Văn miếu Trấn Biên không chỉ đơn thuần là một điểm đến gắn liền với những câu chuyện lịch sử mà còn là biểu tượng cho truyền thống hiếu học, nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa của vùng đất phương Nam.
Văn miếu Trấn Biên không chỉ đơn thuần là một điểm đến gắn liền với những câu chuyện lịch sử mà còn là biểu tượng cho truyền thống hiếu học, nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa của vùng đất phương Nam.
Dâng hương trước linh vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại tại Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: L.Na |
Văn miếu Trấn Biên còn là địa chỉ thờ phụng linh vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại - nghệ nhân tiên phong đưa đờn ca tài tử (ĐCTT) trở thành “di sản” của vùng đất phương Nam.
1. Nhạc sư Nguyễn Quang Đại sinh năm Mậu Ngọ (1855), thuộc dòng họ Nguyễn Nhữ quê ở Hải Lăng, Quảng Trị. Ông sinh sống và hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp trong dàn nhạc cung đình Huế. Khoảng năm 1885, khi vua Hàm Nghi xuất bôn, ông theo phong trào Cần Vương vào Nam dạy nhạc. Ông cải biên một số bài bản của âm nhạc miền Trung bằng cách giản dị hóa lối ấn nhịp để tạo ra nhạc điệu hòa hợp với phương ngữ của người dân Nam bộ.
Dựa trên nền tảng âm nhạc ngũ cung, nhạc sư Nguyễn Quang Đại chủ trương tôn trọng “lòng bản” (lõi giai điệu của mỗi bản cổ truyền) khi trình tấu, nhưng tự do sáng tạo chữ đờn và nối nhịp lơi ra tùy theo người ca và người đờn. Ông đã sáng tác các bài bản tổ, làn điệu cho nghệ thuật ĐCTT, đồng thời đào tạo nhiều thế hệ học trò lừng danh ở vùng đất Nam bộ. Linh vị ông hiện nay được thờ tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, H.Cần Đước, tỉnh Long An.
PGS-TS.Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Hội đồng tư vấn nội dung Văn miếu Trấn Biên cho biết, không phải ngẫu nhiên mà Trung tâm Văn miếu Trấn Biên tổ chức lễ an vị linh vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại và thờ phụng ông tại Văn miếu. Nhạc sư Nguyễn Quang Đại vốn được giới ĐCTT xem là tổ nghề. Việc phục dựng và thờ phụng các vị tiền nhân tại Văn miếu Trấn Biên, trong đó có nhạc sư Nguyễn Quang Đại gắn liền với phong tục cổ truyền thờ phụng Tiên sư, Tiền hiền, Hậu hiền của người Việt ở Nam bộ.
“Theo nhiều tài liệu, nhạc sư Nguyễn Quang Đại từng đến Đồng Nai và có nhiều học trò ở xứ này. Hiện nay ở Đồng Nai có hơn 30 câu lạc bộ ĐCTT. Mỗi lần tưởng nhớ tổ nghiệp, những người yêu ĐCTT trong các CLB thường phải đi về đền thờ nhạc sư ở đình Vạn Phước để dâng hương và tham gia biểu diễn cùng các CLB. Do đó, việc thờ linh vị của nhạc sư ở Văn miếu Trấn Biên vừa là điểm đến cho các CLB ở Đồng Nai nói riêng và Đông Nam bộ nói chung có dịp để nhang khói, giao lưu. Qua đó, giữ gìn và phát huy giá trị của ĐCTT” - PGS-TS.Huỳnh Văn Tới nói.
Một buổi luyện tập của CLB đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai. Ảnh: L.Na |
2. Nghệ thuật ĐCTT chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2013. Từ đây, nhiều đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã được các tỉnh, thành phố, trong đó có Đồng Nai tổ chức thực hiện. CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai trực thuộc Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh được chọn để xây dựng các chương trình trong đề án.
Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai cho biết, nhiều năm nay, CLB thường xuyên tổ chức các buổi diễn về cơ sở, đưa ĐCTT xuống phố… nhằm quảng bá, giới thiệu loại hình nghệ thuật đặc sắc này đến với công chúng. Ngoài ra, CLB cũng tổ chức luyện tập hằng tuần, hằng tháng; mở lớp học ĐCTT nhằm phát triển, đào tạo các thế hệ trẻ trong tỉnh để kế thừa bởi lớp nghệ nhân đang lần lượt già yếu hoặc mất đi.
Đến dâng hương nơi thờ phụng linh vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại tại hậu đường của Nhà bái đường Văn miếu Trấn Biên, nghệ nhân dân gian Phạm Lơ không giấu niềm xúc động, ông bày tỏ: “Tôi thật sự rất bất ngờ không hề nghĩ có một ngày linh vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại được thờ phụng ở Văn miếu. Nhạc sư là người có công khai sáng dòng nhạc ngũ cung mà chúng ta đang thừa hưởng. Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Cho nên, các thế hệ trẻ hôm nay cần tiếp bước nhằm bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT để nó đi sâu, rộng vào đời sống cộng đồng”.
Nghệ nhân Linh Phụng (CLB ĐCTT H.Long Thành) nói rằng, trước đây bà từng tham dự ngày giỗ nhạc sư Nguyễn Quang Đại và các buổi giao lưu ĐCTT tại tỉnh Long An. Tuy nhiên, lần đầu tiên đến Văn miếu Trấn Biên được dâng hương lên bàn thờ nhạc sư, bà cảm thấy rất tự hào. “Tôi tự hào một phần vì Đồng Nai đã có bàn thờ “tổ nghiệp” cho những người yêu ĐCTT. Phần nữa là vì tôi thấy mình rất vinh dự khi đứng trong hàng ngũ kế thừa loại hình âm nhạc độc đáo của dân tộc” - nghệ nhân Linh Phụng chia sẻ.
3. Quyền Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Trung Tuyến cho biết, hiện tại trung tâm có một CLB ĐCTT Văn miếu Trấn Biên, thường xuyên giao lưu, sinh hoạt cùng với các CLB trên địa bàn tỉnh. Việc thờ phụng linh vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại tạo điều kiện cho những người yêu ĐCTT nhớ ngày giỗ của nhạc sư - ngày 19 tháng Giêng chưa có dịp về Long An sẽ đến Trấn Biên để dâng hương tưởng nhớ.
Ông Tuyến cho biết: “Hằng năm, trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức liên hoan ĐCTT tỉnh Đồng Nai, giao lưu ĐCTT các tỉnh Đông Nam bộ thu hút rất đông các CLB, nhóm ĐCTT về sinh hoạt. Chúng tôi mong muốn từ những hoạt động như vậy, Văn miếu sẽ là điểm đến giúp các bạn trẻ có nhìn nhận tích cực hơn, yêu thích loại hình nghệ thuật ĐCTT đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể”.
Theo chương trình hoạt động của Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh, đầu tháng 4 này, trung tâm sẽ tham gia Liên hoan ĐCTT quốc gia lần thứ 3-2020 tại TP.Cần Thơ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, liên hoan đã tạm hoãn chờ thời gian thích hợp. Hiện tại, các CLB, đội, nhóm ĐCTT trên địa bàn tỉnh vẫn luyện tập bài bản tài tử nhằm nâng cao chất lượng phong trào, chất lượng hoạt động tại các thiết chế văn hóa. Từ đó, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân đều có thể tham gia bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT Nam bộ.
Ly Na