Phong trào văn hóa, văn nghệ tại các địa phương những năm qua diễn ra sôi nổi, góp phần tích cực tạo sân chơi văn hóa tinh thần lành mạnh cho cộng đồng.
Phong trào văn hóa, văn nghệ tại các địa phương những năm qua diễn ra sôi nổi, góp phần tích cực tạo sân chơi văn hóa tinh thần lành mạnh cho cộng đồng.
Anh Nguyễn Hoàng Giang, Trường Sĩ quan lục quân 2 tham gia hội diễn Tiếng hát miền Đông năm 2020. Ảnh: Ly Na |
Để có được những kết quả ấy không thể không nhắc đến sự đóng góp của những con người nhiệt huyết, là “hạt nhân” trong các phong trào, phát huy và bảo lưu các giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.
* Những “cây văn nghệ” đa tài
Mặc dù không hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng bằng niềm đam mê thơ ca, nhạc họa, anh Nguyễn Hữu Huy (xã Gia Canh, H.Định Quán) đã có hơn 20 năm gắn bó với các phong trào địa phương. Anh Huy vốn là nhân viên thú y của xã Gia Canh. Những lúc rảnh rỗi, anh thường làm thơ, viết nhạc để thỏa mãn đam mê. Vì có khả năng ca hát, sáng tác và chơi được các loại nhạc cụ như: piano, organ, guitar… nên anh trở thành “chủ lực” trong những buổi sinh hoạt của ấp, là gương mặt đại diện cho xã tranh tài tại các liên hoan văn nghệ của huyện, của tỉnh.
Anh Nguyễn Hữu Huy cho biết, tham gia các hoạt động phong trào đối với anh như một “món ăn tinh thần” để thư giãn sau những giờ làm việc vất vả. Từ năm 1988, anh bắt đầu sáng tác thơ và nhạc. Phần lớn các ca khúc của anh phục vụ cho sinh hoạt văn nghệ trong ấp, trong xã và huyện. Nhiều bài hát của anh như: Điệp khúc Trường Sa, Quê tôi, Kết đoàn... đã được phổ biến rộng rãi ở địa phương, được bà con thường xuyên sử dụng. Bên cạnh đó, anh còn tham gia các hội thi của huyện, của tỉnh như: Phòng chống bạo lực gia đình, Nhà nông đua tài, Gia đình hạnh phúc...
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết: “Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng góp phần rất lớn vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Để thu hút người dân trong bối cảnh phương tiện truyền thông đa dạng, các chương trình ca nhạc được tổ chức thường xuyên thì ngoài việc đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng nghệ thuật... rất cần các hạt nhân ở cơ sở. Do đó, hằng năm, trung tâm thường tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng để phát hiện những giọng ca tiềm năng và tạo sân chơi để họ có cơ hội thể hiện tài năng ca hát. Đây cũng là hoạt động thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư”. |
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bạc Liêu, chị Nguyễn Thị Quỳnh Như (Công ty TNHH Mộc nghệ thuật, P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) được biết đến với vai trò “ca sĩ” dòng nhạc bolero và là người dẫn chương trình trong nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật của địa phương. Chị Quỳnh Như cho biết, chị bén duyên ca hát từ nhỏ nhưng phải đến 18 tuổi, khi về Đồng Nai làm việc, chị mới tích cực tham gia các phong trào. Hiện, chị đang sinh hoạt tại CLB Đờn ca tài tử H.Long Thành.
Cũng giống như anh Hữu Huy, hiếm có chương trình, hội thi, hội diễn nào Quỳnh Như vắng mặt. Mới đầu tham gia chị còn ngại ngùng nhưng đi biểu diễn nhiều thành quen. Chị thích hát dòng nhạc cách mạng và trữ tình. Đây là những dòng nhạc rất phù hợp với biểu diễn phục vụ ở cơ sở. Đặc biệt, tại nhiều liên hoan đờn ca tài tử, hội thi giọng hát hay của tỉnh và khu vực, chị đã xuất sắc giành nhiều huy chương vàng, huy chương bạc...
Yêu ca hát và có giọng hát ngọt ngào, anh Nguyễn Hoàng Giang (Trường Sĩ quan lục quân 2, TP.Biên Hòa) trở thành cộng tác viên “tiêu biểu” của Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh. Mặc dù công tác trong môi trường quân đội nhưng những liên hoan, hội diễn văn nghệ lớn trong và ngoài tỉnh dù bận đến đâu, anh cũng luôn sắp xếp thời gian tham gia. Để nâng cao hiệu quả hoạt động biểu diễn, hiện anh đang theo học lớp thanh nhạc của Trường trung cấp Văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai.
Mới đây nhất, trong hội diễn Tiếng hát miền Đông, anh đã thể hiện 2 ca khúc và đều đoạt huy chương bạc. “Niềm đam mê ca hát thôi thúc tôi và tôi thấy hạnh phúc mỗi khi được hát, được thể hiện những ca khúc mình yêu thích. Những tràng pháo tay của mọi người là động lực để tôi gắn bó với phong trào” - anh Hoàng Giang bày tỏ.
* Góp sức cho phong trào
Các anh Hữu Huy, Hoàng Giang hay chị Quỳnh Như chỉ là 3 trong số hàng trăm các hạt nhân văn nghệ cơ sở đã và đang gắn bó, say mê hoạt động phong trào của tỉnh. Không chỉ mang đến lời ca, tiếng hát, họ còn là những tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động các tầng lớp nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc... Họ đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng của nhân dân, nhất là người dân địa phương.
Anh Cao Thép, cán bộ phụ trách Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh chia sẻ: “Nhiều “cây văn nghệ” của phong trào trên địa bàn tỉnh rất đa năng. Họ vừa có khả năng tập hợp, tổ chức, phát triển phong trào, vừa sáng tác kịch bản, đạo diễn và biểu diễn. Họ là những hạt nhân đã và đang đóng góp nhiều công sức, đưa phong trào của địa phương, của tỉnh ngày một đi lên, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân”.
Để động viên các hạt nhân, hằng năm ngành Văn hóa đã có những đề xuất trong xét tặng các danh hiệu nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú; tặng giấy khen, bằng khen của ngành, của tỉnh. Mới đây, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh đã có tờ trình gửi Sở VH-TTDL đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho 2 nghệ nhân dân gian: Phạm Văn Lơ, Lê Văn Lợi và nghệ sĩ Phạm Điền Trung. Đó là sự ghi nhận những đóng góp của các “hạt nhân” với phong trào văn hóa, văn nghệ không chuyên trên địa bàn tỉnh.
Ly Na