Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

11:10, 02/10/2015

Đó là tên của bộ phim chuyển thể từ tập truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Từ sách đến phim khi ra mắt đều được giới truyền thông và công chúng dành cho sự quan tâm đặc biệt…

 

Đó là tên của bộ phim chuyển thể từ tập truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Từ sách đến phim khi ra mắt đều được giới truyền thông và công chúng dành cho sự quan tâm đặc biệt…

Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng  trên cỏ xanh.
Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Nói đặc biệt là bởi năm 2010, tập sách Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã lập kỷ lục xuất bản khi Nhà xuất bản Trẻ ngay trong ngày đầu tiên giới thiệu đã quyết định tái bản. Trong vòng 5 năm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã đạt gần 20 ngàn bản và lọt vào tốp danh sách những quyển sách bán chạy nhất tháng 5 và tháng 6-2015.

Và bởi đầu năm 2015, công chúng ngạc nhiên và hoài nghi khi Victor Vũ - một đạo diễn được biết đến qua dòng phim hồi hộp kinh dị hoặc đẫm máu, showbiz (như: Giao lộ định mệnh, Thiên mệnh anh hùng, Quả tim máu, Scandal…) lại khởi động dự án với đề tài tâm lý liên quan đến thiếu nhi. Và bởi vài tháng trước, khi trailer phim xuất hiện trên mạng đã tạo ra cơn sốt khi thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và chia sẻ. Và từ trailer này đã có những luồng ý kiến, có xôn xao, có háo hức, có chờ đợi, kỳ vọng xen lẫn hoài nghi về Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Bởi việc phim chuyển thể từ một tác phẩm văn học thành công luôn là một thách thức và chắc chắc sẽ bị “soi” nhiều.

Và ở phim, đạo diễn Victor Vũ đã đủ tỉnh táo khi giữ gần như trọn vẹn nguyên tác câu chuyện từ sách mà Nguyễn Nhật Ánh đã kể bằng sự nhẹ nhàng, mộc mạc xen lẫn ngậm ngùi, thương xót. Có khác chăng là 81 câu chuyện nhỏ, ở sách như một tập “nhật ký” của những nhân vật chính gồm 2 cậu nhóc Thiều, Tường và cô bé Mận với những sự việc nho nhỏ đã được đạo diễn kể lại trong phim thật chỉnh chu, mạch lạc. Đó là câu chuyện kể về tuổi thơ, hay đúng hơn là câu chuyện của từng số phận ở một miền quê nghèo khó. Ở đó có đầy đủ những bí mật hồn nhiên vô tư, những trò đánh nhau bêu đầu sứt trán của trẻ con, những cảm xúc trong trẻo, ngọt ngào của tuổi bắt đầu lớn, kể cả những đau khổ dằn vặt, ăn năn của trẻ con lẫn người lớn.

Ở đó có cậu bé Tường dường như sinh ra để như nhường nhịn và chia sẻ, luôn mang hạnh phúc đến cho người khác. Trong khi Thiều, anh trai cậu dù rất thương em trai nhưng luôn làm em mình đau đớn, tổn thương vì tính ích kỷ, nóng vội, hẹp hòi. Có cô bé Mận trong sáng, hồn nhiên và nỗi đau khoắc khoải về người cha bạo bệnh trốn nhà ra đi vì không muốn vợ con mình khổ. Có ông Tám Tàng giả điên làm vua vì đứa con gái tâm thần luôn nghĩ mình là công chúa. Và ở đó còn có tình làng nghĩa xóm, tình bạn bè…

Có thể nói, sức hấp dẫn gần như tuyệt đối của tập truyện dài này khiến việc tái hiện nó bằng điện ảnh có lẽ là điều không dễ. Cái hay là ê kíp làm phim đã chọn cách kể mà như không kể, không cần“tô son dặm phấn” bởi những kỹ xảo, không cần đến những tình tiết bất ngờ, những thắt mở, kịch tính. Có chăng là những mộc mạc làng quê, phiên chợ nghèo, cánh đồng xanh mướt, ngôi trường cũ kỹ, những đêm sáng trăng, những trò chơi đồng dao ngày bé… khơi gợi những ký ức vụn vặt về một tuổi thơ miền quê mà của những thế hệ 7X, 8X trở về trước.

Và có lẽ, giữa quá nhiều những phim về đề tài lịch sử, chiến tranh, về những cảnh đâm chém rùng rợn, về những kiều nữ và đại gia, về những mối tình thấm đẫm máu và nước mắt... thì Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh như một quả chuông nhỏ rung lên những cảm xúc trong trẻo đến nao lòng.

Bùi Nguyễn

Tin xem nhiều