Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân...
Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân... Trong những năm qua, nhờ phát huy khối đại đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu đã chung tay vì người nghèo để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Vĩnh Cửu tặng bò giống sinh sản cho hộ ông Lê Văn Lợi ở xã Trị An |
Nằm cách xa trung tâm huyện Vĩnh Cửu khoảng 40km, xung quanh được bao bọc bởi những cánh rừng tự nhiên, người dân xã Phú Lý chủ yếu sống bằng nghề nông. Do bà con nông dân sản xuất manh mún nên khó kêu gọi đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với đặc điểm địa lý, kinh tế như vậy nên đời sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Tính đến cuối năm 2015, số hộ nghèo A ở Phú Lý là 60/2.826 hộ dân toàn xã, chiếm tỷ lệ hơn 2%; hộ nghèo B là 125/2.826 hộ dân toàn xã, chiếm tỷ lệ 4,4%; hộ cận nghèo 393/2.826 hộ dân toàn xã, chiếm tỷ lệ 13,9% (tính theo chuẩn nghèo của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015).
Những năm trở lại đây, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo song song với việc thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh đã khơi dậy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn xã, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể, chính trị, doanh nghiệp, các cơ sở tôn giáo đã đoàn kết, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào nói trên.
Với phương châm đạo giáo đồng hành cùng dân tộc, những năm qua giáo xứ Phú Lý có nhiều chương trình thiết thực cùng với chính quyền địa phương ở xã, huyện tích cực chăm lo cho người nghèo và công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã Phú Lý như: vận động xây dựng nhà đại đoàn kết, xây dựng đường giao thông nông thôn, tặng quà cho người nghèo, cung cấp nước sạch với giá rẻ cho người dân...
Linh mục Nguyễn Ngọc Lâm, Chánh xứ giáo xứ Phú Lý cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã thực hiện được 32 căn nhà đại đoàn kết tặng cho người dân nghèo trong xã. Ngoài ra, giáo xứ còn giúp người dân được sử dụng nước sạch với giá rẻ. Điều quan trọng là chúng tôi đã giúp được những người nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…”.
Với sự chăm lo của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo và sự ủng hộ của người dân, xã Phú Lý đã tập trung xây dựng nông thôn mới và bộ mặt địa phương đã có sự phát triển khởi sắc hơn so với trước đây. Nhờ có nhà cửa ổn định, nhiều hộ dân sinh sống trong những căn nhà đại đoàn kết đã chí thú làm ăn nên vượt lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn xưa. Với sự chung tay của toàn xã hội, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: đào tạo nghề; hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi; đặc biệt là sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh của chính những hộ nghèo đã tác động tích cực đến công tác xóa đói giảm nghèo của xã. Hiện toàn xã Phú Lý chỉ còn 91 hộ nghèo (trong đó có 11 hộ nghèo A và 80 hộ nghèo B), chiếm tỷ lệ 0,3% so với hộ dân của toàn xã.
Đối với huyện Vĩnh Cửu, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ, chính quyền và người dân trên địa bàn huyện đã cùng chung tay chăm lo cho người nghèo. Đến nay trên địa bàn huyện chỉ còn 405 hộ nghèo, giảm 1.419 hộ nghèo so với đầu giai đoạn 2015-2020. Huyện Vĩnh Cửu là một trong 4 địa phương không còn hộ nghèo theo chuẩn cũ của Nghị quyết số 126 của HĐND tỉnh. Có được kết quả đó là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, các cá nhân, tổ chức, các cơ sở tôn giáo, các mạnh thường quân; việc triển khai đồng bộ các dự án, chính sách, mô hình giảm nghèo sáng tạo, phù hợp thực tiễn ở mỗi địa phương. Những mô hình như: mô hình tặng bò sinh sản của Ban Trị sự Phật giáo huyện; mô hình nuôi dê, bò sinh sản của Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện; các cơ quan, đơn vị, các phòng, ban, đoàn thể chính trị nhận đỡ đầu cho các hộ nghèo, vận động các nhà hảo tâm xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, thông qua hệ thống Mặt trận và các đoàn thể đã quy tụ được cả hệ thống chính trị, đảm bảo được cơ sở vật chất, tiền bạc để thực hiện chương trình giảm nghèo cho người dân.
Góp gió thành bão, 5 năm qua, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo 2 cấp huyện, xã đã vận động, tiếp nhận được 3,7 tỷ đồng, kết hợp với các nguồn vận động khác của các ban, ngành, tổ chức thành viên đã xây dựng và trao tặng gần 300 căn nhà tình thương trị giá trên 8,5 tỷ đồng. Hằng năm, các chính sách liên quan đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được huyện Vĩnh Cửu triển khai và thực hiện kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là chính sách bảo hiểm y tế, tín dụng, đào tạo nghề, xây mới, sửa chữa nhà… từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo tập trung làm ăn, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ một huyện còn nhiều khó khăn, nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Vĩnh Cửu đã có những đổi thay lớn về đời sống kinh tế, xã hội, hạ tầng cơ sở. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện hiện nay đạt hơn 56 triệu đồng/người/năm, tăng 2,73 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm xuống còn 0,74%; công tác xóa đói giảm nghèo đã vượt chỉ tiêu đề ra...
Những thành tựu kể trên có sự đóng góp rất lớn của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở tôn giáo dưới sự thống nhất của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, cơ sở cùng với các tổ chức thành viên, đã cùng chung tay để xây dựng quê hương, đưa huyện Vĩnh Cửu tiến thêm một bước mới trong quá trình phát triển đi lên.
Quang Huy