Báo Đồng Nai điện tử
En

Sân khấu hóa tuyên truyền phòng, chống bạo lực

07:06, 27/06/2022

Hướng đến Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và Tháng Hành động phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) tỉnh Đồng Nai năm 2022, khắp 11 huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu.

Hướng đến Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và Tháng Hành động phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) tỉnh Đồng Nai năm 2022, khắp 11 huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu.

Tiểu phẩm Ba mẹ là quê hương do các gia đình H.Định Quán biểu diễn. Ảnh: Ly Na
Tiểu phẩm Ba mẹ là quê hương do các gia đình H.Định Quán biểu diễn. Ảnh: Ly Na

Trong đó, nhiều địa phương chú trọng nâng cao hiệu quả tuyên truyền công tác gia đình và phòng, chống bạo lực bằng hình thức sân khấu hóa, lan tỏa và nhân rộng các thông điệp nhân văn, yêu thương, sẻ chia, cùng chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc.

* Nói không với bạo lực gia đình

Bằng hình thức sân khấu hóa thông qua hàng chục vở kịch ngắn, kịch vui, các tiểu phẩm về đề tài gia đình và phòng, chống BLGĐ đã và đang được công diễn tại nhiều địa phương trong tỉnh. Không chỉ đảm nhận thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hình thức tuyên truyền này còn góp phần thay đổi nhận thức và hành động, xây dựng gia đình bình an, xã hội hạnh phúc trong thời điểm Đồng Nai cùng cả nước thích ứng an toàn, hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.

Với kịch ngắn Ngày hội Gia đình, đội tuyên truyền của H.Long Thành cung cấp cho khán giả những vấn đề liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới. Trong đó, có câu chuyện một số thanh niên kết hôn trước 18 tuổi đối với nữ và trước 20 tuổi đối với nam; các vụ BLGĐ xảy ra xung quanh gắn câu chuyện xây dựng nông thôn mới nâng cao; những kế hoạch, hoạt động phòng, chống bạo lực từ gia đình, đến nhà trường và xã hội…

Là diễn viên tham gia kịch ngắn của H.Long Thành, anh Quốc Vũ (Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tam An) cho biết: “Kịch bản dựa trên những câu chuyện mà thực tế đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với thông điệp, BLGĐ là phạm pháp, chúng tôi mong muốn lan tỏa thông điệp văn hóa ứng xử trong gia đình thời hiện đại, mỗi một “tế bào xã hội” hạnh phúc góp phần chính xây dựng xã hội hạnh phúc”.

Lối diễn xuất chân thực, tiểu phẩm Ba mẹ là quê hương của H.Định Quán kể về câu chuyện xảy ra trong rất nhiều gia đình ở Định Quán nói riêng, Đồng Nai nói chung. Đó là thói quen ăn chơi, rượu chè của các ông chồng đã gây ra những vụ bạo hành về thể chất và tinh thần cho vợ con. Người chồng trong tiểu phẩm đi cải tạo 4 năm trở về vẫn chứng nào tật đó khiến cho con cái bỏ nhà ra đi, người vợ từ mặt. Cách giải quyết của công an, cán bộ làm công tác gia đình đã giúp anh ta hiểu ra, hướng tới những điều tốt đẹp. Nút thắt đã được gỡ bỏ và khán giả cùng thở phào nhẹ nhõm khi anh tu chí làm ăn, biết quan tâm, yêu thương và sẻ chia…

Tiểu phẩm Sám hối của H.Xuân Lộc cũng xoay quanh những câu chuyện bạo hành trong gia đình. Cha mẹ mâu thuẫn, đánh đập nhau hằng ngày khiến cho đứa con gái đang tuổi thiếu niên stress, chỉ biết tâm sự với thầy cô, bạn bè. Những người xung quanh đã cùng em dàn dựng vở kịch uống thuốc tự tử, phải vào viện cấp cứu để mong người cha cảnh tỉnh. Sau khi đọc thư tuyệt mệnh của con gái để lại, người cha đã vô cùng ân hận. Trước chính quyền địa phương, các y bác sĩ và vợ con, anh đã hứa thay đổi để cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc.

Với vai diễn người cha vô tâm, thường xuyên BLGĐ, anh Đào Chi (làm nghề lái xe ở H.Xuân Lộc) cho hay: “Từ việc tham gia tiểu phẩm giúp tôi học thêm những kiến thức, kinh nghiệm để cùng vợ nuôi dạy con cái, giữ lửa hạnh phúc. Tôi cũng mong rằng qua các tiểu phẩm, mỗi một gia đình, nhất là những gia đình trẻ hôm nay hãy biết yêu thương, trân trọng, nói không với bạo lực từ chính gia đình của mình”.

* Nhân rộng các mô hình

Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa Nguyễn Thị Chung cho biết, thực hiện công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ, thời gian qua thành phố đã duy trì và nhân rộng các mô hình, CLB. Đến nay, TP.Biên Hòa có 155 CLB gia đình với gần 4 ngàn hộ tham gia; thành lập và duy trì 200 tổ, nhóm phòng, chống BLGĐ; 200 đường dây nóng với hơn 1,3 ngàn thành viên ở ấp, khu phố tham gia. Cùng với đó, TP.Biên Hòa cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa, đài cơ sở, treo băng-rôn, pa-nô… xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân, thành viên trong gia đình.

Tương tự, Phòng Văn hóa - thông tin H.Tân Phú cũng tăng cường phối hợp với các ngành, các xã, thị trấn xây dựng chục mô hình CLB gia đình. Đến nay, toàn hiện có 70 CLB gồm: gia đình phát triển bền vững; gia đình Công giáo hạnh phúc; gia đình dân tộc hạnh phúc; nam giới nói không với BLGĐ; CLB nông dân; CLB không sinh con thứ 3…

Các CLB này đã thu hút đông đảo các đối tượng trong cùng một gia đình tham gia như: Ông bà, cha mẹ và con cái. Tại 17 xã trong huyện đã xây dựng 94 nhóm phòng, chống bạo BLGĐ, 113 địa chỉ tin cậy cộng đồng, góp phần phòng, chống bạo lực trên địa bàn huyện.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình nhấn mạnh, hướng đến Ngày gia đình Việt Nam và Tháng hành động phòng, chống BLGĐ tỉnh Đồng Nai năm 2022, các địa phương từ tỉnh đến cơ sở hưởng ứng tích cực, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động. Không chỉ tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu mà qua các hoạt động, nhân rộng hơn nữa những mô hình gia đình văn hóa, mô hình phòng, chống bạo lực thông qua các câu chuyện, tiểu phẩm, kịch bản được dàn dựng công phu. Đây cũng là sân chơi để các gia đình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Toàn tỉnh hiện có 823 CLB gia đình phát triển bền vững, 948 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 59 CLB nam giới nói không với bạo lực gia đình. Đồng thời, có hơn 1,1 ngàn địa chỉ tin cậy cộng đồng và 170 điểm tạm lánh bạo lực gia đình.

Ly Na

Tin xem nhiều