Phong phú, đa dạng và đầy ắp cảm xúc, đó là ấn tượng khi xem tác phẩm của hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai sau khi tham gia trại sáng tác với chủ đề Đồng Nai hội nhập và phát triển.
Phong phú, đa dạng và đầy ắp cảm xúc, đó là ấn tượng khi xem tác phẩm của hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai sau khi tham gia trại sáng tác với chủ đề Đồng Nai hội nhập và phát triển.
Tác phẩm Lục bình xuất khẩu của tác giả Lê Hữu Thiết |
47 tác giả với 163 tác phẩm gồm đủ các thể loại văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu… Mỗi người mỗi vẻ, khác nhau từ cách tìm đề tài, giọng điệu, cung bậc cảm xúc, góc nhìn… nhưng tất cả đều thể hiện dấu ấn sáng tạo cá nhân.
* Đa dạng đề tài
Năm nay, tác phẩm văn xuôi của trại nghiêng hẳn về thể loại bút ký, nhiều bài viết công phu, cho thấy người viết rất chịu khó tiếp cận đời sống, thu thập và xử lý tư liệu, tìm cách thể hiện sao cho vừa phản ánh được hiện thực, vừa có giá trị nghệ thuật.
Tác giả Lê Hương Thơm với thói quen tỉ mỉ, chỉn chu của một nhà báo đã rất công phu trong bài ký Tầm nhìn của một doanh nhân viết về Công ty TNHH Thanh Bình. Trong bài, ông Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình hiện lên với cá tính độc đáo, vừa giỏi làm kinh tế, sẵn sàng “liều” khi có cơ hội mở rộng ngành nghề kinh doanh, vừa đam mê… Truyện Kiều.
Bùi Kim Chi với bút ký Xoài chế biến La Ngà khởi sắc lột tả rất sinh động chân dung bà Phùng Ngọc Lương và chồng là ông Hoàng Quốc Hùng, những người đang miệt mài làm sản phẩm xoài dẻo xuất sang Liên bang Nga, khiến bạn hàng Trung Quốc ngả mũ thán phục. Người Trung Quốc không thể ngờ trong những lần sang nước bạn bán trái cây, người phụ nữ gốc Hà Nội Phùng Ngọc Lương đã lần mò học hỏi và chiếm lĩnh công nghệ chế biến trái cây dẻo của họ, về nước mở Hợp tác xã chế biến xoài dẻo xuất khẩu La Ngà (Định Quán) với vốn điều lệ 11 tỷ đồng.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu Việt trong bài bút ký Công ty đồ dùng nhà bếp Đông Sơn của Đàm Chu Văn hay bài ký Cô bạn mới kể về chú robot hút bụi, lau nhà của Hoàng Đình Nguyễn mang đến cho bạn đọc sự bất ngờ thú vị, bởi những món đồ gia dụng thiết yếu của gia đình cũng đang trên đường “hội nhập” cùng thế giới.
Quá trình sáng tạo của văn nghệ sĩ không thể tách rời khỏi hiện thực đa dạng, phong phú. Từ những gì thu được từ Trại sáng tác Đồng Nai hội nhập và phát triển có thể thấy, công cuộc đổi mới, hội nhập đã và đang đạt được những thành tựu to lớn, góp phần mang lại no ấm, hạnh phúc và bình yên cho nhân dân. |
Hai bài bút ký Vì một thành phố xanh của Dương Thu Hường và Long Khánh ngày về của Tân Triều đều viết về thành phố mới Long Khánh, thể hiện niềm hân hoan của tác giả trước sự lột xác của “thủ phủ trái cây”, gắn với mô hình du lịch vườn.
Tác giả Ngọc Khánh với bút ký Những người truyền cảm hứng viết về chàng trai Nguyễn Văn Tuệ với hành trình trồng và chế biến nấm linh chi xuất khẩu. Hiện tại, công ty nấm linh chi của Tuệ tại Long Khánh đã có 15 cơ sở sản xuất, sản phẩm linh chi đỏ, hồng chi, viên nang tinh chất linh chi và bào tử linh chi đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường nước ngoài, mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân. Vợ chồng bà Ngô Thị Mai và ông Phạm Văn Thơ, chủ của hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ gia công đế giày cao su, ông chủ trang trại gà Phạm Văn Nghiêm…, mỗi người một hoàn cảnh, một con đường lập nghiệp và đều thành công nhờ ý chí tự lập, tinh thần vượt khó.
Các bài ghi chép Những nữ tướng làm giàu (Đào Sỹ Quang), Vũ điệu chim công (Quang Tấn), Thêm một chuyến đi, thêm những niềm vui (Tiêu Thanh Giang), truyện ngắn Đổi gió của Bùi Quang Tú, truyện ngắn Chả có chi là hỗn loạn của Nguyễn Trí góp phần bổ sung cho bức tranh hội nhập của Đồng Nai thêm phần đa dạng, nhiều màu sắc.
* Nhiều tìm tòi
Thể loại thơ tuy khó mô tả hiện thực đời sống hơn văn xuôi nhưng các tác giả cũng cố gắng tìm tòi tứ thơ, cách thể hiện mới nhằm hạn chế sự xưa cũ, sáo mòn. Những bài Nỗi niềm của Nguyễn Thị Phấn, Từ một nhà máy của Hoàng Văn Bảy, Bàn tay em của Minh Hạ, Dòng sông duyên nợ của Mai Hân Hạnh, Quê em đổi mới của Hoàng Văn Thống… có thể coi là những bức tranh được vẽ bằng ngôn từ, mô tả sự lột xác ngoạn mục của các vùng quê.
Những bài Với người bạn Mỹ nói thạo tiếng Việt của Đỗ Minh Dương, Thiếu phụ và những sợi đêm của Đàm Chu Văn, Lục bình sang Mỹ của Đào Trọng Thử… thể hiện sự tài hoa của các nhà thơ và là những bài hay nhất viết về Đồng Nai hội nhập.
Sáng tác ca khúc về đề tài hội nhập, đặc biệt là về công nghiệp không dễ vì tương đối khô khan, khó gợi cảm xúc. Nhưng trại sáng tác cũng ghi nhận những thành công của các nhạc sĩ trong việc tìm kiếm giai điệu, ca từ đẹp, thể hiện cảm xúc tươi mới của tác giả trước sự đổi mới của quê hương, đất nước. Tiêu biểu là ca khúc Long Khánh thành phố mới của Đoàn Quang Trung, Nơi tinh hoa hội tụ của Cao Hồng Sơn…
Nhiếp ảnh nghệ thuật vẫn phát huy được ưu thế trong mô tả hiện thực đa dạng, phong phú, đối tượng phản ánh vẫn là vẻ đẹp của con người trong lao động sản xuất, vẻ đẹp của thiên nhiên, của ruộng vườn, cây trái, công trình xây dựng… Với cái nhìn mới mẻ, khoáng đạt và sự hỗ trợ của công nghệ, nhiều tác phẩm được thực hiện ở góc nhìn rộng, hoành tráng, thể hiện được nhịp độ sôi động, khỏe khoắn, đa dạng và rất hiện đại của đời sống. Tiêu biểu là các tác phẩm Nữ công nhân nhà máy Aqua (Bùi Viết Đồng), Đón nắng (Trần Văn Kỷ), Đóng gói xoài xuất khẩu (Hoàng Thùy Hương), Lục bình mỹ nghệ (Lê Hữu Thiết)…
Trại sáng tác chỉ có 2 tác phẩm sân khấu gồm Giữ trọn niềm tin của Trần Đức, Mưu sinh của Bích Ngọc. Ngoài ra còn có 4 tác phẩm mỹ thuật, chất liệu sơn dầu gồm: Đường ra biển lớn của Đào Tấn Hưng, Đồng Nai hội nhập phát triển của Võ Tấn Thành, Du lịch Bửu Long của Nguyễn Thanh Nhàn, Rau sạch nguồn xuất khẩu của Mai Công Trực. Tuy ít nhưng tác phẩm sân khấu, mỹ thuật cũng thể hiện được sự nỗ lực của các tác giả trong việc khắc họa vẻ đẹp của đời sống thời công nghệ 4.0.
Hoàng Ngọc Điệp