Báo Đồng Nai điện tử
En

Người nặng nợ với văn hóa Đồng Nai

12:11, 14/11/2015

PGS.TS Diệp Đình Hoa - chuyên gia nghiên cứu về văn hóa làng của Việt Nam là một trong những người gắn bó với Đồng Nai trong thời gian dài, biên soạn các công trình nghiên cứu về vùng đất này, như: Làng Bến Gỗ xưa và nay, Làng Bến Cá xưa và nay, Hố Nai - từ làng lên ph...

PGS.TS Diệp Đình Hoa - chuyên gia nghiên cứu về văn hóa làng của Việt Nam là một trong những người gắn bó với Đồng Nai trong thời gian dài, biên soạn các công trình nghiên cứu về vùng đất này, như: Làng Bến Gỗ xưa và nay, Làng Bến Cá xưa và nay, Hố Nai - từ làng lên ph... Được tin PGS. TS Diệp Đình Hoa mất tại Hà Nội vào ngày 9-11, hưởng thọ 84 tuổi, chúng tôi ghi chép lại những kỷ niệm với ông về vùng đất này như một lời tri ân một con người “nặng nợ” với văn hóa Đồng Nai.

Những biến chuyển của lịch sử cùng với nét độc đáo của sự đa dạng tộc người của vùng đất Đồng Nai đã cuốn hút các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Từ sau năm 1975, nhiều nhà khoa học trong nước đã tìm đến, “khai quật” và phát lộ ra những tư liệu lý thú, phản ánh những bước phát triển tại Đồng Nai.  PGS.TS Diệp Đình Hoa đến với Đồng Nai bằng những chuyến điền dã của vùng quê Bến Gỗ, Bến Cá và thị tứ Hố Nai. Những địa điểm này đã in đậm dấu chân của một ông “giáo sư tóc bạc trắng” “lang thang” tận hang cùng ngõ hẻm để sưu tầm tư liệu.

Khi đến với người dân địa phương, ông thực hiện chính sách “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với tư cách người trong cuộc, quan sát, tham dự và thu thập tư liệu một cách chân thật. Nhiều nơi,  ông được người dân mến gọi thân quen “ông Thầy” bởi sự giản dị nhưng thân thiết qua tiếp xúc. Những địa danh, đình làng, con rạch, bia mộ cổ, liễn đối, hoành phi… ở các địa điểm chọn điền dã, ít khi nào ông bỏ sót mà tìm hiểu đến tận cùng với phương pháp tra cứu tỉ mỉ, nghe tiếng nói giải thích của người dân… Vì thế, người dân như “rút ruột” mà cung cấp tư liệu, góp phần cho đề tài được biên soạn chi tiết, sinh động trên nhiều lĩnh vực thuộc về văn hóa làng - một trong những kết cấu cơ sở bền vững trong lịch sử phát triển của đất nước, mang tính phổ quát và cả đặc thù của vùng miền trong văn hóa của làng Việt.

Trong những công trình nghiên cứu của ông về Đồng Nai, có 2 công trình đã công bố: Làng Bến G xưa và nay, Làng Bến Cá xưa và nay. Riêng H Nai - t làng lên ph chưa xuất bản được, hiện lưu tại Bảo tàng Đồng Nai. Sách Làng Bến Cá xưa và nay được xuất bản trong dịp Đồng Nai chào mừng kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển để lại dấu ấn độc đáo. Đó là “sự tái hiện diện mạo của làng Bến Cá qua các thời kỳ, trong các mối quan hệ hiện thực, ở nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… Các trang viết mang tính nhật ký điền dã khiến số liệu và những lập luận nồng đượm hơi thở của cuộc sống, gợi mở nhiều vấn đề,… mang nét đặc trưng của làng quê Nam bộ nhưng có đường dây máu thịt với làng xã Việt Nam, có nét riêng mà không lạ; nhiều hiện tượng đã mất liên lạc trong ký ức người thời nay nhưng được lý giải hợp lý khi so sánh đối chứng với nhiều nơi khác” (PGS.TS Huỳnh Văn Tới).

Chúng tôi, những người cùng trong các đợt nghiên cứu với ông, có những dịp trở lại với vùng quê trước đây, người dân hay nhắc đến “ông Thầy Hoa tóc bạc”, hỏi thăm ông có khỏe không, bao giờ ông ghé lại. Những người nghiên cứu văn hóa ở Đồng Nai may mắn được cùng ông trong những chuyến đi nghiên cứu thực địa, học tập được nhiều kinh nghiệm. Đi điền dã với ông mới học được nhiều điều, mới vỡ lẽ ra khi thực tế phương pháp và sự linh hoạt khi sưu tầm tư liệu, biết ứng xử với người cung cấp thông tin, công bố thông tin... Khi không còn đến Đồng Nai công tác, ông vẫn nhớ những ngày trọng đại của các gia đình quen thân qua chuyến nghiên cứu và luôn nhắc “học trò” đến thăm khi gia đình có việc. Cách ứng xử nhân văn đó là những bài học quý cho chúng tôi sau này trong quá trình công tác: bài học trong cách ứng xử.

Giờ đây, PGS.TS Diệp Đình Hoa đã đi xa. Những công trình của ông nghiên cứu về Đồng Nai vẫn còn đó, đã góp phần làm rõ những sắc thái của vùng đất đa dạng tộc người, phong phú về văn hóa. Những địa điểm Bến Gỗ, Bến Cá, Hố Nai vẫn luôn ghi dấu hình bóng của “ông thầy” với túi dây rút, quyển vở và cây bút bi ghi chép miệt mài khi gặp người dân ở nhà, quán  nước, bên vệ đường, các ngõ hẻm… Cùng với nhiều công trình nghiên cứu, sách đã xuất bản về văn hóa làng Việt trên khắp miền quê của đất nước; đặc biệt, có đến 3 tác phẩm về Đồng Nai mà lắm lúc, ông nói là “có duyên, có nợ” với vùng đất này. Ông đã “nặng nợ” với văn hóa Đồng Nai bằng tâm huyết và những công trình nghiên cứu có giá trị khoa học.

Phan Đình Dũng

 

Tin xem nhiều