Trong chuyến công tác tại Đồng Nai mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh nhận xét: "Công tác bảo tồn, trùng tu tôn tạo di tích được lãnh đạo, nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện rất tốt. Nhưng việc phát huy giá trị di tích để đem lại lợi ích kinh tế nhằm giúp cho cơ quan quản lý chủ động về kinh phí trong các hoạt động bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng công trình phụ… còn nhiều hạn chế".
Trong chuyến công tác tại Đồng Nai mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh nhận xét: “Công tác bảo tồn, trùng tu tôn tạo di tích được lãnh đạo, nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện rất tốt. Nhưng việc phát huy giá trị di tích để đem lại lợi ích kinh tế nhằm giúp cho cơ quan quản lý chủ động về kinh phí trong các hoạt động bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng công trình phụ… còn nhiều hạn chế”.
Một nhóm du khách người Nhật cùng đại diện Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai nghe giới thiệu về Di tích cấp quốc gia đặc biệt Danh thắng Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú) trong đợt giới thiệu tiềm năng du lịch và các dự án du lịch mời gọi đầu tư tuyến Định Quán - Tân Phú, do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai tổ chức vào tháng 10-2015. |
Do vậy, việc khai thác tiềm năng sẵn có ở các di tích để vừa làm lợi cho di tích, vừa mang lại nguồn thu cho địa phương là việc làm hết sức cần thiết.
* Tiềm năng còn ngủ yên
Theo thống kê của Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh, hiện toàn tỉnh có 50 di tích danh lam thắng cảnh, văn hóa lịch sử được xếp hạng, và hàng ngàn di tích phổ thông. Trong đó, rất nhiều di tích được nhà nước và nhân dân đầu tư hàng tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo về kiến trúc, cảnh quan nhưng việc phát triển dịch vụ ở những nơi này chưa được quan tâm thực hiện. Việc phát triển dịch vụ tại các di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh được ví như một cô gái đẹp đang ngủ quên chờ được đánh thức.
Theo Tổng thư ký Hội sử học Đồng Nai Trần Quang Toại, có một thực tế là việc giữ gìn, tôn tạo phát huy giá trị di tích đang mâu thuẫn với tốc độ phát triển xã hội. Bởi phần đông người dân và các cơ quan quản lý nhà nước đều cho rằng di tích là nơi lưu giữ, bảo tồn tinh hoa văn hóa, lịch sử, do vậy mà không nên tổ chức các hoạt động kinh doanh. Chính cách nhìn nhận này đã làm cho phần lớn di tích của tỉnh bị lãng phí đáng tiếc. |
Theo bà Vũ Thị Minh Phương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh, số lượng, loại hình di tích ở Đồng Nai là một thế mạnh rất lớn để lôi kéo khách du lịch, góp phần phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh nhà. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài di tích, như: di tích cấp quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia núi Chứa Chan, di tích cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa, di tích cấp quốc gia Khu danh thắng Bửu Long... có một số ít dịch vụ đáp ứng nhu cầu tối thiểu về nghỉ ngơi, mua sắm, còn lại thì hầu như không còn nơi nào có dịch vụ đi kèm.
Không có dịch vụ đi kèm nên khách đến tham quan chớp nhoáng trong thời gian ngắn rồi ra về, còn đơn vị quản lý di tích mặc dù phải bố trí người bảo vệ, dọn vệ sinh hàng ngày, trông giữ xe khi khách đến… nhưng tiền thu được chẳng đáng là bao. “Trong khi đó, nếu nhìn các tỉnh, thành xung quanh Đồng Nai thì việc phát triển dịch vụ tại di tích mang lại nguồn thu rất lớn từ tiền vé vào cổng đến buôn bán các sản phẩm” - Tổng thư ký Hội sử học Đồng Nai Trần Quang Toại nhận xét.
*Cần bước chuyển mình
Ông Yoji Horio, Tổng giám đốc Công ty phát triển Khu công nghiệp Loteco, trong chuyến khảo sát cùng Sở Văn hóa - thể thao và du lịch về tiềm năng phát triển du lịch vào tháng 10 vừa qua, bày tỏ thắng cảnh Đồng Nai rất đẹp; kiến trúc, giá trị văn hóa lịch sử ở các di tích rất hấp dẫn, nhưng đi một vòng chưa hết 20 phút là xem xong, cầm tiền theo muốn mua quà lưu niệm không có, đi mỏi chân muốn tìm chỗ nghỉ chân giải khát cũng không ra. Có danh lam thắng cảnh rất đẹp nhưng đường giao thông dẫn vào khu vực chưa có, sóng điện thoại, điện, nước sinh hoạt cũng chưa được đầu tư. Có lẽ vì vậy mà mặc dù người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Đồng Nai rất nhiều nhưng nếu chọn điểm tham quan du lịch thì họ sẽ chọn những địa phương khác.
Du khách đến tham quan mua sắm hàng thổ cẩm tại di tích cấp quốc gia đặc biệt Danh thắng Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú). Đây là một trong số ít di tích trong tỉnh có hoạt động dịch vụ. |
Từ chia sẻ của khách du lịch nước ngoài, có thể thấy rằng dịch vụ tại các di tích là điểm yếu trong việc kéo khách du lịch đến tham quan. Nhưng để làm được điều này thì rõ ràng phải có sự định hướng chung, chứ không thể theo kiểu mạnh ai nấy làm và nếu có làm cũng không biết bắt đầu từ đâu. Như chia sẻ của ông Ngô Chơn Thuận, Trưởng ban quý tế đình Dầu Giây (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất): “Diện tích đình Dầu Giây rất rộng, ban quý tế cũng như bà con trong khu vực rất muốn di tích có thêm dịch vụ để người đến tham quan đều có chỗ để nghỉ chân, giải khát hay mua một vài sản phẩm là thế mạnh của địa phương, như: đồ lưu niệm, trái cây… nhưng ban quý tế không biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào”.
Bà Vũ Thị Minh Phương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh, cho biết nếu muốn thu vé vào cổng di tích, danh làm thắng cảnh thì ngoài di tích, thắng cảnh hiện hữu cần có thêm các hoạt động trưng bày, triển lãm, khu vui chơi cho trẻ em, lưu trú, khu trưng bày và bán các sản phẩm là đặc sản của địa phương. Thêm vào đó, đường giao thông, viễn thông cần được kết nối để thuận tiện cho du khách đến tham quan, đảm bảo an ninh trật tự, tránh tình trạng chèo kéo khách… Để làm được điều này cần có một nhạc trưởng cầm trịch. |
Có thể thấy từ nhu cầu của du khách cũng như mong muốn của ban quý tế, ban quản lý các đình, cơ quan chuyên môn thì việc phát triển dịch vụ trong di tích cần sớm được hiện thực. Nhất là trong bối cảnh cuối năm nay khi Cộng đồng kinh tế ASEAN và xa hơn là TPP có hiệu lực thì việc tạo ra các loại hình dịch vụ trong di tích sẽ là một trong những yếu tố góp phần hút khách du lịch, quảng bá giá trị di sản văn hóa Việt. Đồng thời, tạo ra nguồn thu cho ngân sách và quan trọng hơn là góp phần nâng cao chất lượng của du lịch Việt khi mà du lịch của ta đang dần bị Lào, Campuchia bỏ xa.
“Đừng để người Việt đến tham quan di tích ở nước ngoài phải mất phí vào cổng, mua sắm; còn du khách nước ngoài đến tham quan di tích, thắng cảnh tại Đồng Nai thì chúng ta không thu được nguồn lợi nào, trái lại còn phải bỏ ngân sách Nhà nước ra trùng tu, tôn tạo, vệ sinh, bảo vệ…” - ông Trần Quang Toại nhấn mạnh.
“Nhiều học sinh, sinh viên hỏi về chỗ mua nước uống, quà lưu niệm bày bán ở đâu trong di tích, chúng tôi trả lời không có. Vừa trả lời vừa ngượng với các cháu vì cứ nhìn di tích ở các nơi khác mà tôi có dịp đi tham quan, như: Nhà công tử Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Cù lao Ông Hổ (tỉnh An Giang)… dù chỉ là những di tích có quy mô nhỏ nhưng dịch vụ từ ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi, mua sắm không thiếu thứ gì” - ông Nguyễn Văn Khai, Trưởng ban quý tế đình An Hòa (TP.Biên Hòa), nói. |
Văn Truyên