Tổ chức các trại sáng tác, quảng bá tác phẩm, hội thi, hội diễn văn học nghệ thuật (VHNT), hỗ trợ các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu hoàn cảnh khó khăn… là những hoạt động thiết thực mà Đồng Nai quan tâm thực hiện, hỗ trợ văn nghệ sĩ trong thời gian qua.
Tổ chức các trại sáng tác, quảng bá tác phẩm, hội thi, hội diễn văn học nghệ thuật (VHNT), hỗ trợ các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu hoàn cảnh khó khăn… là những hoạt động thiết thực mà Đồng Nai quan tâm thực hiện, hỗ trợ văn nghệ sĩ trong thời gian qua.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn mừng tuổi văn nghệ sĩ nhân dịp tọa đàm, gặp gỡ đầu Xuân Canh Tý 2020. Ảnh: M. Ny |
Hoạt động này đã góp phần nhen lên ngọn lửa đam mê, ý tưởng sáng tạo mới cho văn nghệ sĩ Đồng Nai. Từ đó, giúp họ sáng tác những tác phẩm VHNT có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
* Nhiều hoạt động thiết thực
Từ nhiều năm nay, đều đặn vào dịp đầu năm mới, lãnh đạo tỉnh luôn tổ chức các buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ. Theo NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, đây là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe những chia sẻ, tâm tư và nguyện vọng của văn nghệ sĩ về hoạt động VHNT trong năm qua và thời gian tới. Lãnh đạo tỉnh cũng có những định hướng nhằm tạo điều kiện để văn nghệ sĩ yên tâm sáng tác.
“Song hành với hoạt động sáng tạo của Hội VHNT Đồng Nai luôn có sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Điều đó thể hiện qua việc chỉ đạo, phê duyệt kinh phí hoạt động; kịp thời khen thưởng, khích lệ thành tích, tôn trọng tự do sáng tác gắn với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ. Đáp lại sự quan tâm ấy, văn nghệ sĩ luôn tìm tòi, phát hiện cái mới, nâng cao chất lượng tác phẩm. Văn nghệ sĩ luôn xem sáng tạo là vì cái đẹp, sự hướng thiện, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn” - NSND Giang Mạnh Hà nói.
Công tác đặt hàng sách cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng. Hằng năm có gần 10 đầu sách trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… được xuất bản từ ngân sách của tỉnh. Bên cạnh đó, Hội VHNT tỉnh thường xuyên tổ chức trại sáng tác, công bố, xuất bản tác phẩm cho hội viên. Đã có hàng trăm tác phẩm, hàng chục đầu sách thuộc các thể loại văn, thơ, văn nghệ dân gian, ảnh nghệ thuật, mỹ thuật được ấn hành, giới thiệu đến công chúng. Đây được xem là sự hỗ trợ rất lớn của tỉnh đối với việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm của hội viên.
Tác giả Đinh Thị Hoàng Loan (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa), một nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải ngồi xe lăn xúc động bày tỏ: “Với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là của Hội VHNT tỉnh, từ năm 2011 đến nay, nhiều tập thơ của tôi đã được xuất bản. Có thể kể đến như: Cảm ơn cuộc đời (năm 2011), Xe lăn khát vọng (năm 2013), Trái tim hồng (in chung năm 2013) và Giấc mơ về nơi ấy (in chung năm 2016)…”.
Với văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, mới đây, UBND tỉnh đã hỗ trợ 8 căn nhà ở xã hội cho nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ cho văn nghệ sĩ tiêu biểu (từ 70 tuổi trở lên). Đầu năm 2020, Hội VHNT tỉnh có 2 tác giả được hỗ trợ (với số tiền gần 17 triệu đồng/người) là Trần Thúc Hà và nhạc sĩ Trần Viết Bính.
* Yên tâm sáng tác
Nhạc sĩ Điểu Được (dân tộc Chơro, xã Phú Túc, H.Định Quán) cho biết, ông là nhạc sĩ người dân tộc, đời sống rất khó khăn, do vậy con đường sáng tác không nhiều thuận lợi. Khi nhận ra niềm đam mê và năng khiếu âm nhạc của ông, chính quyền địa phương, Hội VHNT tỉnh đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để ông theo đuổi âm nhạc cũng như truyền dạy âm nhạc dân tộc Chơro trong đồng bào dân tộc mình.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Văn Phước trao quà hỗ trợ nhạc sĩ Trần Viết Bính. Ảnh: M. Ny |
“Nhiều năm qua, tôi luôn nhận được sự khuyến khích, hỗ trợ từ phía Hội VHNT tỉnh trong việc tham gia các trại sáng tác, cuộc thi âm nhạc, xét tặng giải thưởng VHNT. Trong đó, tôi đã được trao giải B Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần III (2006-2010); giải nhất Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi do Bộ VH-TTDL tổ chức năm 2018 với ca khúc Điện sáng về làng Chơro… Đó là nguồn động lực giúp tôi yên tâm sáng tác” - nhạc sĩ Điểu Được chia sẻ.
Ngoài sự quan tâm của Hội VHNT tỉnh, tác giả Trần Thúc Hà (83 tuổi), là một trong 2 văn nghệ sĩ được nhận hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, bày tỏ niềm vui: “Tôi rất biết ơn khi Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn để chúng tôi có thêm điều kiện, ổn định cuộc sống. Sự động viên bằng vật chất và tinh thần như vậy khiến bản thân tôi cảm thấy mình có trách nhiệm hơn để sáng tác, mang đến những tác phẩm chất lượng phục vụ cộng đồng”.
Theo NSƯT Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, lâu nay trong mỗi lần gặp mặt lãnh đạo tỉnh với văn nghệ sĩ đầu Xuân, các nghệ sĩ, diễn viên thường hay đề đạt nguyện vọng về nhà ở xã hội để họ ổn định chỗ ở, yên tâm lao động nghệ thuật. “Năm qua, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo và hỗ trợ cho nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát nhiều căn nhà ở xã hội. Điều này khiến anh chị em nhà hát rất phấn khởi, xem đó là động lực để gắn bó với nghề, tận tâm với hoạt động nghệ thuật mà mình theo đuổi” - NSƯT Quế Anh nói.
Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh cho biết: “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa. Chính vì lẽ đó mà các hoạt động VHNT của Đồng Nai rất được lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành quan tâm phối hợp với Hội VHNT để tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tác. Những kết quả mà VHNT Đồng Nai đạt được trong thời gian qua không chỉ thể hiện khát vọng hướng tới giá trị tốt đẹp, vươn tới chân - thiện - mỹ mà còn góp phần to lớn xây dựng đời sống tinh thần phong phú cho các tầng lớp nhân dân”. |
Văn Truyên - Ly Na