Báo Đồng Nai điện tử
En

Áo dài của mẹ

11:03, 06/03/2020

Truyện ngắn của Trần Thu Hằng

Truyện ngắn của Trần Thu Hằng

Minh họa: Còm
Minh họa: Còm

- Xong rồi đây, xong rồi đây. Mấy đứa ra đây mẹ bảo nào!

Nghe tiếng mẹ gọi, chị em nó đang chơi đồ hàng kéo nhau ra. Trên tay mẹ là hai tấm váy hoa bằng vải xoa rất xinh, có thể gọi là lộng lẫy giữa thời khó khăn, đói kém ấy. Hai chị em nó háo hức sà vào lòng mẹ để thử váy mới, những bộ váy mẹ cắt và khâu bằng tay ròng rã mấy tuần qua. Ngày ấy làm gì có máy may, cũng không có thầy có sách gì ráo, là mẹ tự mày mò để hai đứa con gái có tấm váy mới đi dự đám cưới của một người bạn, cũng là để đón năm mới sắp sang.

Đôi mắt mẹ lúc đó rạng ngời sung sướng, có khi là tự hào nữa, ngắm nhìn hai chị em nó xúng xính trong những bộ váy như  hai nàng công chúa. Mấy đứa trẻ hàng xóm bỏ cả đồ hàng để chạy lại ngắm nghía, trầm trồ nhìn cả hai như nhìn sinh vật lạ, bởi những năm 1980 thì quần áo mới là một thứ xa xỉ, đối với bọn trẻ con thì chỉ được mặc lại đồ của anh chị hoặc của bố mẹ khâu, bóp lại là được. Thế mà chị em nó được sở hữu không chỉ váy xinh mà còn có giày và tất mới, thậm chí còn có nơ buộc tóc đính kim tuyến lấp lánh trên đầu. Mẹ nó cười, vuốt vuốt nhẹ lên người các con, dặn chúng chờ bố đi làm về khoe bố. Nhưng bố lại có vẻ không đáp ứng lại sự háo hức, mừng vui của hai đứa con, bố chỉ hỏi mẹ:

- Thế rồi mẹ nó mặc cái gì? Đám cưới nhà bạn rất thân của tôi đấy bà ạ.

Mẹ cười tươi, không đếm xỉa gì đến nỗi băn khoăn của bố, có vẻ như hai đứa con xinh xẻo thế này là bà thỏa mãn rồi.

- Không sao đâu anh, em mượn chị bạn được mà.

Cũng như nhiều gia đình trong khu tập thể, bố mẹ mới đưa chị em nó từ miền Bắc vào, lạ nước lạ cái, thiếu thốn đủ đường. Mỗi nhà một cách để vượt khó, cải thiện đời sống. Mẹ nó nhanh chóng kết thân với những người miền Nam sống ở quanh đó, bà tập tành buôn bán lặt vặt ngoài giờ đi làm. Sát đến ngày đi dự đám cưới, mẹ nó phơi lên dây một tấm áo dài màu tím hoa cà và trong trí nhớ mơ hồ về mẹ, nó nhớ bà suốt đêm khâu khâu, đính đính, ngắm vuốt chiếc áo. Khi ba mẹ con thướt tha áo quần chờ ở cửa, bố nó đã sững người mà hỏi mẹ nó:

- Sao mẹ nó lại có cái áo đẹp thế không biết…

Mẹ ngượng ngùng, thẹn thùng liếc nhìn chồng khe khẽ nói:

- Em mượn của cô giáo đấy anh ạ. Chị ấy dễ chịu lắm nên em sửa thêm mấy chỗ cho hợp với em...

Mẹ vốn trẻ hơn bố gần hai chục tuổi, khi mặc tấm áo dài màu tím hoa cà, mẹ đẹp hơn cả cô dâu trong tiệc cưới hôm ấy. Giữa đám đông hàng trăm người, chỉ một mình mẹ mặc áo dài - nào ai biết đó là đồ đi mượn - trông dịu dàng, nền nã mà lại nổi bật, rực rỡ khác thường. Xung quanh thì đa phong cách, người giàu có thì lụa là gấm vóc, người bình thường thì áo ngắn “sơ vin” với quần âu; thậm chí có bà không thèm chưng diện, cứ bận nguyên bộ đồ mặc nhà cháo lòng và hồ hởi chờ ngồi vào tiệc.

Mẹ cứ muốn nép vào bố, để bố khoác tay đi qua những con mắt lạ lùng, săm soi, thậm chí ghen tị ở chung quanh. Nhưng bố không hiểu, hoặc không thể làm điều đó, ông cứ ôm khư khư hai tay hai đứa con gái, không cho chúng đùa nghịch. Chưa xong tiệc, ông đùng đùng dắt hai đứa con về và mẹ vội vội vàng vàng rời khỏi đám cưới, trong tay mẹ vẫn còn một bọc thức ăn ai đó dúi cho…

Những ngày sau đó, hình như là bố mẹ giận nhau, là nó nghe tiếng bố làu bàu trong đêm khuya, còn mẹ thì khóc lóc, sụt sùi cả khuya lẫn sáng. Hình như có ai khen nịnh mẹ quá lố, làm cho bố khó chịu, mà hình như có gã nào đó còn cố tình chạm vào mẹ… Tấm áo dài thậm chí không được phơi lên dây một lần nào nữa, nó được mẹ gói lại trả cho cô giáo và mẹ cũng ít tới lui nhà cô và những người hàng xóm xung quanh. Một thời gian sau thì mẹ có thai. Bố chuyển từ làu bàu sang vui mừng, hồi hộp, thậm chí đi tìm và treo lên bức tranh một bé trai thông minh trong phòng ngủ. Khi cái bụng đã lùm lùm, mẹ âu yếm ôm hai đứa con vào lòng mà thì thầm:

- Hy vọng mẹ sẽ sinh cho bố một thằng cu, các con sẽ có một đứa em trai…

Nhưng kết quả lại là một đứa con gái. Khi đứa em gái út mới lẫm chẫm biết đi thì mẹ vụt biến mất như một cánh chim rời cõi thiên đường, để lại đàn con ngơ ngác như một bầy chim sâu còn chưa biết khóc. Cho đến lúc trưởng thành, nhìn bố trầm mình trong cô độc, nó mới biết khoảng trống mà mẹ nó để lại lớn đến thế nào…

Ngày mẹ nó mất, bố nó lục tung cả nhà không có một tấm ảnh để làm ảnh thờ. Giữa đêm khuya, bố nó đến gõ cửa nhà một người em kết nghĩa của bố, chìa ra tấm ảnh cưới và bảo:

- Em xem có cắt nó ra làm ảnh thờ cho chị được không. Ngoài tấm ảnh này ra, chị chả có tấm ảnh nào ra hồn cả…

Chú ấy là một người thợ ảnh, tất nhiên là chú làm được, nhưng vừa làm vừa sụt sịt khóc. Bố ngồi bên cạnh, im lìm như pho tượng. Tấm ảnh cưới ngày ấy mẹ mới có hai mươi mấy tuổi, áo sơ mi trắng trông như một nữ sinh, miệng cười rạng rỡ, ánh mắt ngời ngời tươi vui. Mãi sau chú nói:

- Trông chị trẻ quá anh ơi. Hay là em ghép cái áo dài vào cho nó nghiêm trang hơn nhé.

Nói vậy, rồi chú tự ý cắt cắt, ghép ghép ảnh luôn. Nhưng hình như chú cũng không ưng ý nên sửa đi sửa lại suốt.

Đó là những năm tháng vô cùng vất vả của bố và cả gia đình, khi đứa em út vẫn còn khát sữa. Vắng bóng mẹ, cuộc sống đảo lộn tất cả, bố không sao gượng dậy nổi. Ông khóa luôn cái rương đựng đồ dùng riêng của mẹ, phòng ngủ cũng giữ nguyên như lúc mẹ còn sống. Nhưng cũng có lúc mấy chị em lén mở rương để xem trong đó có gì, chỉ là một ít giấy tờ, mấy món đồ kỷ niệm của ông bà ngoại và những tấm vải còn mới tinh…

Bẵng đi mấy năm, nó là đứa con lớn nhất đi học xa, vào trường nội trú. Hai đứa em nhỏ còn nhắng nhít như  hai cái kẹo, được bố chở đi học rồi đón về, cuộc sống của bố ngày càng lặng lẽ hơn. Năm ấy thời tiết khác thường, mưa rất nhiều, nhà nó hứng trọn cái sự ngập lụt bởi khu tập thể xung quanh, nhà ai cũng sửa chữa, cơi nới cả rồi. Một lần đi học về, thấy bố khuân cái rương cũ của mẹ ra ngoài, nó mới giật mình nhận ra cái rương ướt sũng, các cạnh của nó hoen gỉ, mục ra, dính cả bùn đất…

- Ôi, bố! Đồ của mẹ…

Nó kêu lên rồi giở nắp rương ra, những khúc vải mẹ nó chắt chiu mua được từ ngày còn sống vẫn còn nguyên, nhưng đã mềm rũ ra, hẩm xì. Bố nó run run nhấc từng miếng vải ra, đặt lên bàn, ông nhìn con rồi nói nhỏ như muốn hối lỗi:

- Mẹ rất thích những tấm vải này con ạ, mẹ để dành định chờ bé út lớn hơn tí nữa sẽ may áo dài. Mẹ còn muốn may đồng phục cho cả 4 mẹ con nữa đấy… Mẹ mua cả vải quần tốt nhất cho bố đây này, bố mà không dỗi chắc là cả nhà đã được mặc quần áo mới rồi con ạ…

Hơn mười năm, cái rương vải của mẹ mới được bày ra, nó không dám nhìn lâu hơn nữa bởi những điều bố nói. Nhưng bố thì nâng niu tất cả, ông mang ra giặt thật sạch, rồi phơi lên những sợi dây tay mẹ đã mắc từ ngày mới đến căn nhà này. Ông vuốt ve từng bông hoa, từng họa tiết in trên từng miếng vải, ngắm nhìn gió bay...

T.T.H

 

Tin xem nhiều