Khi màn đêm buông xuống, cùng với sự ồn ào, náo nhiệt của tiếng nói cười nơi hàng quán ở TP.Biên Hòa, đâu đó lại vang lên tiếng nhạc cùng lời ca của những người hành nghề hát dạo.
Khi màn đêm buông xuống, cùng với sự ồn ào, náo nhiệt của tiếng nói cười nơi hàng quán ở TP.Biên Hòa, đâu đó lại vang lên tiếng nhạc cùng lời ca của những người hành nghề hát dạo.
Đó là công việc của những “kiếp cầm ca” về đêm, chuyên rong ruổi hết nơi này đến nơi khác để tìm kế sinh nhai.
* Kiếm tiền chân chính
Vừa nhận 10 ngàn đồng “ủng hộ” từ việc bán 2 cây kẹo kéo cho khách sau khi hát hết 3 bài hát dưới trời mưa lất phất tại một quán nướng xiên que trên đường Chu Văn An, Văn Phong (20 tuổi, quê tỉnh Ninh Thuận, hiện ở trọ tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) “than”: “Đi hát từ 6 giờ tối từ Vĩnh Cửu đến Biên Hòa đã gần 3 tiếng đồng hồ rồi mà mới được khán giả ủng hộ có 12 cây kẹo kéo. Tối nay lại thất thu nữa rồi”. Thế mới biết, dù có hát miệt mài nhưng những ca sĩ đường phố này không hề được tự quyết về thù lao mà hoàn toàn trông chờ vào sự hảo tâm của thực khách.
Văn Phong (đứng, quê tỉnh Ninh Thuận) mời thực khách mua kẹo sau khi hát xong một bài hát. |
Ngoài một chút năng khiếu ca hát, sự tự tin cùng lòng kiên nhẫn mời khách mua kẹo thì 2 vật “bất ly thân” đối với những người hát dạo chính là chiếc loa di động (được gắn trên yên xe gắn máy) và một chiếc micro. “Xe máy thì cha mẹ ngoài quê gửi vào để em có phương tiện đi học nên em tận dụng để đi làm. Còn như cái loa, micro, bình ắcquy là do tiền em tích cóp trong ăn uống hàng ngày, mượn thêm từ bạn bè chút ít để mua sắm. Ban đầu mới đi hát thì run và xấu hổ lắm vì thấy người ra cứ đứng nhìn mình chằm chằm, rồi sợ hát bị chê dở nhưng dần dần rồi cũng quen” - Phương Thúy (19 tuổi, quê tỉnh Gia Lai) sinh viên một trường trung cấp nghề tại Đồng Nai, cho hay.
Còn theo Văn Phong: “Tuy việc hát dạo có vất vả vì di chuyển liên tục, hát hò suốt đêm nhưng thu nhập mỗi đêm cũng khá so với những việc làm theo về đêm khác, như: phụ quán nhậu, quán cà phê. Đêm nào được khách ủng hộ, em cũng kiếm được hơn 200 ngàn đồng, còn ít thì cũng được 100 hay 80 ngàn đồng. Số tiền này cộng với thu nhập từ việc phụ hồ vào ban ngày cũng giúp cuộc sống bớt khó khăn, thiếu thốn. Nếu chịu khó tích cóp thì mỗi tháng cũng gửi về quê được 1 triệu đồng để phụ mẹ nuôi 3 em đi học”.
* Buồn không ít
Tuy gương mặt lúc nào cũng vui tươi mời chào khách mua kẹo, lời ca ngọt ngào cất lên câu hát để phục vụ mọi người, nhưng ẩn sau đó là những câu chuyện nghề muôn màu của nghề hát dạo.
Gắn với nghề hát dạo mưu sinh đã gần 4 năm nay, hàng đêm chàng trai khuyết tật Huỳnh Nguyễn Hoàng Ân (24 tuổi, ngụ KP.Bình Dương, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) vẫn đều đặn rong ruổi hết quán này đến quán khác để hát phục vụ thực khách. “Có khách thấy em chỉ có một chân nên thương tình mua kẹo ủng hộ ngay sau khi em đến mời, nhưng cũng có không ít người thấy hình dạng em như vậy thì cười cợt, chọc ghẹo, sờ nắn vào ống quần xem em bị tật thật hay giả, rồi còn bắt uống bia mới chịu mua giúp 2 cây kẹo kéo 10 ngàn đồng. Nhiều lúc thấy tủi thân nhưng làm việc này là vậy” - Hoàng Ân nói.
“Hát dạo cũng là một cách kiếm tiền chân chính và nghiêm túc như những nghề khác. Tuy vậy, cũng có rất nhiều người không thích nghề của bọn em vì nó gây ồn ào. Có người còn đánh giá những nữ hát dạo như chúng em thiếu đứng đắn, sẵn sàng ăn mặc sexy để hút khách, khiến chúng em rất buồn” - Phương Thúy chia sẻ. |
Còn Nguyễn Dân (25 tuổi, quê tỉnh Ninh Thuận) cho hay ngán nhất là những khách say. Họ đòi cầm micro tự hát, hát xong không những không mua kẹo mà còn quay sang chửi bới. Những lúc như thế, Dân không dám phản ứng mà chỉ lẳng lặng xin lỗi rồi đi quán khác, vì nếu làm ồn ào sẽ bị chủ quán đuổi ra ngoài và lần sau không cho vào hát nữa.
Với người hát rong là nam đã vậy, phận nữ làm nghề này cũng không ít lần phải đối mặt với nguy cơ bị cợt nhả, kéo tay, khoác vai… Vì thế mà đa phần các bạn nữ đều giấu nhẹm với gia đình về việc làm thêm của mình để người thân không phải lo lắng. Như chia sẻ của Thúy Ngân (quê tỉnh Trà Vinh): “Năm vừa rồi về quê ăn tết, thấy em có tiền mua quà cho mọi người trong gia đình nên mẹ có hỏi em lấy tiền đâu ra, em nói mình đi hát dạo vào ban đêm. Thế là bị cha mẹ mắng, bắt không được làm nữa vì sợ con gái đi lại đêm hôm không an toàn, sợ bị kẻ xấu dụ dỗ, sợ mang tiếng với hàng xóm láng giềng…”.
Văn Truyên