Trong chuyến hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục khó khăn do lũ lụt vừa qua, có một đoàn cứu trợ vừa đến xã đã hùng hổ nói "chém đinh chặt sắt": "Tôi yêu cầu những người được chúng tôi cho quà hôm nay phải là những người nghèo thực sự, chứ vớ vẩn là không xong với tôi đâu...
1. Trong chuyến hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục khó khăn do lũ lụt vừa qua, có một đoàn cứu trợ vừa đến xã đã hùng hổ nói “chém đinh chặt sắt”: “Tôi yêu cầu những người được chúng tôi cho quà hôm nay phải là những người nghèo thực sự, chứ vớ vẩn là không xong với tôi đâu. Các anh phải đưa chúng tôi đến tận nhà, tôi thấy nghèo thật sự thì mới phát quà, nhé. Còn không, tôi chở quà đi nơi khác”. Ông Bí thư Đảng ủy xã nhỏ nhẹ trình bày: những người nhận quà hôm nay là thuộc hộ nghèo, khó khăn do ảnh hưởng lũ lụt, đã qua bình chọn của bà con trong thôn. Đoàn muốn xuống tận nhà để trao quà là không thể, vì có nhiều nhà rất xa điểm trao quà, đường thôn nhỏ hẹp xe lớn không đi được. Vả lại, trao 400 phần quà mà đi kiểu đấy thì bao giờ mới trao xong?”.
Một đoàn cứu trợ khác, trong khi người dân đang tập trung nghe ông Chủ tịch UBND xã bày tỏ lòng cảm ơn những tấm lòng nhường cơm sẻ áo với người dân vùng lũ, đột nhiên có một người trong đoàn rút ra xấp tiền 100 ngàn đồng và phát cho một số người xung quanh. Thế là dòng người đang ổn định bỗng trở nên nhốn nháo, chen lấn, giành giật nhau để được nhận khoản tiền “từ trên trời rơi xuống”. Tiền có hạn, người lại đông, người không được quay sang so bì với người được nhận, phải vất vả lắm mới ổn định được tình hình. Bị góp ý, “nhà từ thiện đột xuất” tỉnh bơ: “Tiền của tôi, tôi muốn cho ai là quyền của tôi”.
Ông bà ta thường nói: “Của cho không bằng cách cho”. Làm từ thiện kiểu đó là làm vì mình hay vì người dân?
2. Khi ông Chủ tịch UBND xã thông báo mỗi phần quà gồm nhu yếu phẩm và 500 ngàn đồng tiền mặt, bà con đang túm tụm ở sân xã chờ nhận quà hỗ trợ xôn xao ồ lên, bởi khoản hỗ trợ cao hơn hẳn các đoàn trước đó. Khi đoàn trao được gần phân nửa số quà, bỗng có người “phát hiện” ông trưởng thôn đang thu lại phong bì tiền của một số bà con vừa nhận. Thế là “bão” nổi lên ở địa phương vừa vượt qua cơn lũ. Ông trưởng thôn bị nắm tay lôi tuột vào trụ sở Công an xã gần đó như kẻ cắp, phóng viên báo, đài đi theo liên tục quay phim, chụp ảnh, bị vài người trong đoàn “tổng xỉ vả” chỉ biết nhận sai, nhận khuyết điểm với vẻ mặt thật tội nghiệp. Sau đó, phong bì được trả lại cho dân, đoàn cứu trợ đắc thắng rời đi vì đã chặn đứng được một vụ “tiêu cực”.
Thế nhưng, một trong số người dân đã nộp phong bì cho ông trưởng thôn ái ngại nói: “Bác ấy chả sướng ích gì đâu. Thôn chúng tôi có hơn 150 nhà thuộc diện cần hỗ trợ, đợt đầu tiên chỉ có 50 nhà được nhận. Ai nấy thống nhất phải ưu tiên cho những nhà khó khăn nhất. Thế nhưng, đợt ấy có lẽ vì quá khẩn cấp nên quà chỉ có thùng mì gói và 100 ngàn đồng. Đến đợt thứ 2, lại cũng chỉ có 50 nhà trong diện bớt khó hơn được nhận, nhưng quà lần này ngoài mì gói còn thêm chục ký gạo và 200 ngàn đồng. Rồi đến đợt thứ 3 là 50 nhà còn lại nhưng quà lại tăng, ngoài mì gói, gạo, bột ngọt thì tiền lên đến 500 ngàn đồng. Tính ra, hộ khó khăn nhất lại nhận được ít nhất, thế là có ý kiến khiếu nại. Thôn chúng tôi họp lại, đa số đồng ý các hộ nhận nhiều tiền sẽ nộp lại phong bì để chia thêm cho các hộ nhận trước đó, cho công bằng. Tất nhiên không phải 100% đều đồng ý, thế là cũng có người nói ra nói vào, lại khiếu nại, thành ra xích mích. Bác trưởng thôn thu lại tiền cứu trợ là có nhưng chả phải cho mình…”.
3. Lâu nay, sau mỗi đợt cứu trợ các phương tiện truyền thông thường “phát hiện” một vài vụ tiêu cực. Nếu bình tĩnh tổng kết, sẽ thấy số vụ tiêu cực chiếm rất nhỏ trong tổng thể chung. Thế nhưng, hậu quả là khá nhiều tổ chức, cá nhân đã mất niềm tin vào hệ thống chính quyền, đoàn thể. Từ đó, xảy ra tình trạng nhiều đoàn từ thiện thành lập tự phát và trực tiếp đến trao quà hỗ trợ cho dân theo “kênh” riêng, không thông qua chính quyền địa phương. Điều này dẫn đến địa phương không quản lý được, đồng thời việc so bì, tranh chấp giữa các hộ dân là không tránh khỏi. “Chúng tôi ở đây từ bao đời nay, tình làng nghĩa xóm bền chặt, ngay cả lúc khó khăn hoạn nạn như bão, lũ cũng tương trợ lẫn nhau. Thế nhưng đến lúc được cứu trợ thì lại xảy ra so bì, xích mích chỉ vì không được phân bổ đồng đều. Cũng không thể trách người dân, Bác Hồ từng nói: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Các đoàn cứu trợ đến rồi đi, chỉ có người dân ở lại đối mặt với nhau như thế nào sau những vụ khiếu nại, mất mát tình cảm?” - một người dân vùng lũ thở than, tâm sự.
Ong mật