Báo Đồng Nai điện tử
En

Linh hoạt trong đào tạo nghệ thuật

12:10, 16/10/2019

Với phương châm "ươm mầm tài năng, nâng tầm nghệ thuật, phát triển bền vững", Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật (VH-NT) Đồng Nai vài năm trở lại đây đã đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, tăng thời gian thực hành… Do đó, hơn 80% học sinh, sinh viên sau khi ra trường đều có việc làm hoặc học lên các bậc cao hơn.

Với phương châm “ươm mầm tài năng, nâng tầm nghệ thuật, phát triển bền vững”, Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật (VH-NT) Đồng Nai vài năm trở lại đây đã đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, tăng thời gian thực hành… Do đó, hơn 80% học sinh, sinh viên sau khi ra trường đều có việc làm hoặc học lên các bậc cao hơn.

Học sinh Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Ðồng Nai trong giờ luyện tập. Ảnh: L.Na
Học sinh Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Ðồng Nai trong giờ luyện tập. Ảnh: L.Na

Năm 2019, nhà trường được giao tuyển sinh 70 chỉ tiêu (bằng chỉ tiêu năm 2018) ở các chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn: âm nhạc truyền thống, âm nhạc phương Tây, thanh nhạc và múa. Có 189 hồ sơ đăng ký, trong đó có 178 thí sinh dự tuyển. Kết quả, có 114 thí sinh trúng tuyển. Số học sinh nhập học là 71 em, đạt tỷ lệ 101% so với chỉ tiêu được giao. Riêng ngành âm nhạc truyền thống có 23 em.

* Thay đổi linh hoạt

Điều đáng nói, tỷ lệ học sinh, sinh viên hằng năm sau khi ra trường có việc làm hoặc học lên bậc đại học hằng năm của Trường trung cấp VH-NT Ðồng Nai ở mức cao, trên 80%. Theo TS.Nguyễn Hồng Ân, Hiệu trưởng nhà trường, để có được kết quả khả quan như thế, nhà trường đã có sự thay đổi linh hoạt, đổi mới trong công tác tuyển sinh và đào tạo sao cho phù hợp với quy định mới của Bộ Lao động - thương binh và xã hội.

TS.Nguyễn Hồng Ân cho biết: “Hơn 20 năm trước, Trường trung cấp VH-NT Đồng Nai có mở mã ngành đào tạo cải lương. Tuy nhiên, do công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, không có học sinh, sinh viên theo học nên nhiều năm nay đã ngưng đào tạo. Thời gian tới, nhà trường sẽ có tính toán xây dựng lại chương trình đào tạo đờn ca tài tử, cải lương để cùng với các đơn vị khác thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.

Xác định tuyển sinh có chất lượng thì đào tạo nghệ thuật và đầu ra mới đảm bảo nên ngay từ đầu năm, Trường trung cấp VH-NT Ðồng Nai đã xuống cơ sở, làm việc với già làng trưởng bản, phối hợp với các UBND các xã, trường học trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền. Đến hè, nhà trường tổ chức tuyển sinh kéo dài trong hơn 1 tháng.

“Với học sinh đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã phổ biến về chế độ ưu đãi, hỗ trợ tiền ăn, ở, ký túc xá, học bổng theo quy định; có định hướng công việc về lâu dài cho các em theo học nghệ thuật truyền thống. Với học sinh ở thành phố có điều kiện hơn, chúng tôi đã định hướng cho các em học âm nhạc phương Tây. Đó là cách để nhà trường giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đào tạo nghệ thuật truyền thống và hiện đại” - TS.Nguyễn Hồng Ân chia sẻ.

Song song với tuyển sinh, Trường trung cấp VH-NT Ðồng Nai cũng xác định đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh có thể phát huy hết khả năng tư duy, sáng tạo nghệ thuật. Nhà trường chú trọng từ việc xây dựng lại chương trình khung theo chuẩn của Bộ đến việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi giáo viên. Cùng với đó, nhà trường cũng mở lớp liên thông lên đại học, liên kết đào tạo với Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh… tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục theo học các chuyên ngành yêu thích, phục vụ cho công việc sau này.

Đặc biệt, trong thời đại chuyển đổi công nghệ số, ngoài kiến thức chuyên môn, Trường trung cấp VH-NT Ðồng Nai cũng chú trọng dạy và học ngoại ngữ. Học sinh theo học chuyên ngành nghệ thuật phải biết về ngoại ngữ, công nghệ thông tin...

* Nhiều kỳ vọng…

Đồng Nai là nơi có dấu ấn loại hình nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử nhưng nhiều năm qua, bộ môn này chưa được đưa vào đào tạo chuyên sâu. Theo nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống cách tốt nhất là nên đưa vào giảng dạy trong trường học, mà nơi đầu tiên hướng đến chính là các trường nghệ thuật.

“Trường trung cấp VH-NT Ðồng Nai cần mạnh dạn xây dựng chương trình tuyển sinh, đưa nghệ thuật tài tử cải lương vào đào tạo một cách bài bản… nhằm hình thành ý thức học tập, bồi dưỡng kiến thức và khơi dậy niềm say mê đối với học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường mời thêm các chuyên gia, nghệ nhân có uy tín về tài tử cải lương vào giảng dạy, tạo cơ hội cho học sinh mở rộng kiến thức, làm mới không khí để thu hút các em thêm hào hứng tham gia” - nghệ nhân Phạm Lơ nói.

Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch quyết định lựa chọn việc giao nhiệm vụ hoặc “đặt hàng” đào tạo 300 chỉ tiêu thuộc một số ngành, chuyên ngành
VH-NT đặc thù, truyền thống khó tuyển sinh, đang thiếu nhân lực như: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, văn học… Đây là tín hiệu vui cho thấy nỗ lực trong đào tạo tài năng nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống hiện nay.

Nói về đề án “đặt hàng” 300 chỉ tiêu ngành nghệ thuật, TS.Nguyễn Hồng Ân cho biết, hiện nay chủ trương đã có nhưng bao giờ thực hiện thì có lẽ vẫn còn là câu chuyện dài. “Rất nhiều đơn vị đào tạo nghệ thuật trong đó có Đồng Nai cũng mong muốn và kỳ vọng rằng, các chỉ tiêu này sẽ được giao đều cho các trường ở từng địa phương. Chẳng hạn, đồng bằng sông Cửu Long đào tạo đờn ca tài tử, Hà Tĩnh đào tạo hát ví dặm, Bắc Ninh đào tạo quan họ… Bởi, xét cho cùng, các trường VH-NT ở địa phương chính là cánh tay đắc lực, nối dài trong đào tạo những tài năng nghệ thuật” - TS.Nguyễn Hồng Ân bày tỏ.

Ly Na

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích