Làm công tác dân tộc, đối với tôi, đó là vinh dự. Nhưng điều đặc biệt hơn, tôi được làm việc với PGS-TS.Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ông không chỉ là người thủ trưởng trách nhiệm mà ở nơi ông, tôi còn cảm nhận được sự sâu sắc, giàu cảm xúc, đầy ắp nghĩa tình với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Làm công tác dân tộc, đối với tôi, đó là vinh dự. Nhưng điều đặc biệt hơn, tôi được làm việc với PGS-TS.Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ông không chỉ là người thủ trưởng trách nhiệm mà ở nơi ông, tôi còn cảm nhận được sự sâu sắc, giàu cảm xúc, đầy ắp nghĩa tình với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới trao giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn kỹ năng thực hành các sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chơro vào ngày 22-12-2018 |
Tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc trong những chuyến công tác về vùng đồng bào dân tộc thiểu số với Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới. Một trong những kỷ niệm đó là chuyến khảo sát đời sống làng dân tộc Chơro ấp Suối Sóc (xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) vào những tháng đầu năm 2018. Theo lịch trình công tác, ông sẽ nghe Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cẩm Mỹ báo cáo tình hình đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, sau đó đi thực tế cơ sở. Tuy nhiên, để có nhiều thời gian gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người dân nên ông đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện báo cáo bằng văn bản.
Đến làng dân tộc Chơro ấp Suối Sóc, thấy nhiều căn nhà của đồng bào bị xuống cấp, dột nát (những ngôi nhà này được Nhà nước xây dựng từ chương trình 134, 135 cách đây hơn 10 năm), ngay lập tức ông đề nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cẩm Mỹ Hà Thị Thanh cho khảo sát, tổng hợp những gia đình cần sự giúp đỡ để có kế hoạch vận động kinh phí sửa chữa nhà.
Chỉ đạo như vậy, nhưng không chờ huyện gửi báo cáo lên, ông đã suy nghĩ tìm giải pháp giúp địa phương hoàn thành việc sửa chữa nhà cho đồng bào dân tộc Chơro trước khi mùa mưa đến. Cùng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và sự tích cực vận động của sư cô Thích nữ Diệu Trí, trụ trì chùa Đại Giác (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), chỉ chưa đầy 2 tháng, việc sửa chữa, nâng cấp 22 căn nhà của đồng bào dân tộc Chơro ấp Suối Sóc đã hoàn thành. Trong ngôi nhà khang trang, vững chắc, bà con yên tâm hơn trong mùa mưa gió. Trong ngày vui nhận bàn giao nhà, bà con còn xúc động hơn khi được chính tay ông trao tặng gạo và nồi cơm điện. “Ông là vậy đó, không chỉ giúp bà con “an cư” mà còn mong muốn ai cũng “no đủ” - già làng dân tộc Chơro ấp Suối Sóc Đào Văn Tý thổ lộ.
Không chỉ quan tâm chăm lo đời sống vật chất, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới còn rất tâm huyết với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Ông luôn lo lắng những bản sắc văn hóa truyền thống sẽ phai mờ, mất đi khi những nghệ nhân dân gian ngày càng lớn tuổi, mà lớp người trẻ chưa kịp tiếp thu hết các giá trị văn hóa của cha ông. Mặc dù công việc bận rộn, nhưng trong năm 2018 ông đã trực tiếp thực hiện 2 đầu việc trọng tâm đó là: hoàn thành cuốn sách ảnh Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai và tổ chức lớp tập huấn kỹ năng thực hành các sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chơro (tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 20 đến 22-12-2018 tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu).
Sách ảnh Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai không chỉ giới thiệu những sắc thái văn hóa tiêu biểu của 10 dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh, mà còn là công trình nghiên cứu dân tộc với nhiều hình ảnh rất có giá trị lịch sử, khoa học. Nội dung sách chỉ gói gọn trong 197 trang với hơn 384 hình ảnh, nhưng với sự tổng hợp, khái quát tinh tế của mình, ông đã trình bày súc tích: Tổng quan các dân tộc thiểu số Đồng Nai; các dân tộc thiểu số ở Biên Hòa xưa; các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai (từ năm 1945 đến nay); những tấm gương điển hình trong đồng bào các dân tộc thiểu số… Cuốn sách giúp người đọc cảm nhận được dòng chảy lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai qua 320 năm hình thành và phát triển. Trong hành trình này, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai luôn ý thức về cội nguồn tộc người, cùng nhau bảo tồn và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; tích cực tham gia kháng chiến và ngày nay tiếp tục chung tay xây dựng quê hương Đồng Nai ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Với lớp tập huấn, ông đã trực tiếp soạn tài liệu và dành cả một buổi sáng để trình bày về công tác “Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Chơro ở Đồng Nai”. Trong suốt 3 ngày tổ chức lớp, ông đều sắp xếp thời gian đến gặp gỡ, ân cần thăm hỏi, động viên mọi người tích cực học tập. Dù điều kiện ăn, nghỉ của lớp tập huấn còn hạn chế, nhưng học viên ai cũng vui vẻ, thể hiện trách nhiệm, tham dự đầy đủ các buổi học. Trong buổi bế mạc, nghe ông hỏi: “Bà con có muốn được tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn như thế này không?”, mọi người hô vang: “Muốn” và vỗ tay reo mừng.
Thật xúc động, chỉ một từ thôi cũng đủ hiểu, đồng bào khát khao việc gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc mình như thế nào. Trưởng ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) Nguyễn Đình Biên chia sẻ: “Cách làm của anh Huỳnh Văn Tới đồng bào ưng lắm. Lớp học tổ chức rất chu đáo; nội dung gần gũi, thiết thực; địa điểm học trong làng dân tộc và trong chính ngôi nhà truyền thống…”.
Mỗi khi hồi nhớ lại hình ảnh ông ngồi chăm chú nghe các thanh thiếu niên cất cao lời bài hát Mời khách bằng tiếng Chơro với ánh mắt rạng ngời, đầy niềm tin tưởng vào thế hệ trẻ sẽ tiếp nối và giữ lửa đam mê văn hóa truyền thống dân tộc, trong tôi lại trào dâng niềm xúc động.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới còn rất khéo léo trong ứng xử, giao tiếp với đồng bào. Cái khéo léo đó xuất phát từ tình cảm chân thành, lòng nhiệt tình và sự gần gũi, tin tưởng nơi đồng bào. Khắc ghi trong tôi là kỷ niệm chuyến công tác tại làng dân tộc Chơro xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) năm 2018. Hay tin ông về công tác tại địa phương, đồng bào dân tộc Chơro đã vây quanh ông như người thân trở về. Những câu chuyện đầy ắp kỷ niệm thời ông và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng bà con đi trên những con đường làng còn lầy lội lại ùa về. Thật đáng quý biết bao, khi đang đi trên con đường bê tông thẳng tắp, phẳng lì, đồng bào vẫn nhớ cái thời hơn 20 năm trước đó, ông và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã giúp đỡ làng dân tộc vượt lên những khó khăn để ngôi làng khang trang như hôm nay. Hay mỗi dịp về với làng dân tộc Chơro ấp Lý Lịch 1 (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu), ông đều đến thăm già làng Nguyễn Văn Nổi và bà con trong làng. Và lần nào cũng vậy, già làng Nguyễn Văn Nổi với nụ cười đôn hậu, giọng nói trầm ấm: “Anh ba Tới”, rồi ôm ông thật chặt. Biết có ông về, thế nào bà Hồng Thị Út (vợ của Trưởng ấp Lý Lịch 1 Nguyễn Đình Biên) cũng làm những món ăn truyền thống của đồng bào Chơro để đãi. Thế đấy, đồng bào xem ông như người thân trở về nhà, về với những người thân thuộc.
Thời gian được công tác bên ông tuy ngắn ngủi, nhưng tôi thầm cảm ơn ông, cảm ơn vì tấm lòng cao cả và tình cảm sâu đậm của ông với đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Những kỷ niệm và dấu ấn trong công tác dân tộc của ông sẽ là hành trang để tôi phát huy, tiếp nối; làm cho công tác dân tộc của Mặt trận tiếp tục là một trong những công tác quan trọng để củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thị Nga
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh