệnh về thần kinh vận động, liên quan tới hội chứng teo cơ bên. Bác sĩ cho rằng ông chỉ có thể sống thêm 2-3 năm nữa. Vậy mà ông vẫn bước đi hơn nửa thế kỷ nay, nhận hàng trăm giải thưởng với nhiều tựa sách khoa học vũ trụ lừng danh thế giới. Điều gì đã xảy ra với Hawking để ông bước đến vũ đài vinh quang hôm nay?

Lược sử đời tôi đã được chính Stephen Hawking thuật lại chặng đường không tưởng của mình vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Ở đó không chỉ có đắng cay, vinh quang hay tinh thần vượt lên nghịch cảnh mà còn là một hành trình khoa học nghiêm túc và đầy táo bạo.

Stephen Hawking sinh trưởng trong một gia đình trí thức, có cha là Trưởng khoa vật ký sinh của Viện quốc gia (Anh) về nghiên cứu y học. Nhưng thuở nhỏ việc học của ông đã gặp không ít những trắc trở. Cha ông rất muốn ông vào học Trường Westminster nhưng lại không có khả năng chi trả học phí. Hy vọng vào trường của Stephen đều đặt trong ngày thi tuyển để nhận học bổng hỗ trợ. Nhưng ông đã bị bệnh vào đúng ngày thi hôm ấy. Năm đó, ông vừa tròn 13 tuổi.

Khi còn đi học, Hawking chưa bao giờ đạt được điểm số tốt. Ông luôn nằm trong số 3 vị trí cuối cùng của lớp học. Mặc dù vậy, bạn bè trong lớp vẫn đặt cho ông biệt danh là “Einstien”. Ông phát triển rất sớm về sở thích khoa học và đặc biệt muốn thi vào đại học chuyên về toán. Một lần nữa chiều theo ý cha mình, ông đã thi vào Đại học Oxford. Nhưng lúc đó, Oxford chưa có chuyên ngành toán, nên ông đã chọn vật lý học thay thế. Tại đây, ông đã bắt đầu khẳng định sự vượt trội của mình bằng khả năng học kinh ngạc...

Dưới ảnh hưởng của Định lý về kỳ dị không - thời gian trong tâm các hố đen của Roger Penrose, Stephen Hawking đã viết luận án của mình trên cơ sở áp dụng lý thuyết đó với quy mô cho toàn thể vũ trụ. Tháng 3-1966, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ này, sau 3 năm mắc chứng bệnh teo cơ bên. Có thể thấy, tình yêu khoa học cuồng nhiệt của ông đã kéo lê thể xác ông, buộc ông phải tiếp tục sống để phụng sự cho khoa học.

Lược sử đời tôi đã ghi nhận lại những nỗ lực phi thường ấy trong suốt con đường học tập của ông. Miệt mài nghiên cứu và sáng tạo không ngừng đã đưa ông đến những chân trời đầy thách thức của khoa học. Ông đã tâm sự rất chân thành trong quyển sách hơn tầm 100 trang giấy này: “Mục tiêu của đời tôi rất đơn giản. Tôi chỉ muốn thấu hiểu hoàn toàn về vũ trụ, những sự việc xảy ra xung quanh nó và tại sao vũ trụ lại tồn tại”.

Bên cạnh đó, Stephen Hawking cũng không thể giấu sự phấn khích và niềm tự hào lớn lao khi nói về ngày sinh của mình trong tập sách. Ông sinh đúng 300 năm sau ngày mất của nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 17, Galileo Galilei (8-1-1642, Hawking sinh ngày 8-1-1942). Cả Hawking và Galilei đều phải chịu đựng những nghịch cảnh của cuộc đời mình. Họ đều đi giữa lằn ranh của cái chết và tình yêu khoa học mạnh mẽ.

Lược sử đời tôi được bán trên 10 triệu bản và dịch ra trên 40 thứ tiếng, một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử khoa học. Nhưng ít ai biết rằng, đây không phải là quyển sách đầu tiên của ông. Theo ghi nhận của quyển Lược sử đời tôi, cuốn sách đầu tiên của Hawking có tên Cấu trúc vĩ mô của không - thời  gian ra đời vào năm 1973. Quyển sách này đã giúp ông trở nên nổi tiếng toàn thế giới, vì ông đã chứng minh rằng lỗ đen phát ra một dạng bức xạ, và nó đã được gọi tên là bức xạ Hawking.

Ở độ tuổi 73 này, Stephen Hawking đã đi được một quãng đường khá dài trong cuộc đời khoa học của mình. Lược sử đời tôi như một phút dừng chân, để ông nhìn lại con đường ấy, bằng tất cả bộc bạch của mình. Ông đã sống, cống hiến và truyền cảm hứng về khoa học cho nhân loại bằng sự phấn đầu bền bỉ hiếm có của một tinh thần mạnh mẽ và chân thật.

Phan Nhật Anh

 

x

Tin xem nhiều