Dựng tượng và tổ chức các hoạt động kỷ niệm hướng đến ngày sinh, ngày mất của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và đặt tên cho con đường, trường học... là những việc làm cụ thể được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai thực hiện để thể hiện tình cảm đối với nhà thơ - chiến sĩ...
Dựng tượng và tổ chức các hoạt động kỷ niệm hướng đến ngày sinh, ngày mất của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và đặt tên cho con đường, trường học... là những việc làm cụ thể được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai thực hiện để thể hiện tình cảm đối với nhà thơ - chiến sĩ mà tên tuổi đã trở thành huyền thoại.
Học sinh Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) và Trường THCS - THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) dâng hương lên Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ tại Nhà lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). ảnh: V.Truyên |
Những địa chỉ về nguồn
Tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các danh tướng của Quân giải phóng miền Nam (Công viên Nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu), tượng của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Khu bộ trưởng Khu 7 được đặt trong nhà thờ cùng 4 vị tướng quân sự kiệt xuất của dân tộc là: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh lực lượng vũ trang miền Nam, Tư lệnh Quân khu 7; Trung tướng Nguyễn Bình, nguyên Khu bộ trưởng Khu 7, Tư lệnh quân sự Nam bộ; Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, nguyên Phó tư lệnh lực lượng vũ trang miền. Sự sắp xếp này đủ nói lên tầm vóc của Thi tướng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đó còn là tấm lòng của những người dân Đồng Nai dành cho người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã gắn bó với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng cán bộ, công nhân viên Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, Hội quán Trấn Biên dâng hương lên Thi tướng tại Công viên Vườn tượng Danh nhân (Văn miếu Trấn Biên, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa). (ảnh: Tuấn Tú) |
Còn tại Văn miếu Trấn Biên, vào năm 2014 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ, bức phù điêu của ông cũng được hoàn thành. Tác phẩm có chiều cao hơn 3m, được tạc từ chất liệu đá xanh nguyên khối có trọng lượng gần 10 tấn. Đây cũng là tượng thứ 2 được khởi công xây dựng và đặt tại Công viên Vườn tượng danh nhân sau tượng của vua Lý Thái Tổ. Toàn bộ kinh phí để thực hiện 2 công trình ý nghĩa này đều từ nguồn xã hội hóa do các doanh nghiệp trong tỉnh ủng hộ. Từ thời điểm tượng được yên vị đến nay, người dân mỗi khi đến với Văn miếu Trấn Biên, Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các danh tướng của Quân giải phóng miền Nam đều dành thời gian để dâng hương lên Thi tướng và chụp ảnh lưu niệm.
Nguyễn Thị Kim Uyên, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng, cho hay được tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp Thi tướng ngay tại nơi có đặt tượng của ông càng làm cho buổi sinh hoạt thêm sinh động hơn so với chỉ thuyết trình suông. Còn theo ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên: “Mỗi khi đến ngày sinh, ngày mất của Thi tướng, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đều tổ chức cho cán bộ, công nhân viên và đặc biệt là học sinh, giáo viên các trường đến làm lễ trước phù điêu của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Văn Nghệ. Qua đó thể hiện lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào cho người trẻ hôm nay”.
Thế hệ hậu sinh tri ân
Bên cạnh những công trình thể hiện tấm lòng với Thi tướng, tạo điều kiện để mỗi người tìm đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người dân Đồng Nai vẫn còn có rất nhiều cách thể hiện tình cảm với ông.
Các đại biểu tham dự lễ tưởng niệm 40 năm Ngày mất của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ chụp ảnh lưu niệm bên phù điêu Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (Công viên Vườn tượng danh nhân, Văn miếu Trấn Biên, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa). ảnh: Tuấn Tú |
ở những ngôi trường vinh dự được đặt theo tên của Thi tướng là Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu) và Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (huyện Trảng Bom), thầy và trò đều ra sức học tập để xứng danh với ngôi trường mang tên Thi tướng. Ngoài ra, vào mỗi dịp đến ngày sinh, ngày mất của Thi tướng, ở mỗi trường đều có các buổi sinh hoạt ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của ông. Theo thầy Bùi Ngọc Lâm, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (huyện Trảng Bom), để giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước và hiểu thêm về vị anh hùng mà trường mang tên, năm nào trường cũng phát động cuộc thi tìm hiểu về thân thế, cuộc đời Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.
Đặc biệt, vào ngày giỗ Thi tướng hàng năm, thầy và trò 2 ngôi trường này đều đến Nhà lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) để cùng gia đình của Thi tướng dâng lên bàn thờ những nén nhang thành kính. Mỗi dịp như vậy, gia đình Thi tướng đều dành những suất học bổng mang tên ông để trao cho những học sinh chăm ngoan, học giỏi.
Không chỉ có trường học mà ngay đến con đường mang tên Thi tướng cũng có điểm đặc biệt riêng. Nhiều năm liền, tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ (phường Bửu Long) luôn đoạt giải cao ở hội thi tuyến đường xanh - sạch - đẹp do TP.Biên Hòa tổ chức. Mới đây nhất, ở lần thứ 4 của hội thi, tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ đã xuất sắc vượt qua 37 tuyến đường khác trong thành phố để giành giải nhất. Bà Lê Thị Thanh Xuân (một hộ dân sống trên đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), nói: “Gia đình tôi cũng như những gia đình và cơ quan, đơn vị dọc theo tuyến đường đều cố gắng giữ gìn vệ sinh, không vứt rác bừa bãi. Nhiều hộ kinh doanh, cơ quan đơn vị còn góp phần trang trí, tạo vẻ mỹ quan cho tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ luôn xanh - sạch - đẹp”.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất nhà thơ, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Huỳnh Văn Nghệ và 10 năm ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, sáng 27-10, tại Văn miếu Trấn Biên, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo với chủ đề: Huỳnh Văn Nghệ - nhà thơ, chiến sĩ. |
Võ Tuyên