Báo Đồng Nai điện tử
En

Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương

08:06, 28/06/2022

Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, đồng thời tôn vinh những phút giây đầm ấm bên mâm cơm của mỗi gia đình, các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt tổ chức nhiều hội thi ẩm thực với chủ đề Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương...

Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, đồng thời tôn vinh những phút giây đầm ấm bên mâm cơm của mỗi gia đình, các địa phương trong tỉnh như: Biên Hòa, Tân Phú, Trảng Bom… đồng loạt tổ chức nhiều hội thi ẩm thực với chủ đề Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương.

Gia đình anh Mai Quốc Anh (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) tham gia hội thi ẩm thực  kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6
Gia đình anh Mai Quốc Anh (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) tham gia hội thi ẩm thực kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Ảnh: L.Na

Không chỉ gắn kết các thành viên lại gần nhau, bữa cơm gia đình còn góp phần hình thành nề nếp gia phong, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong thời hiện đại.

* Cả nhà cùng vào bếp…

Trong không gian không đủ đầy tiện nghi như gian bếp thông thường ở các gia đình và dưới cái nắng nóng của thời tiết, nhưng các thành viên của 28 gia đình đến từ các xã, phường trên địa bàn TP.Biên Hòa ai nấy đều hăng hái trổ tài, nấu những món ăn ngon dự thi.

Gia đình chị Nguyễn Thị Mai - anh Mai Quốc Anh (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) với 4 thành viên có mặt từ rất sớm để tham gia thi. Chị Mai cho biết, từ 5 giờ sáng, chị đã đi chợ, chuẩn bị thực phẩm tươi ngon để gia đình cùng vào bếp trong ngày hội. Bữa cơm gia đình chị đem đến hội thi với những món ăn đơn giản như: thịt bò xào hành tây, rau luộc thập cẩm, canh chua cá lóc… Tất cả đều là những món ăn quen thuộc trong mâm cơm của các gia đình ở Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung. Chồng chị cùng 2 con nhanh tay phụ nhặt rau, xếp hoa, trang trí bàn ăn.

Sáng 27-6, tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP.Long Khánh, Sở VH-TTDL tổ chức tọa đàm chuyên đề: Giá trị hôn nhân và gia đình - góc nhìn của thế hệ trẻ hiện nay nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Chương trình có sự giao lưu của các gia đình trẻ, các thành viên trong mô hình gia đình và CLB phòng, chống bạo lực gia đình đến từ TP.Long Khánh; kết nối trực tuyến với TP.Biên Hòa và các huyện trên địa bàn Đồng Nai.

“Không chỉ trong hội thi ẩm thực các thành viên của gia đình tôi mới vào bếp mà trong cuộc sống hằng ngày, chồng và các con cũng thường xuyên phụ việc nhà cùng tôi. Chồng và các con luôn hiểu được đặc thù công việc của tôi là giáo viên mầm non, thường phải đi làm cả ngày. Chúng tôi luôn duy trì bữa cơm tối trong ngày, ngay cả khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hàng quán mở cửa trở lại. Hôm nào tôi bận không nấu ăn được, anh sẵn sàng đi chợ, vào bếp nấu vài món đơn giản” - chị Mai chia sẻ.

Cùng tham gia ngày hội, vợ chồng anh Trần Văn Châu - chị Huỳnh Thị Thanh Tuyền (ngụ P.Bửu Long) đem đến món gà tiềm thuốc bắc, tôm hấp nước dừa, cơm chiên, lòng gà xào… “Chúng tôi tin rằng, khi các món ăn được chế biến bằng tình yêu thương, với sự góp sức của các thành viên trong gia đình, chúng sẽ trở nên đặc biệt, ngon hơn, ấm áp hơn” - anh Châu bộc bạch.

Tự nhận mình khá vụng về trong việc nấu nướng, công việc trong công ty thường xuyên tăng ca nên rất ít khi gia đình chị Nguyễn Lê Yến Vân (ngụ tại TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) duy trì bữa cơm hằng ngày với đầy đủ các thành viên. Chị Vân cho hay: “Chỉ vào những ngày cuối tuần vợ chồng tôi mới có thời gian chở nhau đi chợ, mua thực phẩm về chế biến cùng con. Nhờ vậy, gia đình tôi tiết kiệm được một khoản, dù không nhiều. Trong thời điểm “bão giá” hiện nay và dịch bệnh vẫn còn, học hỏi cách nấu các món ngon cho gia đình vừa cân bằng dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe, vừa không lãng phí”.

* Ý thức hơn về giá trị của gia đình

Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa Võ Thị Huỳnh Mai cho biết, Ngày gia đình Việt Nam 28-6 năm nay, thành phố tổ chức hội thi nấu ăn cho các gia đình đến từ 30 xã, phường trên địa bàn. Hội thi có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình cùng thể hiện tình yêu thương, sẻ chia mà còn mang đến không khí đầm ấm, bữa cơm đủ năng lượng để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà, thích ứng an toàn với phòng, chống dịch. Từ đó tạo nên sợi dây gắn kết bền chặt, là nền tảng xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Gia đình anh Trần Văn Châu (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) tham gia hội thi ẩm thực kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6
Gia đình anh Trần Văn Châu (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) tham gia hội thi ẩm thực kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6

Nhìn nhận vai trò của bữa cơm trong phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ nhiệm CLB Nam giới nói không với bạo lực gia đình xã Phú Thịnh (H.Tân Phú) Nguyễn Thanh Xuân bày tỏ: “CLB luôn có những buổi nói chuyện, tuyên truyền để nam giới trên địa bàn hiểu rõ hơn vai trò của bữa cơm gia đình, để từ đó thu xếp công việc, chia sẻ chuyện bếp núc cùng vợ con. Mỗi thành viên trong gia đình cần cố gắng duy trì ít nhất một bữa ăn cùng nhau trong ngày. Bởi một khi còn những bữa cơm sum vầy, yên ấm thì sẽ khó có rạn nứt, càng khó có mâu thuẫn và bạo lực trong gia đình”.

Hiệu trưởng Trường cao đẳng quốc tế Tuệ Đức - Vabis (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Tùng từng chia sẻ, nhịp sống hiện đại khiến nhiều gia đình không thể duy trì ăn trưa, thậm chí ăn tối cùng nhau. Những bữa “ăn nhanh” tại nơi làm việc hay những ngày cuối tuần ăn “cơm tiệm” của nhiều gia đình đã trở nên quen thuộc. Bữa cơm truyền thống vì thế đã có sự dịch chuyển từ không gian gia đình ra không gian cộng đồng nhiều hơn.

“Sau thời gian dài “sống chậm” trong đại dịch Covid-19, mỗi người trong chúng ta đã quay trở lại với nhịp sống thường nhật. Vẫn tất bật công việc, học hành và những gánh nặng mưu sinh, nhưng từ trong tâm của mỗi người đã có ý thức hơn về giá trị của tình thân gia đình, biết cách chia sẻ cho nhau từ những điều hết sức giản đơn, để bữa cơm gia đình thêm ấm áp và ý nghĩa” - chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.

Ly Na

Tin xem nhiều