Tháng 3-2020 này là đúng tròn 195 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức (1765-1825).
Tháng 3-2020 này là đúng tròn 195 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức (1765-1825).
Ông Nguyễn Đức Thùy - người có hơn 20 năm trông coi khu mộ danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức. Ảnh: L.Na |
Ngoài lễ dâng hương, tưởng niệm tại Vườn tượng Danh nhân văn hóa Trấn Biên, ở lăng mộ của Trịnh Hoài Đức hiện nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa), người dân và du khách cũng đến dâng hương tưởng nhớ ông, xem đây như một hoạt động văn hóa thường niên đầy ý nghĩa.
1. Nếu như những năm trước, lễ dâng hương tưởng niệm danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức do Văn miếu Trấn Biên tổ chức thu hút tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh thì năm nay, hoạt động này được tổ chức vào ngày 8-3 dương lịch với quy mô nhỏ. Cán bộ, nhân viên của Văn miếu Trấn Biên cùng dâng hương, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cùng những đóng góp của Trịnh Hoài Đức đối với quê hương Đồng Nai và với dân tộc.
Thuyết minh viên của Văn miếu Trấn Biên Phạm Thị Hồng Tươi cho biết, theo các tài liệu ghi chép về Trịnh Hoài Đức, tổ tiên ông là người Phúc Kiến, Trung Hoa đã sang cư ngụ ở Việt Nam. Thân sinh Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh người Phúc Kiến, còn mẹ là người Việt. Trịnh Hoài Đức mồ côi cha từ khi 10 tuổi. Thưở nhỏ, ông may mắn được là học trò của Võ Tường Toản - một nhà nho thuần hậu, đạo cao đức trọng nổi tiếng thời bấy giờ. Trên con đường công danh, ông được bổ nhiệm và lần lượt giữ nhiều chức vụ trong bộ máy của nhà nước đương thời.
Là một người tài năng, đức độ, Trịnh Hoài Đức nhận được sự tín nhiệm của triều đình. Sau 40 năm làm quan, ông được xem như bậc khai quốc công thần, là một trong những trụ cột triều đình và sống rất thanh bạch. Là nhà thơ, nhà viết sử, ông để lại cho hậu thế một kho tàng trước tác đồ sộ như: Gia Định thành thông chí, Cấn Trai thi tập… Mùa xuân năm 1825, sau một thời gian lâm bệnh, Trịnh Hoài Đức mất, thọ 61 tuổi. Khi ấy, vua Minh Mạng cho bãi triều 3 ngày và cử Thái tử Miên Hoằng đưa linh cữu của ông về quê (làng Bình Trước nay là P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) theo ý nguyện lúc ông còn sống.
Quyền Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Trung Tuyến cho biết: “Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Trịnh Hoài Đức là tấm gương để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Trong lễ kỷ niệm 195 năm ngày mất của ông, để tránh tụ tập nơi đông người do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trung tâm đã tổ chức lễ ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo sự trang nghiêm, ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đây là nét đẹp văn hóa mà trung tâm đã duy trì, nhân rộng và phát huy trong nhiều năm nay. Nếu trong những kỳ lễ tới có sự tham gia đông đảo học sinh, sinh viên và người dân thì ý nghĩa của buổi lễ sẽ càng thêm trọn vẹn”.
2. Lăng mộ của Trịnh Hoài Đức tại P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) được trùng tu, tôn tạo năm 1998 nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai. Ông Nguyễn Đức Thùy - người trông coi khu mộ nói rằng, hằng năm kỷ niệm ngày mất (tháng 2 âm lịch) của Trịnh Hoài Đức, ông và bà con trong khu phố đều thắp hương tưởng nhớ. Hoạt động này diễn ra đều đặn hơn 20 năm nay, kể từ lúc ông nhận công việc trông coi khu mộ.
Vừa hướng dẫn người dân thắp hương, ông Nguyễn Đức Thùy kể, ông là bộ đội về hưu, ngoài trông coi mộ Trịnh Hoài Đức, ông còn trông coi 11 ngôi mộ khác của gia tộc họ Trịnh nằm rải rác trong KP.3, P.Trung Dũng. Hiện tại, mộ vẫn giữ được kết cấu nguyên thủy đó là xây bằng đá ong tô hợp chất, nấm mộ hình voi phục, xung quanh có gờ hình móng ngựa. Phía trước mộ có bia đá, khắc câu đối và bức bình phong lớn khắc ghi vắn tắt cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức.
“Đã có nhiều học sinh, sinh viên đến đây tìm hiểu văn hóa, lịch sử, công lao của Trịnh Hoài Đức. Đó là điều rất đáng phấn khởi. Qua việc tìm hiểu, thế hệ trẻ sẽ hiểu sâu sắc hơn về quê hương, đất nước mình. Các cháu sẽ tự hào mình là người Biên Hòa - Đồng Nai, nơi có danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức” - ông Thùy nói.
Em Trần Thị Thanh Thanh (lớp 5 Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Nhà em ở gần khu lăng mộ thờ danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức nên từ nhỏ em thường xuyên đến đây tìm hiểu. Không chỉ biết được về những công lao của ông đối với đất nước mà em còn biết thêm được nhiều chuyện đời xưa. Nhờ danh tiếng của Trịnh Hoài Đức, em thấy tự hào hơn khi được học ở ngôi trường mang tên ông”.
Với công lao và tài năng, danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức đã được phối thờ trong Văn miếu Trấn Biên, tên ông được lựa chọn để đặt cho tên đường, tên trường học ở TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom. Những thế hệ người Đồng Nai hôm nay luôn biết ơn và tự hào về Trịnh Hoài Đức - một tài năng lớn, một nhân cách lớn, danh nhân văn hóa đã góp phần đặt nền móng cho hào khí Đồng Nai, văn hóa Đồng Nai. |
Ly Na