Phải mất gần mười tiếng đồng hồ, chuyến bay của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam mới đưa đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai đến sân bay Domodingovo ở Moscow, nước Nga. Vậy mà, đó lại là chuyến bay thẳng từ Hà Nội, không quá cảnh ở đâu. Tám người của đoàn tỉnh, không ít anh chị từng đi Tây đi Tàu, nhưng chưa có ai từng đi Nga. Một người than thở: "Xa quá!". Ôi, xa thật! Từ ngày tập đánh vần tiếng Nga bập bẹ đã gần bốn mươi năm, tôi mới được tận mắt nhìn thấy nước Nga, nghĩ còn hơn lão đầy tớ trong thơ Tố Hữu, yêu nước Nga là thế, mà chỉ ngồi mơ!
Phải mất gần mười tiếng đồng hồ, chuyến bay của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam mới đưa đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai đến sân bay Domodingovo ở Moscow, nước Nga. Vậy mà, đó lại là chuyến bay thẳng từ Hà Nội, không quá cảnh ở đâu. Tám người của đoàn tỉnh, không ít anh chị từng đi Tây đi Tàu, nhưng chưa có ai từng đi Nga. Một người than thở: “Xa quá!”. Ôi, xa thật! Từ ngày tập đánh vần tiếng Nga bập bẹ đã gần bốn mươi năm, tôi mới được tận mắt nhìn thấy nước Nga, nghĩ còn hơn lão đầy tớ trong thơ Tố Hữu, yêu nước Nga là thế, mà chỉ ngồi mơ!
Cây sồi |
* Sân bay bận rộn
Từ Hà Nội, máy bay bay thẳng đến Domodingovo ở Moscow để từ đó lại bay tiếp gần hai giờ nữa đến Saint Petersburg. Moscow là thủ đô. Saint Petersburg là cố đô, thành phố lớn thứ hai của Nga, khoảng cách như từ thủ đô Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Nước Nga có gần 1.300 sân bay. Bốn sân bay đồ sộ và bận rộn nhất là Sheremetyevo, Domodingovo và Vnukovo ở Moscow và Pulkovo ở Saint Petersburg.
Sân bay Domodingovo được kiểm tra an ninh chặt chẽ, bất kể khách trong nước hay nước ngoài, vào trong sảnh đều phải qua máy soi chiếu. Nhưng việc kiểm tra thật nhanh gọn, chỉ mất độ vài giây. Chính tại sân bay này, vào tháng tám năm 2004, cả 90 hành khách trên một chuyến bay bị tấn công đã thiệt mạng. Cơ quan an ninh sau đó phát hiện có hai người phụ nữ thực hiện vụ tấn công liều chết ấy đã hối lộ để lên máy bay chỉ với 1 ngàn rúp, khoảng 34 USD lúc bấy giờ. Đến tháng giêng năm 2011, một vụ đánh bom liều chết nữa ở ngay sân bay Domodingovo, khiến 37 người chết và 172 người bị thương. Lãnh đạo nhóm Hồi giáo cực đoan Chechnya có tên Phong trào Caucasus Emirate Doku Umarov đã nhận trách nhiệm về vụ này.
Khoảng cách từ sân bay Domodingovo vào trung tâm của Moscow hơn một giờ ô tô. Cuối hành trình, chúng tôi lại từ trung tâm thủ đô ra sân bay mới biết đoạn đường xa hơn từ Biên Hòa về Tân Sơn Nhất rất nhiều, vì chỉ kẹt xe một thời gian ngắn trong lòng thành phố, còn đường sá thênh thang, xuyên qua những cánh rừng bạch dương điệp trùng vào cuối mùa lá rụng.
Phải chăng sân bay Domodingovo ở xa trung tâm Moscow? Hay là do cách tổ chức đô thị ở nước ngoài khác với ta? Ở Việt Nam, dọc các ngả đường, nhà cửa bao giờ cũng chen chúc mọc lên, ngày thêm dày đặc, cửa ngõ sân bay càng chật chội hơn.
* Mùa tuyết tan
Cuối xuân đầu hè, ở nước Nga, màu xanh rất ít, trừ cây thông, còn tất cả, từ loài cây làm nên tên gọi của xứ sở này (bạch dương), đến cây sồi trong Anna Karenina của Lev Tolstoi hay tử đinh hương trong thơ Sergei Esenin, đều như… đã chết. Vậy mà, gần một tuần sau, nhìn gần, tất cả các loài cây đều đâm chồi. Bây giờ, sau hơn mười ngày rời xa nước Nga, ở đó, hẳn ngút ngàn một màu xanh và rực rỡ những sắc hoa.
Hôm từ Saint Petersburg về lại Moscow bằng tàu nhanh, quãng đường gần 600km, lại những cánh rừng trụi lá, những cánh đồng xa đến ngút mắt nhưng vàng khô. Cảm giác ấy gieo vào lòng những ai mới đến đất nước này về sự khắc nghiệt. Đấy là chưa kể, đã đầu hè, tuyết tan gần hết, nhưng ngoài trời vẫn giá buốt. Nghe nói mùa Đông ở Nga thật khủng khiếp, khắp nơi nhiệt độ âm dưới 5-10OC là thường. Trong lịch sử, thành Saint Petersburg từng phải chịu ba mươi sáu độ âm!
Đấy là sự trái ngược của một nước Nga theo mùa. Và, có thể, đấy cũng là cách nhìn nước Nga “theo mùa”. Sự thực, tổng diện tích đất canh tác của Nga gấp hơn bốn lần diện tích nước Việt ta (1.237.294 km2), lớn thứ tư trên thế giới. Sau thời khủng hoảng, từ năm 1999 đến nay, nông nghiệp của Nga đã tăng trưởng khá nhiều, từ chỗ phải nhập khẩu ngũ cốc trở thành nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và EU. Ở Nga, dù Moscow hay Saint Petersburg, bạn vẫn được ăn các loại rau cải, tại các nhà hàng Việt, có cả các thứ rau thơm như ngò, quế, tía tô… Dĩ nhiên, trong tiết trời giá buốt, các loại rau ấy được trồng trong nhà kính. Một cán bộ của Bộ Khoa học - công nghệ đi trong đoàn, từng sống và học tập ở Nga gần 20 năm, cho chúng tôi biết, hầu hết lượng khoai tây, rau và trái cây của cả nước Nga được các hộ gia đình tư nhân nhỏ sản xuất, còn các trang trại lớn sản xuất chủ yếu ngũ cốc và các sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, Nga là nước sản xuất lúa mạch, kiều mạch và yến mạch đứng nhất toàn cầu, cũng là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu lúa mạch đen, hạt hướng dương và lúa mì lớn nhất thế giới.
Trên các cung đường của nước Nga mà chúng tôi có dịp đi qua, nơi đâu cũng có rừng. Do trải dài từ biển Baltic đến Thái Bình Dương, Nga là quốc gia có diện tích rừng lớn nhất thế giới, chiếm đến một phần năm diện tích rừng của quả đất này.
Mùa tuyết tan, rừng ở Nga có vẻ xác xơ. Những rừng bạch dương thẳng tắp, cao vút trên nền trời xanh trong. Thân một màu trắng, như có ai đã âm thầm quét sơn lên đó. Còn trong lòng các thành phố, nơi đâu cũng có những cây sồi, to lớn, những cành đen đủi như loài sứ khô cành trụi lá trên đất Việt đã được nhuộm đen. Nhìn gần một chút, chúng được cắt tỉa thật cẩn thận. Lần này, chắc không phải là những bàn tay vô hình!
Những mảng màu đối lập của không gian Nga cứ gợi lên trong tôi những so sánh và suy nghĩ về đất Việt quê mình. Cũng chưa bao giờ tôi thấy không gian Nga qua lời thơ Sergei Esenin, nhà thơ được đọc nhiều sau Kinh Thánh ở Nga, lại gần gũi và nghẹn ngào đến thế: Tổ quốc ta dịu hiền mà nghèo khó / Thấm đẫm vào từng hạt phấn hoa tươi / Mùa hè sao ngắn ngủi quá đi thôi / Giống như thể đêm tháng năm ấm áp / Bình minh lạnh và thắm hơn dạo trước/Màn sương mờ giăng thấp xuống đây kia… (Việt Thương dịch).
Tháng 5-2019
Bùi Quang Huy